Chiều 16/8, Thành ủy TPHCM đã tổ chức Hội nghị giao ban chuyên đề giữa Thường trực Thành ủy với Thường trực quận ủy, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy năm 2018 về đánh giá việc triển khai thực hiện công tác quy hoạch, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử theo Kết luận 223-KL/TU.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Lệ.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu tại hội nghị.

Tạo được chuyển biến bước đầu

Báo cáo đề dẫn hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, thực hiện Kết luận số 223-KL/TU ngày 29 tháng 6 năm 2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về sửa đổi, bổ sung một số nội dung về công tác cán bộ; cấp ủy, lãnh đạo sở, ban, ngành, quận, huyện, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của TP đã tập trung chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ, qua đó, tạo được chuyển biến bước đầu trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Quá trình thực hiện công tác quy hoạch cán bộ, các quận ủy, huyện ủy và đảng ủy cấp trên cơ sở, sở, ban, ngành đã bám sát kế hoạch, kết luận, văn bản hướng dẫn thực hiện chặt chẽ từ xây dựng kế hoạch đến triển khai thực hiện, đảm bảo mục đích, yêu cầu, thẩm quyền, quy trình (các bước, các khâu); chất lượng cán bộ trong quy hoạch được nâng lên; cơ cấu cán bộ nữ, cán bộ trẻ được chuẩn bị tốt hơn. Quá trình thẩm định quy hoạch, Ban Tổ chức Thành ủy đã tuyển chọn nguồn cán bộ giới thiệu bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2015 – 2020, 2020 – 2025 đối với các nguồn cấp ủy, đơn vị chưa thực hiện được phương châm “mở”, chưa đảm đảm bảo được số lượng, cơ cấu cán bộ nữ, trẻ. Về công tác quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025 và những năm tiếp theo, đã có 24/24 quận, huyện, 39/42 đảng ủy trực thuộc Thành ủy phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025 với tổng số cán bộ được quy hoạch là 3.387 đồng chí.

Đối với công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy trình 5 bước đã góp phần phát huy dân chủ, đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch, đồng bộ và phù hợp với tình hình thực tiễn; hạn chế được tình trạng chạy chức, chạy quyền; bố trí được cán bộ có trình độ, năng lực, uy tín, đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, đơn vị. Từ tháng 7/2017, Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định công nhận, có ý kiến bổ nhiệm 17 cán bộ từ nguồn nhân sự tại chỗ thực hiện quy trình giới thiệu ứng cử, giới thiệu theo Kết luận 223 – KL/TW. Các đồng chí được bố trí đều phát huy khá tốt năng lực bản thân, thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, được sự tín nhiệm đánh giá cao của tập thể nơi công tác. Đến nay, đã có 18/24 quận, huyện ủy áp dụng quy trình (5 bước) về giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm 123 đồng chí.

Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Thị Lệ cũng thẳng thắn đánh giá, có đơn vị thực hiện chưa phù hợp với định hướng, yêu cầu và tình hình thực tế đơn vị; công tác quy hoạch chưa đảm bảo phương châm “mở”, chưa đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi, tỷ lệ nữ, trẻ. Việc thực hiện quy trình “5 bước” trong bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử tại nhiều đơn vị còn lúng túng, chưa đồng bộ.

Đánh giá quy hoạch cán bộ chủ chốt giữa nhiệm kỳ

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp trong thực hiện Kết luận số 223-KL/TU. Từ kết quả thực hiện tại cơ sở, Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận Trịnh Xuân Thiều cho rằng, công tác cán bộ phải luôn đảm bảo công khai, khách quan, minh bạch. Việc điều động, bổ nhiệm cán bộ phải dựa vào nhu cầu, đặc thù từng cơ quan, đơn vị, đánh giá đúng năng lực, sở trường, kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ. 

Bí thư Quận ủy Quận 6 Lê Văn Tân kiến nghị, TP nên ban hành sớm Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19 tháng 12 năm 2017 của Bộ Chính trị để quận có cơ sở ban hành hành quy định, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy định mới của Trung ương.

Một số ý kiến đề xuất, Ban Thường vụ Thành ủy cần nghiên cứu và quy định cụ thể về số lượng, tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ có tính đến đặc thù của các ngành. Ban Tổ chức Trung ương nên điều chỉnh, bổ sung đối tượng học cử nhân, cao cấp lý luận chính trị đến cán bộ chủ chốt phường và mở rộng đến cán bộ được quy hoạch vào các chức danh này.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, thời gian qua, các tổ chức Đảng đã chuyển biến căn bản trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, góp phần cho công tác này chặt chẽ hơn.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, các đơn vị rà soát lại việc thực hiện Kết luận số 233-KL/TU cũng như Hướng dẫn số 06-HD/BTCTU của Ban Tổ chức Thành ủy về hướng dẫn thực hiện Kết luận số 233-KL/TU. Từ việc tiếp thu các kiến nghị, ý kiến để quy hoạch, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử phù hợp với đặc điểm, tính chất các Đảng bộ khác nhau. Bên cạnh đó, công tác tổ chức, xây dựng Đảng phải thay đổi mới đáp ứng thực tiễn.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo, từ nay cuối năm phải tập trung đánh giá công tác quy hoạch cán bộ chủ chốt giữa nhiệm kỳ; tập trung rà soát lại tiêu chuẩn cán bộ chủ chốt, xem xét những nội dung cần bổ sung để chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho nhiệm kỳ tiếp theo. Việc tổ chức đánh giá cán bộ cố gắng làm từng bước, đánh giá nhiều chiều có cấp ủy cùng cấp, cấp dưới, cấp trên tham gia đánh giá. Sau khi góp ý, đánh giá tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng là rà soát xây dựng kế hoạch bồi dưỡng lý luận chính trị, lên danh sách thứ tự các trường hợp ưu tiên để đào tạo, bồi dưỡng. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và tránh việc lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, người đứng đầu cấp ủy trong thực hiện quy chế cấp ủy của đơn vị mình phải đảm bảo đúng, dân chủ; thực hiện đúng quy chế, quá trình quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Cùng với đó, phải thực hiện tốt quy chế liên quan đến mối quan hệ công tác giữa cấp ủy và chính quyền cùng cấp; đảm bảo cấp ủy lãnh đạo, giám sát, kiểm tra nhưng không can thiệp quá sâu công việc của chính quyền, không làm sai quy định. Một trong những giải pháp quan trọng là đảm bảo sự giám sát của nhân dân, Mặt trận, tổ chức, trong đó có thực hiện tốt Quy định số 1374-QÐ/TU về "Quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước" của Ban Thường vụ Thành ủy./.

S. Hải/hcmcpv.org.vn