Quang cảnh buổi làm việc.
Chiều tối ngày 1/6, Đoàn khảo sát Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội do đồng chí Phan Thanh Bình Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với hai Đại học Quốc gia (ĐHQG) về dự thảo nghị định ĐHQG.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo ĐHQG TP.Hồ Chí Minh trình bày những thành tựu của trường trong những năm qua trong đó nhấn mạnh, ĐHQG TP.Hồ Chí Minh có bảy trường đại học thành viên, một viện thành viên và 27 đơn vị trực thuộc. Tổng số cán bộ nhân viên của ĐHQG khoảng 6.000 (369 giáo sư, phó giáo sư, 1.200 tiến sĩ, hơn 2.000 thạc sĩ). ĐHQG đã triển khai thành công: Mô hình CDIO; Đề án Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh; Giải pháp tài chính đại học; Tổ chức Kỳ thi Đánh giá năng lực…
Về kiểm định chất lượng giáo dục và xếp hạng khu vực/quốc tế, ĐHQG có hai trường và 49 chương trình đạt chuẩn AUN-QA (chiếm gần 50% số chương trình đạt chuẩn AUN-QA trên cả nước); năm trường đạt chuẩn của Bộ; 13 chương trình đạt các chuẩn CTI, FIBAA, ACBSP, và ABET. Từ năm 2013, ĐHQG luôn được xếp trong top 150 trường tốt nhất châu Á (QS Asia) và trong nhóm 701-750 trường tốt nhất thế giới (QS World năm 2018, 2019).
Công tác học sinh sinh viên (HSSV) luôn ổn định, bảo đảm SV của ĐHQG có môi trường học tập tốt nhất. ĐHQG có nhiều đóng góp vào công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp của cả nước. HSSV ĐHQG đạt nhiều giải thưởng trong các kỳ thi quốc tế. Hằng năm, ĐHQG cung cấp cho xã hội hàng chục nghìn kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Theo công bố QS GER 2020, ĐHQG thuộc top 301-500 đại học có tỉ lệ SV có việc làm tốt nhất thế giới.
Khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và nhanh chóng bùng phát thành đại dịch, Việt Nam cũng nằm trong vùng bị lây lan và ảnh hưởng. Tuy nhiên với sự lãnh chỉ đạo sáng suốt, quyết tâm của Chính phủ, sự đồng lòng của toàn dân, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Góp phần vào đó là phần đóng góp của toàn thể lãnh đạo, cán bộ viên chức ĐHQG.
Đầu tiên, phải nói đến sự quyết liệt, sáng tạo và khẩn trương của ĐHQG trong việc thực hiện quyết định của UBND TP. Hồ Chí Minh trưng dụng cơ sở vật chất làm khu cách ly tập trung sức chứa 15.000 người. Đây là khu cách ly có quy mô về số lượng người được cách ly và số lượng người phục vụ lớn nhất nước (7.000 người cách lý, hơn 1.000 người phục vụ y tế, hậu cần). Khu cách ly tại ĐHQG đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc sàng lọc, theo dõi, chuẩn đoán, khoanh vùng, phát hiện những trường hợp nghi nhiễm Covid-19 để chuyển lên tuyến trên điều trị.
Với sứ mạng tiên phong, dẫn dắt, nhiều nhà khoa học, nghiên cứu viên trong hệ thống ĐHQG đã nỗ lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và phát triển các sản phẩm đa dạng, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, như: Buồng khử khuẩn di động sử dụng khí sạch; Buồng khử khuẩn bề mặt di động; Buồng lấy mẫu và khử khuẩn bề mặt di động; Máy phun dung dịch sát khuẩn rửa tay không tiếp xúc, Máy thở không xâm lấn; Thiết bị dẫn khí; Bộ sản phẩm Gel sát khuẩn nhanh; Dung dịch xịt sát khuẩn nhanh; Hệ thống máy sản xuất khẩu trang,…
Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo ĐHQG TP.Hồ Chí Minh, PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốcĐHQG TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong những năm qua, hai ĐHQG đã từng bước trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực với chất lượng hàng đầu của Việt Nam. Hiện nay, riêng ĐHQG TP.Hồ Chí Minh đang dẫn đầu cả nước về số lượng chương trình đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế, về số lượng và chất lượng công bố quốc tế, và cả về các chương trình liên kết, hợp tác quốc tế. ĐHQG TP.Hồ Chí Minh cũng là đơn vị đi đầu cả nước trong việc hình thành và phát triển một khu đô thị đại học khang trang, hiện đại, thân thiện với môi trường, hướng tới một thành phố đại học thông minh tại cửa ngõ Đông Bắc TP.Hồ Chí Minh.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQGHN phát biểu ý kiến.
Đưa ra ý kiến về dự thảo nghị định hai ĐHQG, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQGHN cho biết, cần có buổi làm việc chuyên ngành các bộ ngành để rà soát pháp lý, tránh rủi do pháp lý. Ngoài ra, Hai ĐHQG không trực tiếp coi là cơ quan trực thuộc Chính phủ nhưng việc Thủ tướng bổ nhiệm, giao ngân sách đó cũng được xem là căn cứ ngang bằng cơ quan ngang bộ.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, hiện nay, Bộ Giáo dục ban hành quy chế đào tạo. Theo đó, quản lý bằng quy chế là hình thức quản lý trên cơ sở phương diên hành chính. Luật giáo dục sửa đổi chuyển từ phương diện quản lý hành chính sang quản lý chất lượng bằng các hệ chuẩn, hệ giám sát. Do đó, việc ban hành quy chế vội vàng, quy chế chung cho cả nước sẽ gia tăng quản lý hành chính theo cách cũ. Đồng thời, kiến nghị quy chế Bộ ban hành này không áp dụng cho ĐHQG, nên ban hành quy chế đào tạo riêng thực sự mở đường tiên phong, thí điểm cho hai ĐHQG.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho rằng, về phương diện tài chính, hai ĐHQG thực hiện theo thông tư 23 cũ. Ngược lại, hai ĐHQG có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế và được kiểm định theo hệ quốc tế. Nên chăng cho phép hai ĐHQG quyết định học phí tính đúng tính đủ theo phương thức tự chủ đa dạng và quyết định thẩm quyền trong đầu tư...
Sau khi nghe báo cáo, đồng chí Phan Thanh Bình Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Trưởng đoàn và các thành viên cùng Đoàn đã ghi nhận và đánh giá cao những thành quả mà hai ĐHQG đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, mong muốn hai ĐHQG phát huy mạnh mẽ tài năng và trí tuệ, niềm đam mê khoa học, những khát khao khám phá để cùng góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển ĐHQG, nâng tầm tri thức và giá trị Việt Nam sánh ngang cùng với các nước phát triển trong khu vực và thế giới như kỳ vọng của Đảng và Nhà nước.
Cũng tại buổi làm việc này, Đoàn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và đại diện Ban lãnh đạo ĐHQG đã có nhiều trao đổi thẳng thẳn, cởi mở những vấn đề còn vướng mắc, những kiến nghị, đề xuất về dự thảo nghị định ĐHQG./.