Xử lý nước thải tập trung trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: Báo mới.com)

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế Thành phố được giao phối hợp với các sở-ngành, đơn vị liên quan, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tham mưu việc xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên địa bàn Thành phố.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xác định phạm vi, công bố và tiến hành cắm mốc hành lang chỉ giới an toàn công trình thủy lợi và đê điều trên các sông, kênh, rạch có chức năng tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phát triển rừng và sản xuất muối trên địa bàn Thành phố.

Ngoài ra, Sở Xây dựng cần hướng dẫn cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa đối với các công trình, nhà ở trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ phù hợp với quy định; cấp phép xây dựng đối với công trình xây dựng kè theo tuyến trong đô thị; tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp san lấp, lấn chiếm sông, suối, kênh, rạch, hồ công cộng; xây dựng nhà ở, công trình sai phép, không phép trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ. Uỷ ban nhân dân các quận-huyện chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về việc lấn chiếm hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, kênh, rạch của các dự án xây dựng ven sông.

Liên quan đến xử lý ô nhiễm kênh Ba Bò, Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã vừa làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương bàn cách giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại kênh Ba Bò. Các khảo sát gần đây cho thấy tình trạng ô nhiễm kênh Ba Bò đang có dấu hiệu gia tăng.

Đây là tuyến kênh thoát nước mưa và nước thải lưu vực phường Bình Chiểu, phường Linh Trung (quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) và khu phố Đồng An, Tân Long, Tân Đông Hiệp trên địa bàn thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, tổng lưu vực thoát nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương vào kênh Ba Bò khoảng 1.000ha với lưu lượng nước thải 18.900 - 20.100m³ nước thải/ngày. Trong đó, nguồn thải chủ yếu là từ 2 khu công nghiệp Sóng Thần 1 và 2 với 15.000 - 16.000m³ nước thải/ngày.

Ngoài ra, còn có 4.000m³ nước thải/ngày thuộc các khu dân cư tỉnh Bình Dương và 500m³ nước thải/ngày từ các doanh nghiệp của Quân đoàn 4 nằm điểm giáp ranh TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương.

Để giảm ô nhiễm nguồn thải kênh Ba Bò, tỉnh Bình Dương đã triển khai một số giải pháp như nạo vét lòng kênh, xây dựng bờ kè kết hợp làm đường hai bên kênh; vận động người dân không xả rác thải vào kênh. Bình Dương cũng đã xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải thị xã Thuận An với công suất 17.000m³ nước thải/ngày và đang tổ chức thu gom, đấu nối nước thải của các hộ dân về nhà máy để xử lý.

Đồng thời, đang triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải Dĩ An. Riêng với 2 Khu công nghiệp Sóng Thần 1 và 2, tỉnh Bình Dương phối hợp Ban quản lý khu công nghiệp, Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên và Công ty cổ phần Đại Nam tiến hành kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp trong khu chưa đấu nối triệt để nước thải hoặc chưa tách hoàn toàn hệ thống thoát nước mưa ra khỏi hệ thống thu gom nước thải. Tỉnh Bình Dương cũng đã đầu tư hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải của hệ thống xử lý nước thải tập trung để giám sát 24/24 giờ…

Tuy nhiên, tình trạng nguồn thải ô nhiễm thải ra kênh Ba Bò vẫn còn. Hệ thống xử lý nước thải của 2 khu công nghiệp bị quá tải. Tình trạng doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp xả lén nước thải chưa qua xử lý vào ban đêm, trời mưa vẫn còn. Số lượng khu dân cư, thương mại, dịch vụ tăng nhanh nhưng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt dù đã xây dựng nhưng việc đấu nối chưa hoàn thiện.Điều này khiến cho lượng lớn nước thải chưa xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh cho biết, kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước kênh Ba Bò trong thời gian qua cho thấy, nồng độ các chất BOD, hữu cơ… vượt tiêu chuẩn cho phép. Chính vì vậy, việc cải thiện chất lượng môi trường sống cho người dân, nhất là tại khu vực kênh Ba Bò là hết sức cấp thiết. Do vậy, từ năm 2008 đến nay, tỉnh Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh đã cùng nhiều doanh nghiệp đã dành ra khoảng 10.000 tỷ đồng để đầu tư cải thiện môi trường kênh Ba Bò. Tuy nhiên, nếu chỉ đầu tư mà thiếu sự đồng bộ trách nhiệm giữa người dân, doanh nghiệp thì không thể đạt được mục tiêu như mong muốn.

Các địa phương đã thống nhất  giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh chủ trì triển khai hoàn thiện lắp đặt hệ thống quan trắc tự động dọc tuyến kênh để tăng cường giám sát chất lượng nguồn nước kênh, chia sẻ dữ liệu quan trắc với nhau; tăng cường kiểm tra giám sát nguồn thải doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; hoàn thiện hạng mục công trình bờ kè kênh, nhà máy xử lý nước thải đô thị (tỉnh Bình Dương) và hồ điều tiết sinh học (TP.Hồ Chí Minh); đốc thúc chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Sóng Thần 1 và 2 hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung./..

NS