Trồng hoa cảnh cho thu nhập cao ở huyện Củ Chi. (Ảnh: K.V)

Có được kết quả trên là do thời gian qua, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, TP.Hồ Chí Minh đã thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, dựa trên các chính sách phát triển nông nghiệp. Khuyến khích người dân phát triển sản xuất tập trung vào những cây con chất lượng cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật cao, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, đào tạo nghề cho khu vực nông thôn... nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Đồng thời đẩy nhanh các chương trình, dự án như chương trình phát triển rau an toàn; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vùng nông thôn để phục vụ giao thương, phát triển sản xuất vùng nông thôn.

Cùng với chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung, Thành phố đã không ngừng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang những cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao với mục tiêu hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững, có hàm lượng chất xám cao, công nghệ hiện đại, được đầu tư toàn diện và đồng bộ, mang lại năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, phù hợp đặc thù nông nghiệp của một đô thị lớn.

Hiện, TP.Hồ Chí Minh có diện tích đất nông nghiệp là gần 104.000 ha, chiếm gần 50% tổng diện tích toàn Thành phố, trong đó đất sản xuất nông nghiệp khoảng 56.700 ha, đất lâm nghiệp 36.300 ha, đất nuôi trồng thuỷ sản 9.400 ha, còn lại là đất làm muối.

Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh cho biết, năm 2018, Thành phố phấn đấu ít nhất có 30 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Năm 2019, 26 xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí đặc thù./. 

K.V