UBND TP.Hồ Chí Minh vừa báo cáo đánh giá kết quả hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giai đoạn 2015 - 2019 trên địa bàn TP.
Việc cho vay theo hình thức ủy thác đã giúp nhiều hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất
Trong 5 năm qua, thông qua phương thức cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã triển khai đến 100% các phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP, giúp gần 273.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, từng bước cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập. Qua đó, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của TP đến cuối năm 2018 còn 0,19% (giảm 3,17 % so với đầu năm 2016) và giảm tỷ lệ hộ cận nghèo của TP còn 1,15% (giảm 1,26% so với đầu năm 2016), đưa mục tiêu giảm nghèo bền vững của TP giai đoạn 2016 - 2020 về đích sớm 2 năm so với chỉ tiêu đề ra. Đồng thời, góp phần hoàn thành tiêu chí số 11 về hộ nghèo và tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP.
Đến ngày 31/12/2019, toàn TP đã có 3/5 huyện (60%) và 54/56 xã (96,4%) đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí quy định của TP. Đến ngày 31/12/2019, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh do các tổ chức chính trị - xã hội quản lý trên 60,8 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,36% tổng dư nhận ủy thác, tăng 19,364 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh giảm 0,66% so với năm 2014. Trong đó, nợ quá hạn trên 33,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,75% tổng dư nợ nhận ủy thác, tăng trên 4,3 tỷ đồng so với năm 2014; nợ khoanh trên 27,3 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,61% tổng dư nợ nhận ủy thác, tăng trên 14,9 tỷ đồng so với năm 2014.
Bên cạnh đó, cùng với sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành của TP, các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã từng bước hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi trong xã hội đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của TP, góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.
Đồng thời góp phần tạo được lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Chính quyền cơ sở có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự và an toàn xã hội tại cơ sở.
Ngoài ra, việc cho vay vốn qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đã làm tăng tình đoàn kết, nhân ái, giàu tình thương yêu đùm bọc, gắn bó tình làng, nghĩa xóm; giúp các hộ nghèo hình thành thói quen tiết kiệm và tăng cường trách nhiệm cộng đồng trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, thực hiện nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ trả nợ ngân hàng.
UBND TP đề nghị Chính phủ xem xét mở rộng chương trình tín dụng đối với người lao động đi làm việc có thời hạn nước ngoài là thành viên thuộc hộ mới thoát nghèo; Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đối với các hộ dân trên địa bàn thị trấn, các phường còn sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, nâng mức cho vay tối đa chương trình tín dụng học sinh, sinh viên lên mức 3,5 triệu đồng/tháng để phù hợp với mức tăng học phí và biến động giá cả thị trường. Nâng mức cho vay tối đa chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 10 triệu đồng lên 15 triệu đồng/công trình.
UBND TP đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội sớm bổ sung cơ chế chi phụ cấp cho Trưởng khu phố, ấp trong công tác giám sát, quản lý vốn vay; tiếp tục quan tâm, hỗ trợ TP nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn, đặc biệt là chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để góp phần đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn, giúp TP chủ động và thực hiện tốt hơn Chương trình Giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP./.