Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bình Chánh tuyên dương gương Người tốt việc tốt.

(Ảnh: Huỳnh Vũ Long)


Nhiều tấm gương tiêu biểu

Theo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, đến nay, hàng chục ngàn người dân thành phố đã hiến hơn 2,2 triệu m2 đất, tương đương trên 2.200 tỷ đồng (tính giá trị đất theo đơn giá nhà nước). Điển hình như quận 2, người dân hiến 21.100m2 (giá trị gần 122 tỷ đồng), quận 7 trên 5.500m2 (trị giá 74 tỷ đồng), quận 12 trên 11.000m2 (trị giá 33 tỷ đồng)…

Theo thông tin từ Hội nghị sơ kết 10 năm công tác mở rộng đường, hẻm theo phương thức “Nhân dân tự nguyện hiến đất, Nhà nước đầu tư hạ tầng kỹ thuật” do quận Phú Nhuận tổ chức cho biết, trong 10 năm qua, quận đã thực hiện 54 dự án mở rộng đường, hẻm với tổng số hộ dân hiến đất là 2.114 hộ, diện tích đất hiến khoảng 10.500m2, tương ứng với giá trị hơn 900 tỷ đồng. Cộng dồn từ đầu chương trình (năm 2003), đến nay quận đã mở rộng 98 công trình đường, hẻm, với diện tích nhân dân hiến đất lên đến hàng chục ngàn mét vuông, trị giá hàng ngàn tỷ đồng.

Trong khắp thành phố, từ nội thành đến ngoại thành, nơi nào cũng có những hộ gia đình hiến đất. Ở quận Bình Tân, ông Nguyễn Văn Huệ, một cựu chiến binh cao tuổi ở khu phố 12, phường Bình Trị Đông, năm 2009 đã tình nguyện hiến 300m2 đất (theo thời giá trên 4 tỷ đồng) để mở rộng con hẻm cặp bên hông Công ty TNHH hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo... Ông từng chia sẻ: "Khi được vận động hiến đất chỉnh trang hẻm, tôi hội ý với gia đình và đồng thuận hiến đất mà không ngần ngại. Số tiền đất tuy khá lớn nhưng đâu thấm gì với những mất mát, hy sinh của những Mẹ Việt Nam Anh hùng, của những nạn nhân chất độc da cam… Vì ích chung của dân trong phường, mình có mất mát đôi chút quyền lợi cá nhân cũng không tiếc”.

Ở huyện Bình Chánh, bà Nguyễn Thị Xích (ấp 4, xã Bình Chánh) mặc dù chồng mất, một mình bà bươn chải nuôi 4 con ăn học nhưng bà đã hiến 2.000 m2 đất, trị giá 1,7 tỷ đồng để mở rộng đường giao thông nông thôn; hộ ông Trần Văn Ấn (ấp 1, xã Tân Quí Tây) đã vận động nhiều hộ dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn và bản thân ông đã hiến 1500m2 đất làm đường kênh T11 với giá trị 3 tỷ đồng; hộ ông Trần Văn Lẹ (ấp 1, xã Tân Qúy Tây) trước đây từng hiến 2000m2 nhưng sau đó đã hiến là 800m2 đất trị giá khoảng 2 tỷ đồng khi Nhà nước kêu gọi đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn; ông Nguyễn Văn Chơi (xã Vĩnh Lộc A) đã hiến đất mặt tiền với diện tích 52,5m2 với tổng trị giá hơn 200 triệu đồng, đặc biệt là ông đã đồng ý cưa 4 cây gỗ quý hơn 50 năm tuổi, đường kính 1,6m để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công; còn  nhiều trường hợp khác như hộ ông Trương Ngọc Bồng (ấp 1 xã Đa Phước); hộ ông Nguyễn Hữu Trinh (ấp 3, xã Tân Kiên); hộ bà Trần Thị Lên (ấp 2, xã Qui Đức)…cũng nhiệt tình hiến đất.

Xã Nhơn Lý, huyện Cần Giờ có 984 lượt hộ dân hiến tặng đất, trong đó có 375 lượt hộ hiến 100% diện tích đất có công trình đi qua, với 208.088m2 , trị giá 20 tỷ đồng; có 609 lượt hộ dân hiến một phần diện tích đất với 40.481m2, trị giá 16 tỷ đồng. Nhiều hộ dân đã tích cực hưởng ứng đóng góp đất với giá trị lớn. Điển hình, hộ ông Nguyễn Văn Hạnh, ngụ ấp Lý Hòa Hiệp hiến 11.106m2 đất trong 3 công trình (nâng cấp bờ kè sông Vàm Sát), đường Vôi Tiều Góc Tre, xây cấu khu sản xuất Vôi Tiều Góc Tre) với trị giá 1,5 tỷ đồng.

Hay ở quận 3, nơi đi đầu phong trào mở rộng các con hẻm theo chủ trương nhà nước và dân cùng làm, từ năm 2015 đến nay, quận đã mở rộng được 23 tuyến hẻm từ đất người dân hiến. Đến hết năm 2019, cả quận có 37 tuyến hẻm được mở rộng với số hộ là 1.292 hộ, tổng diện tích đất được hiến hơn 7.200m2, tương ứng với số tiền gần 363,437 tỉ đồng. Ở đây, những đảng viên cũng là ngọn cờ đầu hiến đất làm đường, từ đó tạo nên phong trào cho toàn thành phố.

