Mặc dù thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục vấn đề ùn tắc giao thông như hạn chế phát triển phương tiện xe cá nhân, đa dạng hóa vận tải hành khách công cộng, đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm, nhưng đến nay tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông vẫn tiếp tục tái diễn, thậm chí mức độ ngày càng tăng, nhất là cửa ngõ Đông bắc và phía Nam của Thành phố, gây bức xúc trong nhân dân cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế- xã hội.

Dự án tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên, đoạn qua quận 9. (Ảnh: N.S)

Để từng bước giải quyết vấn đề trên, TP.Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng, đó là tập trung đầu tư cho mạng lưới xe buýt hiện có và tăng dần về số lượng và chất lượng dịch vụ trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, Thành phố cũng chú trọng phát triển vào loại hình vận chuyển khối lượng lớn, trong đó có nhiều tuyến đường sắt đô thị, tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray và các tuyến buýt nhanh.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố chủ trương không cấm xe máy, mà sẽ kiểm soát nhu cầu sử dụng xe máy và khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, đây cũng mục tiêu giải quyết ùn tắc giao thông của TP.Hồ Chí Minh. Do vậy, phát triển vận tải hành khách công cộng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân là chiến lược, định hướng của Thành phố đang được triển khai thực hiện một cách quyết liệt.

Để đạt được mục tiêu đề ra, theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, TP.Hồ Chí Minh cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp như: tăng cường xe buýt, xe buýt nhanh, metro, xe đạp công cộng, sử dụng xe buýt nhiên liệu sạch, xe buýt hỗ trợ người khuyết tật, bố trí hợp lý các điểm trung chuyển xe buýt gần các giao cắt giữa trục chính với tuyến vành đai, ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống vé điện tử, xây dựng bản đồ số trực tuyến.

Đồng thời, TP.Hồ Chí Minh cần xây dựng tuyến đường sắt kết nối Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành; mở mới các tuyến buýt điện kết nối các cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính trên địa bàn; nhanh chóng triển khai 2 tuyến buýt đường sông (Linh Đông – Bạch Đằng và Bạch Đằng – Lò Gốm).

Ngoài ra, TP.Hồ Chí Minh phải tăng cường quản lý phương tiện tận tải hành khách công cộng, trước mắt cần lập quy hoạch tận tải hành khách bằng xe taxi, xe hợp đồng đến 9 chỗ; quy định số lượng xe máy được phép đăng ký hoạt động đối với các doanh nghiệp kinh doanh như Grab, Uber; nghiên cứu quy định các tuyến phố, khu vực cấm taxi hoạt động vào giờ cao điểm và toàn bộ thời gian trong ngày.

Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài việc phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông theo quy hoạch, thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai hệ thống giao thông thông minh, vấn đề trên được Thành phố xác định là một trong những giải pháp hữu hiệu để từng bước giải quyết các vấn đề giao thông của đô thị lớn nhất cả nước. /.

N.S