Luôn là đầu tàu, động lực phát triển của cả nước
UBND TP Hồ Chí Minh - Một phần của trụ sở đã được
công nhận di tích, mang ý nghĩa lịch sử. (Ảnh: Dũng Phạm)
Là máu thịt của đất nước, Sài Gòn – Gia Định cùng miền Nam “Thành đồng Tổ quốc” đã chiến đấu anh dũng, bất khuất để cùng với Nhân dân cả nước giành thắng lợi vẻ vang, góp phần xứng đáng làm nên mùa Xuân đại thắng, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thành phố (TP) Hồ Chí Minh hôm nay tiếp nối truyền thống cách mạng với tinh thần đấu tranh kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, với ý chí và nghị lực phi thường đã luôn phấn đấu không ngừng để xây dựng và phát triển TP ngày càng văn minh hiện đại, nghĩa tình, đồng lòng, chung sức “cùng cả nước, vì cả nước”.
Nhìn lại những năm sau ngày giải phóng miền Nam, có thể thấy kinh tế TP. Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn khi vừa phải hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế vừa phải giữ vững ổn định chính trị. Trong 10 năm đầu sau giải phóng (1976 - 1985), tổng sản phẩm nội địa (GDP) của TP Hồ Chí Minh chỉ tăng bình quân 2,7%/năm. Bước vào thời kỳ đổi mới, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đến nay, TP đã nỗ lực vươn lên, phát triển sản xuất, từng bước khẳng định vị trí “đầu tàu kinh tế của cả nước”.
Mặc dù chỉ chiếm 0,63% diện tích và chưa tới 10% về dân số so với cả nước, nhưng 45 năm qua, bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, kinh tế TP giữ vững mức tăng trưởng hợp lý, với quy mô ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Từ khi bước sang giai đoạn Đổi mới, nhiều năm liền tăng trưởng kinh tế của TP duy trì tốc độ bình quân từ 10-12%/năm, cao hơn 1,5 lần so với cả nước, và là một trong số ít thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số liên tục trong khoảng thời gian dài. Có những giai đoạn, mặc dù tình hình thế giới có những khủng hoảng về tài chính và suy thoái kinh tế, trong nước gặp không ít khó khăn, song TP vẫn luôn giữ vững và duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý. TP ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm lớn về nhiều mặt và là một trong các động lực phát triển kinh tế của cả nước.
Tính riêng trong năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 1.347.369 tỷ đồng, tăng 8,32% so với năm trước đó. Hiện nay, về cơ cấu ngành trong GRDP, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất (61,2%), khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 25,4%, khu vực nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng 0,7%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 12,7%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp năm 2019 ước đạt 42,1 tỷ USD. Về đầu tư trong nước, trong năm qua, TP có thêm 44.004 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới (bình quân mỗi ngày có thêm 120 doanh nghiệp mới) với tổng số vốn đăng ký là 643.244 tỷ đồng. Số doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh hiện chiếm khoảng 33% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Đối với thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng gia tăng mạnh mẽ. Năm 2019 đạt 8,3 tỷ USD, với 1.620 dự án, cao hơn gấp đôi về quy mô đầu tư cũng như số dự án so với năm 2015. Từ năm 2017, quy mô đầu tư nước ngoài vào TP vượt mốc 5 tỷ USD/năm và từ năm 2018, số dự án đầu tư nước ngoài vào TP vượt mốc 1.000 dự án/năm.
TP là địa phương hiện có mức thu ngân sách cao với mức bình quân mỗi ngày thu ngân sách 1.600 tỷ đồng. Năm 2019, TP thu ngân sách đạt 409.900 tỷ đồng (vượt dự toán 2,7%), chiếm 27% tổng thu ngân sách cả nước.
Diện mạo khang trang, hiện đại
Landmark 81, tòa nhà cao nhất Đông Nam Á, một
biểu tượng mới của TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Huy)
Trải qua 45 mùa Xuân sau ngày giải phóng, TP Hồ Chí Minh hôm nay trở thành một đô thị đặc biệt trực thuộc Trung ương, không chỉ là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, mà còn là trung tâm văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, giao dịch quốc tế, du lịch-dịch vụ-thương mại; đầu mối giao thông và giao lưu lớn của cả nước, của quốc tế và khu vực. TP có vị trí chính trị đặc biệt quan trọng ở khu vực phía Nam và cả nước. TP khoác lên mình một diện mạo mới của một thành phố năng động, sáng tạo, một đô thị sầm uất, văn minh.
Trong những năm qua, công tác quản lý và phát triển đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực. Không gian đô thị được mở rộng, dân cư đô thị ngày càng gia tăng, ngày càng được hưởng nhiều hơn những tiện ích của một đô thị hiện đại. Các khu đô thị mới như khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Tây Bắc… được đầu tư xây dựng, phát triển hiện đại hài hòa với tổ chức không gian TP. Quản lý đô thị từng bước đi vào nề nếp, quản lý theo quy hoạch và đã ứng dụng những tiến bộ về khoa học công nghệ vào công tác quản lý.
