Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng trao đổi cùng các đại biểu tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng,
lãng phí năm 2016, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2017. Ảnh: Việt Dũng

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; các đồng chí Thường trực Thành ủy, lãnh đạo các ban Đảng Thành ủy và đại diện cấp ủy, chính quyền các Đảng bộ toàn TP.

Báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM trình bày tại hội nghị xác định công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được một số kết quả nổi bật trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng. Trong đó, tập trung vào kiểm tra, giám sát trên nhiều lĩnh vực và đã phát hiện 35 vụ với 48 đối tượng có dấu hiệu tham nhũng, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 8 vụ, 16 đối tượng tham nhũng, thu hồi tài sản cho Nhà nước được hơn 11 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác. Tuy nhiên, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số cấp ủy cơ sở chưa được quan tâm đúng mức; lãnh đạo cấp ủy, người đứng đầu ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; ý thức trách nhiệm, tác phong, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt, còn biểu hiện nhũng nhiễu, phiền hà, vô cảm trong giải quyết các thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp; kết quả phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu và mục đích đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tham nhũng vẫn phức tạp và nghiêm trọng, các hành vi tham nhũng tiềm ẩn, có tổ chức chặt chẽ, khó phát hiện, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều ngành; hầu hết các hành vi tham nhũng được phát hiện từ đơn thư tố cáo, tự phát hiện từ lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy tại chỗ còn ít…

Về giải pháp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, theo Chánh Thanh tra TP Nguyễn Long Tuyền cần đẩy mạnh công tác công khai, minh bạch hóa và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch, quy trình thủ tục giải quyết các công việc của cơ quan, đơn vị, tổ chức để cán bộ, nhân viên giám sát thực hiện; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra công vụ nhằm cảnh báo, ngăn ngừa và kịp thời phát hiện tham nhũng, tiêu cực. Trong công tác quản lý ngân sách, tài sản Nhà nước, theo Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng cần quản lý chặt các khoản chi, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các biện pháp chống thất thoát, lãng phí; kiểm soát tốt đầu tư xây dựng cơ bản, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên…

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đánh giá cao công tác chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và đạt được kết quả tích cực cả về phòng ngừa và xử lý tham nhũng. Ban Thường vụ Thành ủy đã sớm ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận 10 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí với những giải pháp sáng tạo, cụ thể như: Nghiên cứu, thành lập bộ phận giám định về thuế, tài chính để khắc phục những bất cập, khó khăn trong giám định các vụ án kinh tế, tham nhũng; lập đường dây nóng tố giác tham nhũng; hình thành đội ngũ cộng tác viên phòng chống tham nhũng…

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đề nghị các cấp ủy Đảng cần tập trung vào 7 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong đó, đề cao trách nhiệm của cấp ủy và trực tiếp là người đứng đầu cấp ủy. Người đứng đầu phải gương mẫu, liêm khiết và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng và chịu trách nhiệm khi để cơ quan, đơn vị, địa phương do mình lãnh đạo, phụ trách, quản lý xảy ra tham nhũng, lãng phí; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ; thường xuyên kiểm tra, giám sát và khắc phục các hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra qua kiểm điểm, tự phê bình, tiếp thu theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) nhận diện, đánh giá cụ thể 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chú trọng đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quản lý chặt đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở những ngành, lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí… 

Hoài Nam/SGGP