Đó là những ý kiến được đưa ra tại Hội thảo Khoa học mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp – từ lý luận đến thực tiễn do Học viện Cán bộ TPHCM phối hợp Trường Chính trị tỉnh Bình Phước tổ chức ngày 21/8.

Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý Nhà nước

Tại hội thảo, Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP cho biết, chủ trương thực hiện thí điểm mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND là một thử nghiệm đột phá được Đảng đề ra cách đây 10 năm. Nhiều địa phương đã và đang mở rộng áp dụng mô hình này với mục đích đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tạo sự đồng bộ, thống nhất, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các mặt công tác của địa phương. Từ đó, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý Nhà nước, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Các đại biểu tham dự buổi hội thảo.

Sau 10 năm thực hiện, mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp đã mang lại hiệu quả cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của địa phương ở những nơi thực hiện thí điểm. Một số địa phương như: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, An Giang… mô hình nhất thể hóa cán bộ đang được áp dụng ở cấp quận, huyện, cấp xã và ngày càng được nhân rộng.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thanh Thuyên, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Bình Phước, đến nay các đơn vị hành chính cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã với 22/111 xã, phường, thị trấn (đạt 19,81%). Về thuận lợi, mô hình này đã giúp các xã, phường, thị trấn phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy. Các chủ trương, nghị quyết đã được thực hiện ngay, giải quyết công việc nhanh và đạt kết quả cao; đảm bảo vai trò lãnh đạo thường xuyên, liên tục của cấp ủy đối với hoạt động của chính quyền. Tính chủ động của người đứng đầu cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND trong giải quyết các vấn đề phát sinh được kịp thời và linh hoạt hơn.

Đại diện cho đơn vị thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp, đồng chí Hoàng Mạnh Thường, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Tân Khai (huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước) chia sẻ, có nhiều thuận lợi khi Bí thư kiêm nhiệm Chủ tịch đó là tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động và triển khai tổ chức thực hiện của UBND. Bên cạnh đó, vai trò quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và UBND diễn ra tập trung vào một người đã tạo ra sự thống nhất, khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm, mất đoàn kết giữa Bí thư cấp ủy và Chủ tịch UBND. Cùng với đó, bộ máy gọn nhẹ, biên chế tinh giản, phù hợp chủ trương với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ năng lực

Tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp đã và đang bộc lộ những hạn chế, bất cập và không ít khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Có địa phương sau một thời gian thực hiện mô hình này đang thu hẹp dần. Khó khăn lớn nhất khi thực hiện mô hình này là khối lượng công việc nhiều. Nếu Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND làm việc thiếu khoa học sẽ dẫn đến sự lúng túng trong sự xếp sắp hài hòa giữa công tác Đảng và công tác chính quyền.

Thạc sĩ Trần Thị Hà Vân, Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TP cho rằng, việc triển khai mô hình tại TP lớn gặp khó khăn vì dân số đông, có nhiều loại hình kinh tế, tình tình trật tự xã hội cũng phức tạp hơn. Về công tác Đảng, số đảng viên tại 1 xã, phường, thị trấn cũng đông hơn so với các địa phương khác, có những phường tại TPHCM đến 1.700 đảng viên, dẫn đến khó khăn trong lãnh đạo về công tác Đảng.

Nhiều đại biểu cho rằng, cần tiếp tục thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp ở những nơi có đủ điều kiện, nhất là trong giai đoạn hiện nay Trung ương Đảng tiếp tục đẩy mạnh đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Một trong những vấn đề mấu chốt cần giải quyết hiện nay là công tác đào tạo, xây dựng được đội ngũ cán bộ Bí thư kiêm Chủ tịch UBND có đủ năng lực, uy tín, vừa phải có kiến thức, kỹ năng lãnh đạo cơ quan Đảng, vừa phải có năng lực điều hành của cơ quan Nhà nước. Cán bộ được chọn phải có lập trường tư tưởng vững vàng, trong sáng, gương mẫu; được đào tạo bài bản, có các kỹ năng về tiếp dân, tuyên truyền, xử lý các tình huống;…

Liên quan đến công tác cán bộ, Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TP cho rằng, cần thực hiện công tác cán bộ một cách đồng bộ. Cụ thể, là đổi mới chính sách huấn luyện, đào tạo cán bộ lãnh đạo cho phù hợp từng địa phương, cơ sở với các kỹ năng, đạo đức, phong cách làm việc đáp ứng yêu cầu của một Bí thư cấp ủy đồng thời là một Chủ tịch UBND. Mở rộng quyền tự chủ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Cần có cơ chế tuyển chọn, phát hiện nhân tài từ nhiều nguồn khác nhau để phát triển thành cán bộ làm công tác chính trị, cán bộ quản lý; đồng thời phải có cơ chế chính sách phù hợp với đội ngũ làm công tác này.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Trúc Hạnh, Hiệu trưởng Trường Chính trị Bến Tre, khi thực hiện mô hình này cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ của cấp ủy và các cơ quan tham mưu cấp trên để cho cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cùng với đó là kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc, tiêu cực, sai phạm có thể xảy ra.

S. Hải/hcmcpv.org.vn