Hệ thống kios tra cứu thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Ủy ban Nhân dân Quận 2.
(Nguồn: thanhuytphcm.vn)
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Thành phố đề ra mục tiêu hoàn thiện chính quyền đô thị, hoàn thành khung pháp lý để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phục vụ nền kinh tế số; phấn đấu trên 80% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến; nâng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên 95%.
Cụ thể, Thành phố sẽ giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; đến năm 2025 có tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt. 100% hồ sơ công việc tại cấp Thành phố, cấp huyện và 80% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Đối với giai đoạn 2026-2030, Thành phố phấn đấu tạo bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển Thành phố; nâng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp lên 97%. Tất cả cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học và được chuẩn hóa về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc, phấn đấu chỉ số phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của Thành phố dẫn đầu cả nước. 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện, trong đó có điện thoại di động thông minh.
Để đạt được các mục tiêu kể trên, UBND TP Hồ Chí Minh xác định nhiều nhóm giải pháp thực hiện, trong đó có việc hoàn thiện quy định về đất đai, tài nguyên để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, tài nguyên; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học và công nghệ; tăng cường năng lực phản ứng chính sách, kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh trong tổ chức thi hành pháp luật.
Trong thủ tục hành chính, Thành phố tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kiến nghị loại bỏ các thủ tục rườm rà, chồng chéo, dễ bị lợi dụng để tham nhũng; đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; đẩy mạnh phân cấp trong thủ tục hành chính theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất sẽ giao cho cấp đó giải quyết, đảm bảo nguyên tắc quản lý ngành, lãnh thổ, không để tình trạng nhiều tầng nấc.
Trong công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Thành phố tiếp tục tổ chức kiện toàn bộ máy theo Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị, thực hiện đề án chuyển một số huyện thành quận; tăng cường phần cấp ủy quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa cấp trên và cấp dưới. Cùng với đó, Thành phố thực hiện cơ chế tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp căn cứ vào chất lượng đầu ra. Thành phố hoàn thiện môi trường pháp lý để xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển hệ thống nền tảng, phát triển dữ liệu, hệ thống làm việc tại nhà, từ xa của cơ quan Nhà nước…/.