Chiều 12/8, Đoàn công tác khảo sát, đánh giá kết quả tổng kết Nghị quyết số 49 – NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 và kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33 – CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư do Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao Nguyễn Hòa Bình làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại TPHCM.

Tiếp đoàn, lãnh đạo TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Thế Lưu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM; Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP; Trung tướng Lê Đông Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công  an TPHCM;…

Các đại biểu tham dự buổi làm việc.

Kiến nghị xây dựng cơ chế liên thông thông tin cơ sở dữ liệu

Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, Phó trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM Phan Ngọc Minh cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, giúp các Cấp ủy, chính quyền và người dân TP nhận thức đúng về vị trí, vai trò của các cơ quan tư pháp và hoạt động tư pháp; vị thế của các cơ quan tư pháp từng bước được nâng lên, tính độc lập trong hoạt động tư pháp được đảm bảo. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ của các cơ quan tư pháp cơ bản được củng cố, kiện toàn về số lượng và chất lượng, tăng cường công tác cán bộ; thường xuyên rà soát, thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ tư pháp. Đáng chú ý, chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ngày càng nâng lên và thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật; nhiều vụ án được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm. Bên cạnh đó, chủ trương xã hội hóa công tác bổ trợ tư pháp được TP quán triệt và triển khai thực hiện đúng định hướng, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động tư pháp và đáp ứng tốt nhu cầu dịch vụ pháp lý của người dân TP.

Theo đồng chí Phan Ngọc Minh, TAND hai cấp TP đã tổ chức phiên tòa điểm theo tinh thần cải cách tư pháp ở tất cả các loại án. Tỷ lệ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán giảm. Đối với việc thành lập 10 Trung tâm hòa giải tại 10 đơn vị đã đạt được kết quả tích cực, tạo điểm sáng trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính.

Để nâng cao hiệu quả công tác cải cách tư pháp, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương xem xét lại chỉ tiêu tinh giảm biên chế để bố trí tăng (hoặc giữ nguyên biên chế được giao) do thực trạng công việc của các cơ quan tư pháp TP ngày càng gia tăng về số lượng, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, các bộ, ngành Trung ương xây dựng cơ chế liên thông thông tin cơ sở dữ liệu giữa cơ quan Tư pháp với cơ quan thuế và các cơ quan quản lý khác; cho phép kết nối, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực công chứng, đất đai giữa các cơ quan có liên quan như tổ chức hành nghề công chứng và cơ quan đăng ký đất đai để tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

Hoạt động hành nghề luật sư có chuyển biến tích cực

Về kết quả thực hiện Chỉ thị 33 CT/TW, Phó trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP Phan Ngọc Minh cho biết, hướng đến mục tiêu trong Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư trên nguyên tắc quản lý nhà nước và phát huy tính tự quản, độc lập của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư...”, Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng của TP thường xuyên phối hợp với Đoàn Luật sư, các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển nghề luật sư theo Kế hoạch phát triển nghề luật sư đến năm 2020 tại TP; tập trung thực hiện tốt việc cấp chứng chỉ hành nghề luật sư theo đúng thời hạn, đúng quy định.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 33-CT/TW, hoạt động hành nghề luật sư trên địa bàn TP có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, tính đến ngày 31/5/2019, số luật sư tăng gấp 5 lần, số tổ chức hành nghề luật sư tăng 0,4 lần so với năm 2009. Về chất lượng luật sư, phần lớn luật sư là những người có trình độ chuyên môn, có trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp; có ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật, tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam; chấp hành tốt Quy chế của Đoàn Luật sư.

Đối với tổ chức hành nghề luật sư có nhiều chuyển biến tích cực; đã có sự đầu tư nghiêm túc trong tổ chức hoạt động hành nghề, tạo dựng thương hiệu cho tổ chức mình, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả. Nhiều luật sư đã tích cực tham gia các hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí, thực hiện trợ giúp pháp lý, tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật.

Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM kiến nghị Ban Bí thư sớm có chỉ đạo mới về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư trong tình hình mới hiện nay, nhằm xây dựng đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, giỏi kỹ năng nghe ngoại ngữ; tiếp ứng kịp thời những thay đổi của khoa học, kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Đồng thời, TP kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 và Nghị định 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 theo hướng cho phép Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm của tổ chức hành nghề luật sư, hoặc cho TP cơ chế đặc thù được chủ động quyết định việc phân cấp quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư giữa cấp tỉnh và cấp huyện để phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư tại địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, từ năm 2005 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 49 – NQ/TW, một Nghị quyết toàn diện khởi đầu chiến lược cải cách tư pháp cấp quốc gia từ năm 2005 đến nay. Tiếp đó, năm 2009, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị  số 33 – CT/TW. Đây là hai chỉ đạo quan trọng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chiến lược cải cách tư pháp của nước ta. Đến nay gần như hoàn tất chiến lược cải cách tư pháp.

Theo đồng chí Nguyễn Hòa Bình, đến năm 2020 tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 49 – NQ/TW và 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33 – CT/TW nhằm giúp đánh giá lại những việc đã làm được và chưa làm được, bài học kinh nghiệm của công tác cải cách tư pháp. Để phục vụ công tác tổng kết, trung ương thành lập các đoàn làm việc với các địa phương tiêu biểu, có hoạt động tư pháp sôi nổi, trong đó có TPHCM và các cơ quan trung ương.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, thời điểm tổng kết các Nghị quyết, Chỉ thị trên cũng là thời điểm chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng, vì vậy công tác tổng kết còn có ý nghĩa quan trọng cho việc xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Từ việc khảo sát tại các Đảng bộ, tổ chức Đảng, từ địa phương đến các cơ quan Trung ương, các đoàn công tác sẽ tham mưu Bộ Chính trị, sau đó Trung ương tham mưu cho Đại hội chủ trương xem xét hoạch định có cần thiết xây dựng một chiến lược cải cách tư pháp mới, từ sau năm 2021. Việc đó được hoạch định trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII./.

S.Hải/hcmcpv.org.vn