Đó là nội dung nhấn mạnh của ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội nghị “ Chung tay xây dựng khu vực trường học an toàn - Hưởng ứng Tuần lễ An toàn đường bộ toàn cầu lần thứ 5” của Liên Hiệp Quốc do Ban An toàn giao thông Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố, Quỹ phòng chống thương vong châu Á tổ chức ngày 12/5.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, cùng với sự phối hợp của Quỹ phòng chống thương vong châu Á, Sở Giao thông Vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố và chính quyền các địa phương, Ban An toàn giao thông Thành phố đang thí điểm cải tạo hạ tầng giao thông trên địa bàn Quận 1, Quận 5, Quận 6. Từ đó, Ban sẽ đánh giá lại kết quả bước đầu việc thí điểm triển khai giáo dục đi bộ an toàn cho học sinh tại 37 điểm trường trên địa bàn thí điểm này và triển khai các giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, phát động các cơ quan ban, ngành, đoàn thể doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn thành phố tích cực hưởng ứng và tham gia Tuần lễ An toàn đường bộ toàn cầu lần thứ 5.

Hội nghị Chung tay xây dựng khu vực trường học an toàn - Hưởng ứng Tuần lễ An toàn đường bộ toàn cầu lần thứ 5

Theo Quỹ phòng chống thương vong châu Á, khởi động từ năm 2009, nhằm nâng cao nhận thức về an toàn đi bộ cho trẻ em và cải thiện ý thức của người tham gia giao thông tại Việt Nam, chương trình Đi bộ an toàn đã thu hút hơn 200.000 học sinh đến từ 315 trường tiểu học và trung học khắp cả nước. Thông qua chương trình, nhiều nón bảo hiểm, áo khoác và mũ phản quang, hộp bút và sách giáo khoa về an toàn đi bộ đã được trao tặng cho các học sinh.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chương trình đã giúp cải thiện tình trạng giao thông xung quanh khu vực trường học cho các trường: Tiểu học Kết Đoàn (Quận 1), Trung học Cơ sở Mạch Kiếm Hùng (Quận 5), Trung học Cơ sở Phạm Văn Chí, Tiểu học Hùng Vương (Quận 6). Cụ thể, lắp đặt đèn cảnh báo chớp vàng, dãy phân cách, đảo dừng chân, lằn sơn, biển báo hạn chế tốc độ qua cổng trường học và dấu hiệu cảnh báo giảm tốc độ trên mặt đường.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, đây là chương trình đầu tiên được làm thí điểm khá toàn diện về xây dựng mô hình trường học an toàn, giúp học sinh an toàn hơn khi đến trường và từ trường về nhà, góp phần giảm tỷ lệ tai nạn giao thông cho trẻ em. Do đó, tùy theo nhu cầu thực tế của từng khu vực, các trường học được lựa chọn chủ động phối hợp với các nhà tài trợ triển khai lắp đặt các hạng mục tại khu vực trường học của Chương trình Đi bộ an toàn.

Thầy Phạm Quang Vinh, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Quận 1, chia sẻ: Qua hội nghị này, nhà trường đã triển khai các hoạt động giúp hoc sinh đi bộ an toàn và tiếp đến cơ sở hạ tầng trước cổng trường nhằm tạo điều kiện tốt nhất đảm bảo cho các em đến trường học an toàn. Với sự hỗ trợ Ban An toàn giao thông Thành phố, mô hình này cần thiết và nhân rộng ngoài thí điểm 37 điểm trường để các em đến trường là một ngày vui, an toàn. Nhà trường đã phối hợp địa phương sắp xếp cho phụ huynh vào cổng trường rước học sinh, lực lượng dân quân hướng dẫn phụ huynh sắp xếp xe trật tự và hướng dẫn trật tự đầu mỗi giờ khu vực lề đường trước cổng trường thông thoáng, tránh ùn tắc giao thông.

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân hàng đầu thứ hai gây tử vong và thương tích nghiêm trọng ở trẻ em từ sơ sinh đến 19 tuổi, với hơn 1.900 trẻ em tử vong hằng năm do tai nạn giao thông. Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê, tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân tử vong hàng đầu tập trung ở độ tuổi từ 5 tuổi đến 29 tuổi, phần lớn là thanh thiếu niên và độ tuổi lao động, trong đó 30% tử vong do tai nạn đường bộ liên quan đến người đi bộ, người đi bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Vì vậy, Tuần lễ An toàn đường bộ toàn cầu lần thứ 5 được phát động góp phần cứu sống nhiều sinh mạng trên khắp mọi nẻo đường, tiến tới đạt mục tiêu phát triển bền vững về an toàn giao thông đưòng bộ./.

PV/TTXVN