Tiêu biểu ở quận 3 là hẻm 62, đường Lý Chính Thắng, từ một hẻm nhỏ, xe cộ ra vào chật chột, mưa lớn là thoát nước khó khăn, nhiều người lo lắng lỡ có hỏa hoạn thì không biết phương án cứu hỏa thế nào... đến nay đã thay đổi diện mạo, hẻm mới rộng rãi, có chỗ rộng đến 5-6m, ô tô ra vào thuận tiện. Có được thành quả đó nhờ 153 hộ trong hẻm hiến đất, dù đất ở đây đến 150 triệu đồng/m2

Bài học quý


Nhiều hộ dân ở hẻm 62 Lý Chính Thắng đã đồng loạt thuê công nhân tháo dỡ cổng nhà để hiến đất.

(Ảnh: Anh Lê)


Phong trào toàn dân hiến đất tại TP Hồ Chí Minh cho thấy vai trò của cấp ủy, chính quyền, của Mặt trận Tổ quốc các địa phương đã được phát huy, tạo được niềm tin đối với người dân. Ngoài kiên trì, vận động, thuyết phục, khích lệ người dân vì lợi ích chung, còn có vai trò của các đảng viên, cựu chiến binh tiên phong hiến đất khi được vận động.

Đơn cử ở hẻm 62 Lý Chính Thắng, phường 8, ông Nguyễn Văn Tư, 90 tuổi, tiên phong hiến 5 m2; gia đình ông bà Trần Văn Hương - Phạm Thị Minh Thêm, đều trên 30 tuổi đảng, đã là những hộ đi đầu hiến đất khi phường có chủ trương mở hẻm. Các đảng viên đã kiên trì vận động 4 năm, họp chi bộ thuyết phục, tận dụng các buổi cà phê, trà nước thuyết phục mọi lúc, mọi nơi mới để cả 36 đảng viên trong hẻm đồng thuận hiến đất để các hộ khác hưởng ứng, có được con hẻm rộng rãi ngày nay.

Một người dân hẻm 62 Lý Chính Thắng là anh Nguyễn Cao Hải cho biết, khi UBND phường 8 thông báo về chủ trương mở hẻm rộng 6 mét, gia đình anh có băn khoăn vì sẽ mất 5m2 đất trước nhà, là mặt tiền buôn bán. Theo giá thị trường, 1m2 đất nhà anh Hải có giá cả trăm triệu đồng, trong khi đó số tiền chính quyền hỗ trợ đền bù không bằng giá trị anh bỏ ra cải tạo lại mặt trước ngôi nhà, dù đã tận dụng hết những đồ có sẵn.Nhưng rồi hiểu được giá trị của việc mở rộng hẻm, anh Hải đã chủ động thuê người thi công, đập tường, dời cổng nhà vào sâu bên trong theo chỉ dẫn của UBND phường. Chỉ trong vòng 4 ngày, gia đình anh đã trả mặt bằng cho chính quyền địa phương, đồng thời động thổ trước cả khu phố gần 1 tuần.

Hay hộ bà Nguyễn Thị Đông, dù nhà khá hẹp, phần phía trước lại được tận dụng làm nơi để xe nhưng bà vẫn quyết định hiến hơn 6m2. “Mất đất ai cũng tiếc, cũng xót. Nhưng hiến đất để mở rộng hẻm thì gia đình tôi ủng hộ 100%. Hẻm được mở rộng sẽ mang lại nhiều lợi ích như chống ngập, đường điện, đường nước tốt hơn. Hơn nữa, hẻm rộng ra nhà mình đẹp lên. Mà khi có hỏa hoạn, vấn đề gì thì  xe vào được”, bà Đông cho hay.

 “Trước đây người ốm đau muốn đến bệnh viện có khi phải đi bộ từ cuối hẻm ra đầu hẻm mới đón được ô tô. Tấc đất tấc vàng, nhưng khi hẻm được mở rộng xe cộ đi lại thuận tiện hơn, người dân đỡ cực hơn thì ai cũng mừng, vì nhà ai cũng có người già”, bà Nguyễn Thị Dung, người hiến đất mở rộng hẻm 62 Lý Chính Thắng chia sẻ.

Nhìn toàn thành phố thì thấy nững con hẻm chật được mở rộng thì cuộc sống người dân cũng thay đổi, vì nhà cửa khang trang, kinh doanh thuận tiện, giá đất tăng… Trước đây, hẻm 85, đường Rạch Bùng Binh, quận 3 rộng 1,5m, giữa năm 2018, những người dân đồng lòng cắt hàng trăm mét đất mở con hẻm từ 1,5m rộng thành 4m, đổ bê tông, làm hệ thống thoát nước, cáp điện… Hẻm rộng, giá nhà đất tăng, kinh doanh nhộn nhịp vừa sạch sẽ vừa tiện dụng.

Từ sự hiến đất tự nguyện của một số cá nhân, thành phố đã nhân rộng, trở thành một phong trao lan tỏa, rộng khắp và mang lại lợi ích to lớn cho người dân từng địa phương và diện mạo chung của các thành phố, là một kinh nghiệm quý báu để các địa phương khác trong cả nước có thể vận dụng, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh hiện nay./..

Thái Vũ