Tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên (Ảnh: K.V)

Hiện TP.Hồ Chí Minh chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, trong khi đó, dân số và lao động chiếm 9% và 8%. Diện tích đất không tăng, nhưng dân số ngày càng tăng khiến không gian càng chật hẹp. Tính trung bình trên 1 km 2, dân số TP.Hồ Chí Minh gấp 14 lần, còn số lao động gấp 12 lần cả nước.


Một số chuyên gia kinh tế nhận định, TP.Hồ Chí Minh sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các dự án hạ tầng giao thông cấp bách và trọng điểm. Đặc biệt, việc điều tiết ngân sách địa phương giảm từ 23% xuống còn 18% trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ càng khiến ngân sách của Thành phố này thêm khó khăn. Sở Tài chính TP.Hồ Chí Minh cho biết, việc tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố bị giảm 5% trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ làm cho ngân sách hụt khoảng 50.000 tỷ đồng, theo đó mỗi năm hụt khoảng 10.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, chỉ tính riêng trong lĩnh vực giao thông, hiện nay TP.Hồ Chí Minh đã đầu tư được hơn 106km các tuyến đường hướng tâm, xây dựng tuyến metro số 1, đang đầu tư vành đai 2, xây dựng được gần 65 km trục xuyên tâm, ngoài ra Thành phố còn đang kêu gọi đầu tư 2 tuyến đường trên cao.v.v…

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh cho biết, trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn ngân sách, khả năng bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn (2017-2020) chưa có. Trong khi đó, việc kêu gọi nguồn vốn ODA lại bị hạn chế. Do đó, với nhiều công trình cần ưu tiên, việc triển khai các dự án giao thông theo hình thức đối tác công tư với quy mô thích hợp là cần thiết và phù hợp với tình hình hiện nay. TP.Hồ Chí Minh cũng sẽ huy động nguồn vốn từ các quỹ đầu tư phát triển đô thị. Tuy nhiên, hình thức này cũng gặp khó khăn vì đầu tư vào cơ sở hạ tầng mang lại lợi nhuận không cao như những lĩnh vực khác.

Cùng với nguồn vốn đầu tư cho giao thông, hiện TP.Hồ Chí Minh cũng đang tính toán để xây dựng lại những khu chung cư đã xuống cấp trầm trọng. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh, hiện Thành phố đang có khoảng 935 chung cư cũ, trong đó có 577 chung cư được xây dựng trước năm 1975, phần lớn bị xuống cấp. Đến năm 2020, TP.Hồ Chí Minh cần cơ bản hoàn thành tháo dỡ và xây mới ít nhất 50% chung cư hư hỏng nặng.

Chương trình chỉnh trang phát triển đô thị, di dời nhà trên và ven kênh rạch, TP.Hồ Chí Minh cũng cần phải di dời khoảng 20.000 căn hộ, trong đó chiếm hơn 50% trên địa bàn quận 8. Đây là Chương trình cần rất nhiều vốn, và cần có sự tham gia đồng hành của các doanh nghiệp. Không những vậy, vấn đề về xử lý rác thải, chống ngập…, TP.Hồ Chí Minh cũng cần đến một nguồn tiền không nhỏ để giải quyết những lĩnh vực bức xúc nói trên.

Để có giải pháp hữu hiệu cho những vấn đề trên, lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh mong muốn các doanh nghiệp và nhà khoa học cùng chung tay với Thành phố tham gia các đề xuất chính sách, lập quy hoạch, triển khai quy hoạch hạ tầng đô thị. Đồng thời,  yêu cầu các sở ngành tiến hành rà soát lại quy hoạch tổng thể và kế hoạch sử dụng đất; công khai quy hoạch kêu gọi đầu tư dự án lên Internet; đẩy mạnh hợp tác công tư với sự tham gia của doanh nghiệp và ngân hàng; hoàn thiện môi trường đầu tư và sẵn sàng đất với giá thuê cạnh tranh cho các nhà đầu tư.

TP.Hồ Chí Minh cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp chung tay với Thành phố tham gia đầu tư vào lĩnh vực giao thông công cộng, hệ thống các tuyến metro, xe buýt nhanh, các bãi đậu xe ngầm, cũng như việc phát triển đô thị vệ tinh, hình thành các trung tâm thương mại - dịch vụ.

Được biết, hiện nay cũng có nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký tham gia đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn Thành phố, nếu có cơ chế hỗ trợ tốt, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư chắc chắn sẽ thu hút rất lớn nguồn lực xã hội đầu tư phát triển TP.Hồ Chí Minh./. 

K.V