Người dân đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh: NGUYÊN LÊ


Đơn giản thủ tục hành chính

Mỗi năm TP Hồ Chí Minh đều chọn chủ đề để triển khai các giải pháp có trọng điểm, đi vào chiều sâu, có mục tiêu cụ thể. Năm 2020, Thành phố xác định nhiệm vụ trọng tâm là “Nâng cao văn hoá công sở, văn hóa công vụ, nâng cao ý thức thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp”.

Theo báo cáo của UBND Thành phố, từ năm 2015 - 2019, các sở, ngành thành phố, UBND quận huyện, phường xã, thị trấn đã tiếp nhận hơn 84 triệu hồ sơ (trung bình 16 triệu hồ sơ/năm), tỷ lệ giải quyết đúng hạn mỗi năm tại sở ban ngành thành phố đạt 99,93%, tại UBND quận huyện đạt 99,2% và tại UBND phường – xã - thị trấn đạt 99,99%. Với kết quả giải quyết hồ sơ nói trên, theo khảo sát của các cơ quan chuyên môn, tỷ lệ hài lòng của người dân Thành phố và doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn đạt trên 80%. 

Để việc giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt cao là do Thành phố đã nỗ lực đơn giản thủ tục hành chính. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố đã rà soát, đơn giản hóa đối với 44 thủ tục hành chính, rà soát 54 chuyên đề trên nhiều lĩnh vực với 8.112 lượt văn bản, qua đó kiến nghị và được chấp thuận chủ trương xử lý 242 văn bản không còn phù hợp; đồng thời, thực hiện thư xin lỗi trong trường hợp giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn, tạo chuyển biến trong nhận thức và trách nhiệm thực thi công vụ.

Thành phố đã công khai 1.776 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng thông tin điện tử của Thành phố; ban hành 38 quyết định phê duyệt, 702 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của 3 cấp (cấp Thành phố, quận huyện, phường – xã - thị trấn; vận hành phần mềm giữa sở, ngành liên quan với Văn phòng UBND Thành phố trong việc giải quyết 21 quy trình nội bộ đã được phê duyệt; triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 về lĩnh vực đăng ký cư trú, hộ tịch, cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, cấp giấy phép xây dựng.

Cùng với đó, từ năm 2015, Thành phố đã xây dựng Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử, góp phần cải cách hành chính với 47 dịch vụ công trực tuyến. Nổi bật là việc Công an Thành phố thực hiện thủ tục về quản lý xuất nhập cảnh, đăng ký quản lý cư trú, đăng ký phương tiện giao thông, cấp giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân, Hải quan Thành phố thực hiện hệ thống thông quan điện tử, Bảo hiểm xã hội Thành phố thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông…

Sức cạnh tranh nền hành chính công của mỗi địa phương được thể hiện qua các chỉ số về cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Do đó, để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh nền hành chính công, Thành phố hướng tới cụ thể hóa đối tượng, phương thức, chỉ số, nội dung đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính và việc tổ chức đánh giá, chấm điểm, công khai và xử lý kết quả đánh giá giải quyết thủ tục hành chính.

Ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa nền hành chính công

Thành phố xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin và tinh giản bộ máy hành chính Nhà nước là yếu tố tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, đảm bảo sự thành công mô hình đô thị thông minh. Vì vậy, từ năm 2016 đến nay, Thành phố đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy đề án chính quyền điện tử, kiến trúc đô thị thông minh... Những chương trình này đã đi vào hoạt động, bước đầu phát huy hiệu quả cao, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND Thành phố, giúp các sở, ban, ngành chủ động tiếp nhận và xử lý thông tin kịp thời, hiệu quả. Người dân và doanh nghiệp cũng tra cứu thông tin dễ dàng, thuận tiện hơn cho công việc.

Để kịp thời ứng phó với dịch COVID-19, Thành phố đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị thay đổi phương thức làm việc cho phù hợp, đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin qua các mô hình “Phòng họp không giấy”, ứng dụng “nhắc việc thông minh”, tổ chức hội nghị truyền hình trực tuyến… để giải quyết công việc nên không xảy ra hồ sơ trễ hẹn. Bên cạnh đó, Thành phố đã cung cấp hộp thư điện tử cho các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức để các văn bản được gửi và nhận qua trục liên thông văn bản điện tử Thành phố. Đồng thời, thiết lập hệ thống đường dây nóng phản ánh kiến nghị sự cố hạ tầng kỹ thuật qua tổng đài 102, tổng đài 113, 114, 115…

Thời gian tới, Thành phố tiếp tục triển khai đề án đô thị thông minh với hàng loạt dự án, hạng mục quan trọng nhằm chuyển đổi dần cấu trúc chính quyền điện tử sang chính quyền số; đẩy mạnh việc triển khai các phần mềm tác nghiệp chuyên ngành nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính đối với những lĩnh vực cấp thiết liên quan đến người dân, doanh nghiệp như đất đai, xây dựng, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp

Song song với việc ứng dụng mạnh mẽ hạ tầng mạng công nghệ thông tin, lãnh đạo UBND Thành phố còn quyết liệt tinh giản biên chế sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giảm mức độ chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan đơn vị. Đến nay, Thành phố đã giảm 3 chi cục, 7 phòng chuyên môn, 4 cơ quan, giảm thanh tra xây dựng cấp quận, huyện, sắp xếp lại hàng loạt Ban Quản lý dự án của thành phố, quận huyện, Khu đô thị, dự án ODA… nhằm khắc khục bất cập để hoạt động phối hợp liên ngành được thông suốt.

Để tiếp tục tinh giản bộ máy hành chính, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, năm 2020, thành phố giao biên chế là 10.405 người, giảm 1.928 người biên chế so với năm 2015; giảm 10% số lượng đơn vị sự nghiệp và 10% số lượng người làm việc, chuyển 10% các đơn vị sự nghiệp khác tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên sang đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên. Từ năm 2016, Thành phố đã áp dụng mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận, huyện tại 16/24 quận, huyện; Bí thư đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường xã, thị trấn tại 166/322 phường, xã, thị trấn. Qua đó, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát việc thực hiện Nghị quyết của chính quyền tại cơ sở; tạo sự thuận lợi trong việc xây dựng, triển khai, thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường xã, thị trấn.

Có thể nói, hoạt động cải cách hành chính trên địa bàn Thành phố diễn ra sâu rộng; nhiều sáng kiến cải cách hành chính được áp dụng hiệu quả; hàng loạt các giải pháp được triển khai thực hiện đã giúp TP. Hồ Chí Minh đạt được nhiều kết quả quan trọng trong giai đoạn 2016 - 2020, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, xây dựng thành phố thông minh. Từ đó góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của thành phố mang tên Bác./.

 

Cúc Hà (tổng hợp)