Thành phố Hồ Chí Minh hiện đại, đổi mới từng ngày. (Ảnh: Quốc Thanh)
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của quân và dân ta đã toàn thắng, kết thúc 21 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy hi sinh, gian khổ, nhưng vô cùng hào hùng, vẻ vang của dân tộc ta. Kể từ khi đất nước thống nhất, trong 45 năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh vẫn luôn bền bỉ phát huy tinh thần cách mạng, chủ động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đi đầu trong nhiều lĩnh vực, đã và đang khẳng định là đầu tàu kinh tế của khu vực và cả nước.
Mô hình kinh tế tiên phong của cả nước
Sau khi đất nước thống nhất, ngày 02/7/1976, Thành phố Sài Gòn - Gia Định chính thức, vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Để xứng đáng với vinh dự lớn lao đó, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố nỗ lực phấn đấu vươn lên với quyết tâm cao độ, năng động, phát huy tinh thần sáng tạo giành được nhiều thành tựu quan trọng. Thành phố đã tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương, kiên trì đeo bám, kiến nghị các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp thực tiễn phát triển Thành phố. Trong từng thời kỳ Thành phố luôn quan tâm xác định và giải quyết các điểm nghẽn cản trở sự phát triển của Thành phố, tìm kiếm và khai thác mạnh mẽ các nguồn lực trong và ngoài nước. Một trong những kinh nghiệm có ý nghĩa, đó là coi liên kết vùng, hợp tác quốc tế với các đối tác chiến lược là yếu tố có ý nghĩa sống còn để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Diễn đàn Kinh tế TPHCM 2019. (Ảnh: Quốc Thanh)
Ngay từ năm 1982, với Nghị quyết 01-NQ/TW, Bộ Chính trị đã xác định “Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn, một trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch của nước ta”. Tiếp nối Nghị quyết quan trọng này, tháng 11/2002, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 20 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010; và tháng 8/2012, Bộ Chính trị tiếp tục có Nghị quyết 16 xác định phương hướng phát triển Thành phố đến năm 2020. Năm 2017, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh… Những quyết sách quốc gia mang tính đột phá, đồng bộ, kịp thời, phù hợp tình hình phát triển đã đưa Thành phố lên vị trí hàng đầu trong khu vực và cả nước; đồng thời tạo ra tiền đề hình thành những chính sách và cơ chế quản lý chung của cả nước.
Bên cạnh đó, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), Thành phố Hồ Chí Minh đã đóng góp những kinh nghiệm vào việc hình thành và hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng, chuyển từ kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong công cuộc đổi mới đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong xây dựng mô hình kinh tế về sản xuất hàng hóa, khơi dậy và giải phóng sức lao động. Tiêu biểu là việc xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận - đây là khu chế xuất đầu tiên của cả nước. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế tri thức thông qua việc xây dựng Công viên phần mềm Quang Trung, Khu công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao… Hiện nay, Thành phố là địa phương triển khai sớm nhất phương thức quản lý đô thị thông minh, và đang xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, tạo thêm động lực cho Thành phố phát triển nhanh, bền vững.
Những mô hình kinh tế mới vừa tạo ra bước đột phá của Thành phố Hồ Chí Minh vừa là mô hình chung cho sự phát triển kinh tế của Nam Bộ và cả nước. Tính riêng trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, kinh tế Thành phố tăng trưởng khá và ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân đạt 8,3%/năm. Quy mô GRDP Thành phố tăng hơn 1,6 lần, từ 919 nghìn tỷ đồng năm 2015 lên 1,49 triệu tỷ đồng vào năm 2020. Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 48,4% GRDP của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đóng góp hơn 22% GDP, 27% thu ngân sách cả nước; năng suất lao động năm 2020 ước đạt 333,6 triệu đồng, cao hơn 2,7 lần so với cả nước. Cùng với đó, giá trị gia tăng dịch vụ chiếm hơn 33% giá trị gia tăng toàn ngành dịch vụ, đứng đầu cả nước; giá trị gia tăng công nghiệp Thành phố chiếm 16% toàn ngành, đứng đầu cả nước...
