Cụ thể, Thành phố phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu mở để dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, hướng đến chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng. UBND Thành phố xác định, trong giai đoạn này, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử TP Hồ Chí Minh được xác thực điện tử; 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại TP Thủ Đức và các quận, huyện, 60% hồ sơ công việc tại xã, phường, thị trấn được xử lý trên môi trường mạng.

Đồng thời, 100% cán bộ, công chức tại các sở, ngành, TP Thủ Đức, các quận, huyện, phường, xã, thị trấn sử dụng thư điện tử, thành phố giao dịch nội bộ cơ quan và bên ngoài qua hệ thống thư điện tử của thành phố… TP Hồ Chí Minh phấn đấu thuộc nhóm 5 địa phương đứng đầu về chính phủ điện tử; nhóm 3 địa phương dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), nhóm 3 về an toàn, an ninh mạng (GCI).

 

Người dân, doanh nghiệp tham quan không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh.
(Nguồn ảnh: hcmcpvorg.vn)

 

Để thực hiện các mục tiêu trên, UBND TP Hồ Chí Minh tập trung triển khai, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; tổ chức triển khai các công tác tuyên truyền nội dung và các kết quả triển khai chính phủ điện tử hướng tới chính quyền số. Trong đó, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tham gia giám sát các hoạt động của chính quyền, sở, ban, ngành, đơn vị cung cấp dịch vụ tại từng địa phương liên quan đến công tác triển khai xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính quyền số, đảm bảo lợi ích đến được với mọi tầng lớp, đối tượng nhân dân, kể cả người dân thu nhập thấp, người già, khuyết tật; phát huy vai trò là cầu nối giữa người dân và các cấp chính quyền, tạo điều kiện để người dân tham gia và đóng góp ý kiến vào các chương trình, dự án xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính quyền số./.

Thành phố cũng tập trung triển khai các dịch vụ tiện ích của chính quyền cho người dân, doanh nghiệp và mọi đối tượng trong xã hội, tăng cường sự tương tác của chính quyền đối với người dân và doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân, nâng cao độ hài lòng của người dân và tổ chức đối với chất lượng hoạt động của chính quyền.

Thành phố Hồ Chí Minh phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, đặc biệt trong việc cung cấp các dịch vụ công ích; khuyến khích các doanh nghiệp giới thiệu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ số... phục vụ triển khai xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, đảm bảo an toàn thông tin. Cùng với đó, Thành phố tăng cường nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ số vào triển khai chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối...

UBND thành phố cũng đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, các trường, viện trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, đảm bảo an toàn thông tin; nghiên cứu các phương án sử dụng nguồn ngân sách thành phố, vốn vay, viện trợ,... theo đúng quy định; đẩy mạnh các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); đẩy mạnh thuê dịch vụ công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Thành phố tăng cường hợp tác quốc tế, tổ chức các chuyến tham quan, khóa tập huấn, hội nghị, hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, đảm bảo an toàn thông tin./.

Khánh Linh (t/h)