Hội nghị tập huấn trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Bộ Công Thương cho biết, nền kinh tế EU có quy mô lớn chỉ sau Mỹ, với 18.000 tỷ đô la Mỹ/năm, hiệp định EVFTA tác động rất lớn đến việc giúp tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu cả hai chiều cũng như thúc đẩy đầu tư của EU vào Việt Nam. Nếu nhìn vào cơ cấu xuất nhập khẩu và sản xuất, hàng hóa của EU và Việt Nam phần lớn là mang tính bổ trợ cho nhau chứ không có nhiều về cạnh tranh trực tiếp. Do đó, Hiệp định này được đánh giá là có tác động tích cực cả hai bên. Ngoài ra, đầu tư của EU sang Việt Nam cũng thường là đầu tư vào những ngành khuyến khích đầu tư mang lại nhiều tác động cho Việt Nam như việc chuyển giao công nghệ, nâng cao nền kinh tế Việt Nam theo hướng phát triển bền vững.
Cũng theo bà Phạm Châu Giang, đối với EU, nguy cơ hàng hóa bị áp dụng phòng vệ thương mại lẫn nhau là tương đối thấp so với các hiệp định FTA mà chúng ta đã ký trước đây. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý những mặt hàng như thép, gỗ, xe đạp, phụ tùng xe đạp là những mặt hàng mà EU có lịch sử thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với các nước, không chỉ với Việt Nam.
“Đáng tiếc một chút, đó là Hiệp định EVFTA lại được bắt đầu thực thi trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa được khống chế. Chính vì vậy, khác với những kỳ vọng trước đây trong quá trình tính toán của Hiệp định, thì hiện giờ về phía Bộ Công Thương cũng hy vọng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả hai chiều trong 2020 cũng như trong năm tới thì sẽ đạt mức tăng trưởng dương, sau đó thì khoảng tầm 2-3 năm tiếp theo, trong dài hạn hơn, thì sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 10% mỗi năm như kỳ vọng trước đó và như tính toàn sơ bộ của Bộ Công Thương”- Bà Phạm Châu Giang cho hay.
Nhấn mạnh về công tác tuyên truyền, truyền thông với doanh nghiệp, bà Phạm Châu Giang phân tích, EVFTA là hiệp định không chỉ Bộ Công Thương mà Chính phủ đều rất quan tâm. Ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành kế hoạch hành động của Chính phủ, trong đó giao cho từng bộ ngành, các đầu mối thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành quyết định về kế hoạch hành động của Bộ để triển khai EVFTA, trong đó chú trọng trong ba mảng chính sau:
Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Bộ Công Thương tại Hội nghị tập huấn.
Thứ nhất: Rà soát, hoàn thiện văn bản pháp luật hoàn thiện khuôn khổ pháp luật trong EVFTA, chẳng hạn những thông tư về xuất xứ, liên quan phòng vệ thương mại và rà soát tất cả các văn bản pháp luật có liên quan…
Thứ hai: Truyền thông cho các doanh nghiệp hiểu và tận dụng hiệu quả EVFTA. Trên thực tế, đối với bất kỳ hiệp định luôn luôn có khó khăn trong xác định vấn đề như: quy tắc xuất xứ, liên quan rào cản thuế quan (hầu như được rỡ bỏ). Nhưng kinh nghiệm cho thấy, ở nơi nào rào cản thuế quan hạ xuống, thì các rào cản phi thuế quan nâng lên ở mức đôi khi là tương ứng. Vì vậy, Bộ Công Thương truyền thông cho các doanh nghiệp về các rào cản phi thuế EU đang áp dụng là gì, doanh nghiệp cần lưu ý và sử dụng biện pháp gì để vượt qua rào cản phi thuế đấy? Các rào cản phi thuế thì đa dạng, có thể đến từ rào cản kỹ thuật, các rào cản phòng vệ thương mại, áp dụng quy định liên quan sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường và bảo vệ người tiêu dùng đươc đưa ra sử dụng. Do đó, Bộ Công Thương phối hợp bộ ngành liên quan tổ chức các buổi truyền thông tập huấn cho doanh nghiệp hiểu các quy định EU cũng như có cơ quan đầu mối trong quá trình doanh nghiệp xuất khẩu sang EU gặp vướng mắc thì có liên hệ cơ quan nào? xử lý hỗ trợ như thế nào?
Thứ ba: Tăng cường xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động xúc tiến hỗ trợ, để doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm thấy kênh phân phối ở EU. Bởi vì ở EU, tìm đúng kênh phân phối các mặt hàng xuất khẩu vô cùng quan trọng. Chính vì lẽ đó, các hoạt động xúc tiến thương mại trước mắt năm 2021 chủ yếu được thực hiện dưới hình thức trực tuyến, thông qua hệ thống thương vụ, hệ thống các cơ quan đại diện, các hiệp hội, cơ quan kết nối. Sau đó sẽ tổ chức hoạt động doanh nghiệp Việt Nam kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu tương ứng bên EU để tìm quan hệ cung cầu.
Tại Hội nghị tập huấn, các nhà báo, phóng viên được nghe ông Phan Khánh An, Phó Trưởng phòng, Phòng Pháp chế, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương giới thiệu tổng quan về các biện pháp phòng vệ thương mại: cơ sở áp dụng, ý nghĩa tác động và xu hướng trên thế giới; Ông Tô Thái Ninh, Trưởng phòng, Phòng Điều tra bán phá giá và trợ cấp, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương trình bày về các hoạt động điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước của Bộ Công Thương; Ông Phùng Gia Đức, Phó Trưởng phòng, Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương giới thiệu các hoạt động của Bộ Công Thương nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài…/..