Toàn cảnh Diễn đàn. (Ảnh: Chi Mai)
Sáng 18/11, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công thương phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh và Amcham Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh ASEAN- Hoa Kỳ tổ chức“Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2020" với chủ đề “25 năm quan hệ kinh tế, thương mại và con đường phía trước”.
Tham dự Diễn đàn có hơn 350 đại biểu là Lãnh đạo UBND, Lãnh đạo Sở Công Thương, các Cơ quan xúc tiến Thương mại và đầu tư các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, các hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.
Diễn đàn nhằm đánh giá tổng thể chặng đường 25 năm bình thường hóa quan hệ và định hướng phát triển thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ trong những năm tiếp theo, đặc biệt trong bối cảnh hậu bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, hậu dịch COVID-19 và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Diễn đàn năm 2020 tập trung vào các nội dung sau: Cập nhật diễn biến, xu hướng chính sách và tình hình thị trường trong bối cảnh hiện nay của Hoa Kỳ; nhận định tình hình quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong 25 năm vừa qua và con đường phía trước; cơ hội và triển vọng hợp tác kinh tế song phương trong bố cảnh xung đột thương mại thế giới, dịch bệnh COVID-19, dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và chính sách thu hút làn sóng đầu tư chất lượng cao của Việt Nam; Khuyến nghị giải pháp và định hướng để doanh nghiệp có thể từng bước định vị và xây dựng chiến lược kinh doanh của mình một cách bài bản, hiệu quả trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, thời gian qua, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt tốc độ phát triển hết sức ấn tượng. Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 12 của Hoa Kỳ. Thành công đó có được là nhờ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã nỗ lực phối hợp, tập trung, giải quyết kịp thời và hiệu quả vấn đề thương mại ưu tiên bao gồm: mở cửa cho nông sản, hàng công nghiệp, hàng hóa dịch vụ công nghệ thông tin của nhau, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ký kết nhiều dự án, hợp đồng thương mại lớn.
Theo thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hai nước đang triển khai có hiệu quả hoạt động hợp tác thông qua cơ chế đối thoại của hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để xử lý các vấn đề tồn tại trên tinh thần hợp tác, xây dựng, công bằng, đáp ứng lợi ích chính đáng của mỗi bên. Đây là cơ hội quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, tiếp xúc, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh thông qua các hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương, đặc biệt là mở ra cơ hội tiếp cận thị trường Hoa Kỳ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh giảm đơn hàng, đứt gẫy chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch COVID-19.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư cùng có lợi với Hoa Kỳ và cùng Hoa Kỳ nghiên cứu, khuyến khích các doanh nghiệp thiết lập chuỗi giá trị sản xuất, chuỗi giá trị, kết nối thị trường hai nước.
Đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hồ Chí Minh
phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Chi Mai)
Về phần mình, đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ, qua một phần tư thế kỷ đã tạo nền tảng cho những phát triển mang tính kỳ tích. Chính lòng tin và sự chân thành đã đưa quan hệ hợp tác Việt Nam và Hoa Kỳ vượt qua nhiều thử thách và đạt bước phát triển vượt bậc như ngày hôm nay.
Đồng chí Lê Thanh Liêm đánh giá, trong suốt chặng đường 25 năm qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng với Hoa Kỳ liên tục phát triển nhanh và ấn tượng. Đây là nền tảng quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Đồng chí Lê Thanh Liêm chia sẻ, TP Hồ Chí Minh vinh dự là nơi triển khai nhiều hoạt động hợp tác sôi nổi với Hoa Kỳ trên khắp các lĩnh vực. TP hiện đang chú trọng đẩy mạnh hợp tác với Hoa Kỳ trong triển khai ba đề án lớn, bao gồm: đô thị thông minh; đô thị sáng tạo và tương tác cao phía Đông; trung tâm tài chính quốc tế. Bên cạnh đó, tại Đối thoại Y tế TP Hồ Chí Minh và Hoa Kỳ vào tháng 10 vừa qua, Lãnh đạo TP đã chuyển đi thông điệp mời gọi doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia cùng TP thực hiện hóa tầm nhìn, đưa TP trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực.
Tại các tọa đàm, các diễn giả cũng chia sẻ nhận định về xu hướng chính sách mới của Hoa Kỳ và Việt Nam; đánh giá dưới góc độ của các chuyên gia vào quản lý và doanh nghiệp về những tác động đối với hoạt động xuất nhập khẩu song phương; chia sẻ về phương thức tiếp cận, phát triển thị trường và xây dựng năng lực, thích ứng với các yêu cầu, quy định kỹ thuật của thị trường Hoa Kỳ; đồng thời đưa ra giải pháp phát triển xuất nhập khẩu và thu hút chuỗi cung ứng và FDI của Hoa Kỳ trong tình hình mới.
Diễn đàn được các doanh nghiệp đánh giá cao trong việc kết nối, tạo thêm một kênh tư vấn chính sách, trao đổi kinh nghiệm, thông tin thị trường hiệu quả, hỗ trợ để doanh nghiệp vượt qua thử thách, nắm bắt thời cơ; đồng thời tạo cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp hai nước đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước các giải pháp tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu, thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa kỳ trong tương lai.
Thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có sự tăng trưởng mạnh mẽ và là một điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là kể từ khi Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực.
Kể từ khi BTA được ký kết năm 2000, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi đáng kể. Trước kia, xuất khâu chủ yếu là nhóm hàng dệt may, da giày, thì hiện nay, nhóm hàng nông - thủy - hải sản đã tham gia vào danh mục các nhóm hàng xuất khẩu quan trọng.
Cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã đưa kim ngạch thương mại hai chiều tăng gần 170 lần kể từ năm 1994 đến nay (450 triệu USD năm 1994, lên đến gần 76 tỷ USD trong năm 2019).
Cụ thể, hết năm 2019, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm 23,2% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong 5 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất sang Hoa Kỳ, ngoài dệt may, giày dép, còn có điện thoại và linh kiện, máy tính và sản phẩm điện tử và đồ gỗ đều có mức tăng trưởng ấn tượng từ 9 - 24%.
Số liệu của Bộ Công Thương, 10 tháng đầu năm 2020, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước và nhập từ Hoa Kỳ lượng hàng hóa, thiết bị đạt 11,6 tỷ USD.
Hoa Kỳ hiện có hơn 1.000 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 9,4 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như kinh doanh dịch vụ khách sạn và ăn uống (chiếm 46% tổng vốn đầu tư); công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 31% tổng vốn đầu tư).
Đối với TP Hồ Chí Minh, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2, đạt 6,7 tỷ USD, chiếm gần 18% kim ngạch xuất khẩu của thành phố trong năm 2019 và ước đạt 6,1 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2020./..