Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các cơ quan chuyên môn trao đổi, thảo luận, đề xuất, kiểm nghiệm bộ tiêu chí, đánh giá gia đình hạnh phúc phù hợp ở thành phố; đồng thời gợi mở những vấn đề về chính sách liên quan đến các lĩnh vực khác nhau của đời sống gia đình, hướng đến nâng cao đời sống hạnh phúc của gia đình thành phố giai đoạn hiện nay.

 Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thanh Sang, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, gia đình là tế bào cơ bản của xã hội; gia đình hạnh phúc là yếu tố quyết định của một xã hội hạnh phúc. Gia đình có các chức năng cơ bản là tái sinh sản, giáo dục, kinh tế cùng nhiều chức năng khác như thỏa mãn nhu cầu tinh thần, tình cảm, chăm sóc sức khỏe của từng thành viên... Do vậy, thiếu hụt một hoặc một số yếu tố nào đó có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc của gia đình.

Quang cảnh hội thảo.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Người đã khẳng định “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Vì thế, việc xây dựng gia đình hạnh phúc là mục tiêu phấn đấu của mỗi gia đình Việt Nam, các tổ chức xã hội và của mỗi người dân Việt Nam.

Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật và chính sách để xây dựng gia đình Việt Nam, phản ánh vai trò quan trọng của gia đình đối với xã hội và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở thành phố là phản ảnh khả năng tác động chính sách ở các mức độ khác nhau và hướng đến hình thành hệ thống để đo lường, giám sát các yếu tố của gia đình hạnh phúc.

"Đặc biệt, trong bối cảnh đặc thù Thành phố là trung tâm đô thị, công nghiệp và giao thương quốc tế lớn, dân số nhập cư đông khiến nhiều gia đình chịu áp lực lớn về điều kiện làm việc, thu nhập, chi tiêu, nhà ở, thời gian dành cho các thành viên trong gia đình… Môi trường đô thị lớn cũng thúc đẩy tính cá nhân, giảm tương tác gia đình và cộng đồng, trong khi mở rộng các tương tác xã hội và phụ thuộc nhiều vào các dịch vụ công”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thanh Sang nhìn nhận.

Về tiêu chí gia đình hạnh phúc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Ngọc Văn cho rằng, đây là tập hợp những chỉ báo đặc trưng liên quan đến các lĩnh vực khác nhau của đời sống gia đình dùng để đo lường mức độ hạnh phúc. Tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở thành phố cơ bản được xác định thông qua 33 tiêu chí chỉ báo thực nghiệm gồm: đời sống kinh tế, vật chất, thể chất của gia đình; các mối quan hệ gia đình và xã hội; đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh tín ngưỡng.

Trong đó, tiêu chí đầu tiên của gia đình hạnh phúc hiện nay là phải có sức khỏe tốt, có công ăn việc làm đầy đủ, thời gian lao động hợp lý, thu nhập ổn định và đảm bảo; phải có nơi ở (nhà riêng), tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, có ngân sách dự phòng. Bên cạnh đó, kết hôn được xác định là tiêu chí cần thiết, quan hệ vợ chồng phải hòa thuận, con cái hiếu thảo với cha mẹ, cha mẹ tôn trọng sự lựa chọn của con, các con yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, quan hệ họ hàng, nội ngoại, láng giềng và cộng đồng, bạn bè, đồng nghiệp tốt. “Một gia đình hạnh phúc ở thành phố còn phải tuân thủ pháp luật, những quy định của Nhà nước, biết cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận cái mới, đề cao việc học, nâng cao hiểu biết, tham gia vào các hoạt động hướng thiện, có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, gia đình được sum vầy, đoàn tụ, làm được nhiều việc có ý nghĩa cho gia đình và cộng đồng, xã hội…”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Ngọc Văn chia sẻ.

Cùng quan điểm, Thạc sĩ Trần Thanh Hồng Lan, Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) lưu ý về tiêu chí hạnh phúc gia đình hiện bị chi phối bởi: sự khác biệt về các hình thức hôn nhân và chung sống, mô hình gia đình; việc khẳng định vai trò của cảm xúc con người trong các mối quan hệ; tiêu chí hạnh phúc cần xem xét đến yếu tố thời điểm và bối cảnh xã hội của các nhóm dân cư; tiêu chí đo lường hạnh phúc phản ánh 3 nhóm yếu tố cách hài hòa giữa các nhóm xã hội.

Theo Thạc sĩ Trần Thanh Hồng Lan, tình trạng hôn nhân của người dân thành phố đang chuyển biến theo quá trình đô thị hóa và có xu hướng kết hôn muộn, hoặc không kết hôn. Trong đó, nhiều người e ngại về việc giáo dục con cái, giữ gìn hạnh phúc gia đình, duy trì bữa cơm gia đình…

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia thảo luận về hôn nhân gia đình hiện nay; quan niệm của Phật giáo về hạnh phúc gia đình; định hướng và các giải pháp xây dựng gia đình hạnh phúc trong thực tiễn ở Thành phố; gợi mở một số chính sách cần quan tâm trong xây dựng bộ tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc…./.

Tin, ảnh: Thanh Vũ/TTXVN