Khơi thông điểm nghẽn, xây dựng Thành phố vì cả nước, cùng cả nước
Những thành tựu mà Thành phố có được là nhờ phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, truyền thống cách mạng kiên cường, ý chí kiên trì, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới. Thành phố sẽ phát triển nhanh và bền vững dựa trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Thành phố khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực; thực hiện tăng trưởng xanh.
Một góc khu trung tâm TPHCM. (Ảnh: Quốc Thanh)
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù tăng trưởng kinh tế Thành phố đạt chỉ tiêu (8,0 - 8,5%/năm), song thực tế hiện nay vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh để tạo thêm sự bứt phá kinh tế. Nếu ngân sách đầu tư công và thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn, phát huy hơn nữa nguồn nhân lực chất lượng cao thì mức tăng trưởng còn cao hơn. Việc thực hiện mục tiêu nâng cao tính hấp dẫn, tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh của Thành phố, chỉ số cạnh tranh địa phương thuộc nhóm 5 thành phố tốt nhất cả nước, chưa đạt yêu cầu đề ra. Việc liên kết doanh nghiệp, khoa học, đào tạo và Nhà nước đạt hiệu quả chưa cao, nên đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao còn chậm. Thời gian qua, Thành phố vẫn chưa chú trọng đúng mức việc phát triển hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dịch vụ và hạ tầng giao thông nên chưa tạo được sự dẫn dắt phát triển các ngành kinh tế và tạo đột phá về thu hút đầu tư. Sự tụt hậu về hạ tầng và thiếu chủ động trong liên kết vùng Đông và Tây Nam Bộ là điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển kinh tế.
Vì vậy, giải pháp để thực hiện định hướng nêu trên là tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông - vùng động lực mới để phát triển kinh tế trong thời kỳ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tập trung phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; triển khai thực hiện Đề án phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính của cả nước và khu vực châu Á giai đoạn 2020 - 2030. Phát triển công nghiệp vào những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngành công nghệ thông tin (thiết bị điện tử, thông tin, phần mềm, vi mạch, robot...). Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Về du lịch, đẩy mạnh hợp tác với 13 tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long để khai thác tiềm năng du lịch khu vực phía Nam, đảm bảo lợi ích và nâng cao chất lượng đời sống người dân, khuyến khích người dân địa phương tham gia làm du lịch. Phát huy vai trò nòng cốt của Thành phố trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phấn đấu xây dựng Thành phố từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á.
Công nhân Công ty May Thắng Lợi trong giờ làm việc. (Ảnh: Quốc Thanh)
Trong Dự thảo (lần 1) Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Thành phố đã xác định ba chương trình đột phá (đổi mới quản lý Thành phố; phát triển hạ tầng Thành phố; phát triển nhân lực và văn hóa Thành phố) và một chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực Thành phố. Ngoài ra, Thành phố còn triển khai hơn 10 đề án, chương trình cụ thể liên quan trực tiếp đến hạnh phúc của người dân; trong đó có chương trình phát triển văn hóa, xây dựng con người với những tiêu chí năng động, sáng tạo, nghĩa tình, đoàn kết nhằm phục vụ đắc lực các mục tiêu kinh tế - xã hội.
Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước cũng là thời điểm Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) với chủ đề dự kiến được xác định là: “Nâng cao trách nhiệm nêu gương và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân; phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình; phát huy hiệu quả mọi nguồn lực và tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; xây dựng Thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của Nhân dân”. Đây chính là thời điểm tốt nhất để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đoàn kết, sáng tạo, tận dụng những tiềm năng, lợi thế nhằm tạo ra sự bứt phá mới trên mọi lĩnh vực, xứng đáng với danh hiệu Thành phố mang tên Bác kính yêu - Thành phố Anh hùng./.