TP Hồ Chí Minh hôm nay đã có nhiều công trình hiện đại được triển khai và đưa vào sử dụng, tạo bước đột phá trong phát triển đô thị. Có thể kể tới một số tuyến đường giao thông quan trọng như: đường Nguyễn Văn Linh, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương, cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 2, đường Võ Văn Kiệt- Mai Chí Thọ, hầm vượt sông Sài Gòn, đường Phạm Văn Đồng, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Dây…
Trong quá trình phát triển, TP cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc cải tạo hệ thống kênh rạch, làm thay đổi cuộc sống của những người dân sống ở đây, đồng thời tạo mỹ quan đô thị. Những kết quả tích cực đó có thể kể tới như: Dự án vệ sinh môi trường nước TP lưu vực kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè, Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé-Tàu Hũ-kênh Đôi-kênh Tẻ…
Trước nhu cầu thực tế và phù hợp với xu hướng phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch hệ thống giao thông đường sắt đô thị trên địa bàn TP giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, TP sẽ xây dựng 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của TP, chủ yếu đi ngầm trong nội đô, với chiều dài khoảng 173 km. Hiện, TP đang triển khai xây dựng và sớm đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên và tuyến Bến Thành –Tham Lương.
Có thể nói, chính sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông đã là động lực, tạo sức bật để TP luôn giữ được vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, ổn định.
Hiện, TP đang triển khai Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh và đã đạt được những kết quả bước đầu. Việc xây dựng TP trở thành đô thị thông minh được xem như một đòn bẩy để TP tăng trưởng vượt bậc so với phương pháp tăng trưởng truyền thống – chủ yếu dựa vào vốn và lao động; và còn được kỳ vọng như một làn gió mới để thu hút đầu tư, tạo ra những giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Một thành phố đáng sống
Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. (Ảnh: Bành Tuấn Anh)
Cùng với nền kinh tế được duy trì tốc độ tăng trưởng cao, lĩnh vực văn hóa-xã hội đã có nhiều tiến bộ, ngày càng phong phú. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên. GDP bình quân đầu người tại TP Hồ Chí Minh liên tục tăng. Nếu như sau giải phóng, GDP đầu người của TP chỉ là 360 USD (năm 1976); năm 1985 là 444 USD; năm 1995 là 712 USD; 2005 là 1.656 USD thì năm 2018 đã đạt hơn 6.000 USD/người/năm (trong khi thu nhập bình quân đầu người của cả nước là gần 2.600 USD/người/năm). Năm 2020, TP ước đạt 7.500 USD/người/năm.
TP đã làm tốt công tác an sinh xã hội, nhận được sự hưởng ứng và đồng thuận lớn của người dân trên địa bàn. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng, đầu tư trang thiết bị hiện đại, mở rộng các cơ sở y tế, trung tâm y tế chuyên sâu. Năm 2019, số giường bệnh trên 1 vạn dân ước đạt 42,7 giường.
Các chính sách an sinh xã hội để chăm lo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Sau 26 năm thực hiện Chương trình xóa đói, giảm nghèo, TP Hồ Chí Minh đã 8 lần điều chỉnh mức chuẩn nghèo và hiện chuẩn hộ nghèo của TP cao gấp 3 lần so với chuẩn quốc gia.
Từ cuối năm 2016, TP Hồ Chí Minh đã không còn hộ nghèo có thu nhập theo chuẩn nghèo Quốc gia giai đoạn 2016-2020. Chuẩn nghèo của TP giai đoạn này là hộ có thu nhập dưới 21 triệu đồng/năm (chuẩn quốc gia là dưới 10,8 triệu đồng/năm); hộ cận nghèo là dưới 28 triệu đồng/năm (chuẩn quốc gia là 12 triệu đồng/năm).
Tới đầu năm 2019, TP nâng chuẩn nghèo lên mức dưới 28 triệu đồng/hộ/năm; hộ cận nghèo dưới 36 triệu đồng/hộ/năm.
Một con đường hoa ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi. (Ảnh: Trần Đáng)
Để nâng cao đời sống của người dân khu vực ngoại thành, TP đã triển khai nhiều giải pháp trong đó tập trung vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của TP năm 2008 là 15,72 triệu đồng/người/năm, đến năm 2019 đã là 63,096 triệu đồng/người/năm. TP Hồ Chí Minh cũng đã đầu tư 9.188 công trình phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại các khu vực nông thôn; sửa chữa, nâng cấp và làm mới 741 công trình giao thông, với chiều dài hơn 1.200 km, tổng vốn đầu tư gần 5.200 tỉ đồng. Hiện nay, giá trị sản xuất nông nghiệp của TP tăng gấp 5 lần cả nước. Đến nay, toàn TP đã có 54/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và có 31 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí của TP. Với cả nước, chương trình nông thôn mới có thể còn kéo dài, tuy nhiên, từ thực tế, TP cho rằng, đã tới lúc cần phải chuyển từ nông thôn mới sang đô thị văn minh.
Cùng với đó, phong trào xây dựng đời sống văn hóa, đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng, chăm lo cho người khuyết tật… luôn được TP quan tâm, thực hiện bằng những việc làm thiết thực.
Theo một số chuyên gia nước ngoài, TP Hồ Chí Minh trong tương lai có tầm cỡ về tiềm năng như Tokyo, Thượng Hải hoặc Bombay, bởi khi nền kinh tế Việt Nam phát triển vững mạnh, có vị thế trên trường quốc tế thì TP Hồ Chí Minh với vị trí ngã tư đường của phía Đông thế giới – điểm giao dịch thuận lợi giữa Đông – Tây – Bắc trong bối cảnh một Đông Nam Á mang tính toàn cầu hóa cao, sẽ là một vị trí vô cùng quan trọng.
Nhìn lại những thành tựu to lớn mà TP Hồ Chí Minh đã đạt được trên nhiều lĩnh vực trong suốt hơn 45 năm qua, chúng ta có niềm tin vào sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai, xây dựng TP Hồ Chí Minh thật sự trở thành một thành phố đáng sống, ngang tầm với các đô thị lớn ở các nước trong khu vực cũng như trên thế giới./.