Góp ý với lãnh đạo Thành phố, các chuyên gia cho rằng cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.Hồ Chí Minh là cơ hội để Thành phố phát triển lên một tầng nấc mới; vì vậy cũng đặt ra nhiều thách thức, có mặt tích cực lẫn tiêu cực. Lãnh đạo các sở, ngành, chuyên gia cũng nhấn mạnh, cần tính kỹ, nghiên cứu sâu một số nội dung về tăng thuế, phí, lệ phí cũng như đặt ra các loại phí, lệ phí mới, bởi tác động rất lớn tới xã hội và kinh tế Thành phố. Trong đó, đề án không chỉ nghiên cứu tăng thuế, phí, lệ phí mà cũng cần nghiên cứu để có thể giảm một số loại phí, lệ phí khác. Thêm nữa việc thực hiện các đề án triển khai Nghị quyết của Quốc hội là rất gấp gáp, thực hiện rất khẩn trương nhưng không vội vã. Nghĩa là có một số đề xuất có thể thực hiện ngay, nhưng có những đề án đòi hỏi nghiên cứu kỹ lưỡng; đặc biệt là liên quan đến đánh giá tác động về mặt kinh tế, xã hội, môi trường, tài chính... phải thận trọng.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: thanhuytphcm.vn)

TS Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công, Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng: Để tăng năng lực cạnh tranh của Thành phố, tăng khả năng tạo việc làm, tăng thu ngân sách, tăng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) theo đề án đặt ra thì Thành phố phải cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhiều người giỏi đến với Thành phố. Về mặt ngân sách phải đảm bảo 3 chỉ tiêu cơ bản là hiệu quả, công bằng và tính khả thi. Thành phố phải có cơ chế khai thác giá trị từ đất để đầu tư cơ sở hạ tầng; có chính sách tạo động lực cho cán bộ để họ làm những việc tốt cho sự phát triển của Thành phố.

Tham gia góp ý việc triển khai thực hiện các công việc mà UBND Thành phố đưa ra, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố đề nghị, các đề án phải hướng đến giải quyết những thách thức của Thành phố như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường. Đồng thời cân nhắc danh mục loại thuế trong thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt để áp dụng.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Vừa qua Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 54 để tạo sự đột phá, động lực cho Thành phố phát triển. Đây là sự quan tâm của Chính phủ, Quốc hội dành cho TP.Hồ Chí Minh. Bên cạnh cơ hội cũng là trách nhiệm, thách thức nếu không nỗ lực đạt những kết quả đề xuất thì Thành phố không có bước phát triển mới. Chính vì thế, ngay từ khi Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết 54 thì Thành phố đã có những bước chuẩn bị. Đó là Thành ủy có Nghị quyết lãnh đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội; HĐND Thành phố ra Nghị quyết để lãnh đạo thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội.

Qua ý kiến của các chuyên gia, có thể chia 19 đầu việc thành 3 nhóm vấn đề chính là: Nhóm Cơ chế tài chính, Ngân sách do Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến phụ trách. Trong nhóm này sẽ có những đề tài nhánh cụ thể và sẽ mời một nhóm chuyên gia cùng chia sẻ, giúp cho thành phố. Nhóm thứ 2 là Phân cấp, ủy quyền, cải cách hành chính sẽ do Chủ tịch UBND Thành phố trực tiếp chỉ đạo, Sở Nội vụ chịu trách nhiệm phụ trách. Đối với nhóm vấn đề về đầu tư, đất đai giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phụ trách và Chủ tịch UBND Thành phố sẽ trực tiếp chỉ đạo. Vấn đề cổ phần hóa, mô hình cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước giao Ban Quản lý Đổi mới doanh nghiệp Thành phố phụ trách.

Theo ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND Thành phố, trong 19 nội dung được HĐND Thành phố khóa IX giao tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, có 10 nội dung là nhiệm vụ thực hiện thường xuyên của các sở, ngành; 9 nội dung cần sự liên kết, phối hợp giữa các sở, ngành cùng sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia. Trong đó, các nội dung cần nghiên cứu sâu thuộc các vấn đề phân cấp, ủy quyền; đề án các loại phí, lệ phí mới cũng như tăng và đề xuất tăng thuế suất; tăng thu nhập cho cán bộ; huy động vốn đầu tư... Dự kiến tháng 4/2018, UBND Thành phố sẽ hoàn thành một số đề án quan trọng và trước tháng 6/2018 sẽ trình Thành ủy, HĐND Thành phố./.

VL (t.h)