Những tình nguyện viên đi phân phát các suất ăn miễn phí cho người nghèo.
                               (Ảnh: Như Lịch). 

Hồi dịch COVID -19 cao điểm, rất nhiều người bán vé số, bán hàng rong, chạy xe ôm mất thu nhập, vậy là hàng loạt quán cơm miễn phí ra đời. Trong đó, có chuỗi quán cơm mang tên Nụ Cười.Quán Nụ Cười 6 trên đường Nguyễn Văn Lượng (quận Bình Thạnh) hồi đó mỗi bữa hàng trăm người người vô gia cư, người khuyết tật, nuôi bệnh nhân, người bán vé số... đến nhận một phần cơm miễn phí. Chính giữa quán treo tấm băng đỏ, chữ trắng trang trọng “Sông có khúc người có lúc, bà con cứ thoải mái vào ăn, chúng tôi vui mừng đón tiếp!” .Trước đây quán bán mỗi suất cơm giá 2 ngàn đồng để người nghèo đến ăn, nhưng khi dịch bệnh xảy ra thì quán miễn phí, vì có lượng khách quen như thế nên quán rất đông.

Quan tâm đến những người nghèo, người khó khăn nhưng ở xa không đến lấy cơm được, chuỗi Quán Nụ Cười còn tổ chức cho các tình nguyện viên mang những suất cơm nóng hổi đi phát cho các mái ấm và bà con lao động nghèo.

Không chỉ có chuỗi Quán Nụ Cười mà rất nhiều quán khác cũng phát cơm miễn phí như:  Quán Nướng Yaki,18 Chế Lan Viên, phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú;Quán Chay Bình An, 49 Ngô Quyền, phường 6, quận 10; Bach Restaurant, 481 Phan Văn Trị, Phường 5, quận Gò Vấp… và vô số quán bán cơm với giá 2 ngàn đồng, 5 ngàn đồng trên khắp địa bàn thành phố.

Quán Chay Nhà Tôi trên đường Trần Đình Xu (quận 1) mỗi ngày chuẩn bị nhiều gói quà, suất cơm và được các nhân viên gửi đi khắp nơi, chia cho người nghèo. Ngày đầu tặng cơm miễn phí, quán đã chuẩn bị 1 tấn gạo, 100 thùng mì và nấu nồi cháo lớn cùng món cơm Dương Châu để giúp người nghèo.Việc phát cơm tình nguyện của quán Chay Nhà Tôi đã thực hiện hơn 1 năm nay nhưng trong mùa dịch, dịch vụ xổ số tạm ngừng đã khiến mỗi phần ăn miễn phí đối với bà con nghèo trở nên rất quý giá.

Có nhóm bạn trẻ ở quận Bình Thạnh lấy ý tưởng từ bệnh viện dã chiến, lập ra chương trình từ thiện có tên gọi “Quán cơm dã chiến, trái tim yêu thương”. Ngày  15/4, tại 100 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, quán được khai trươngđể nấu những bữa ăn hỗ trợ người nghèo vượt qua khó khăn trong mùa dịch.Mục tiêu của nhóm là phát 1.000 suất mỗi ngày cho người nghèo.

Hằng ngày, những tình nguyện viên của nhóm từ rất sớm, mỗi người một việc, để chung tay lo cho bếp; nhiều người cũng đến hỗ trợ thêm gạo, thực phẩm, nước rửa tay…Có những người làm nghề tự do, không có điều kiện góp thực phẩm, tiền bạc, đã đăng ký làm xe ôm chuyển những phần cơm đến trao cho những người sống ở chân cầu quận 1 và quận 8 và những xóm lao động nghèo.

Một phụ nữ đến nhận cơm chia sẻ: “Gia đình tôi là dân miền Trung vô đây sinh sống bằng nghề bán vé số. Cả tháng nay gia đình tôi thất nghiệp, không có thu nhập. Tiền để dành mấy tháng trước đóng tiền trọ còn không đủ, đừng nói chi tiền mua cơm.Với tôi hiện giờ, có những bữa cơm ăn qua ngày như thế này thiệt quý quá”.

Không chỉ trong mùa dịch, trước đây người Sài Gòn đã đặt những thùng bánh mì miễn phí ở vỉa hè đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 24, quận Bình Thạnh) để những người khó khăn không đứt bữa. Từ một thùng, phương thức này lan tỏa thành nhiều thùng. Nhiều người lao động nghèo, bán rong, đánh giày, bán vé số đã tiết kiệm được một bữa ăn nhờ cái bánh mỳ đặc ruột thơm bơ đó.Nhiều nhóm từ thiện tổ chức phát cơm, cháo miễn phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ngay tại các bệnh viện.

Không chỉ giúp người nghèo, người khó khăn bữa ăn, mà từ lâu lắm rồi ở thành phố này còn có các hình thức tương thân, tương ái rất thiết thực khác. Đó là cửa hàng 0 đồng, với  biển hiệu dễ thương “Ai thiếu đến lấy, ai dư đến cho”, hàng hóa ở đây là những bộ quần áo và vật dụng cũ có, mới có.

Ông Tư Ẩn và xe quần áo 0 đồng.

(Ảnh: Đào Hằng) 

Hay cửa hàng quần áo 0 đồng di động của một ông già 80 tuổi ở huyện Nhà Bè, quá quen thuộc với bà con nghèo các quận 4,5,7. Hằng ngày ông chạy xe ba gác điện chở đầy quần áo đã giặt ủi phẳng phiu treo kín trên xe, ai ưng cái nào lấy cái đó, lấy cho mình, cho bạn, cho con cháu, ông đều hoan nghênh. Năm ngoái, một nhà hảo tâm đã cho ông chiếc xe ba gác điện để chở được nhiều đồ hơn, nguồn quần áo đều do mọi người quyên góp.

Trong thời COVID-19, Siêu thị 0 đồng xuất hiện, mỗi người được lấy 5 mặt hàng nhu yếu phẩm trong phạm vi 100 ngàn đồng, mỗi tháng được 2 phiếu. Siêu thị mở của từ 8giờ-17 giờ các ngày trong tuần với câu khẩu hiệu: "Nếu bạn khó khăn hãy lấy những gì mình cần. Nếu bạn đủ đầy, xin nhường người khó khăn hơn".

Nhiều lắm những thứ miễn phí của người dân Sài Gòn thơm thảo dành cho đồng bào mình như: ăn cơm, uống cà phê, đọc sách, ăn bánh, sửa xe, cắt tóc, thậm chí có “quan tài từ thiện”cho người khốn khó lúc qua đời…. Bây giờ nhiều đám tang, gia đình chuyển toàn bộ tiền điếu phúng cho các tổ chức từ thiện, tổ chức xã hội như nghĩa cử cuối cùng của người ra đi gửi lại cộng đồng.

Một người sống ở Thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm nói rằng, từ những năm còn bao cấp khó khăn, đây là nơi đầu tiên có phong trào xây tặng Nhà tình nghĩa, Nhà tình thương cho các gia đình chính sách khó khăn, cho các hộ nghèo.

Nét đẹp của lòng nhân ái, của sự tử tế, chan chứa tình người đó góp phần làm cho thành phố đẹp hơn, đáng sống hơn, trở thành một giá trị tinh thần cao quý khi nói đến Thành phố Hồ Chí Minh sôi động, đầu tàu kinh tế của cả nước./..

Minh Khôi