Đó là khẳng định của đồng chí Phạm Quốc Bảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) tại Lễ ký kết “Hợp đồng tư vấn xây dựng lộ trình Chuyển đổi số giữa EVNHCMC (EVNHCMC) và Công ty Cổ phần FPT mới được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Dự Lễ ký kết có các đồng chí: Phạm Quốc Bảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVNHCMC; Nguyễn Văn Thanh, Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc EVNHCMC; Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT; cùng đại diện lãnh đạo 2 đơn vị...


Đồng chí Phạm Quốc Bảo phát biểu tại Lễ ký kết


Năm 2020 EVNHCMC sẽ hoàn thành quá trình chuyển đổi số

Phát biểu tại Lễ ký kết, đồng chí Phạm Quốc Bảo, Chủ tịch HĐTV EVNHCMC cho biết: Trước sự tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc thực hiện tốt chuyển đổi số sẽ góp phần thúc đẩy cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực.

Thực hiện Quyết định của Chính phủ trong việc chuyển đổi số quốc gia, và chương trình chuyển đổi số của UBND TP Hồ Chí Minh, với vai trò của mình, EVNHCMC nhận thức sâu sắc việc thực hiện chuyển đổi số là cơ bản thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tổng công ty xác định xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển đổi có vai trò đặc biệt quan trọng và quyết định trong chiến lược phát triển của Tổng công ty từ nay đến 2030.

“Một trong các yêu cầu quan trọng cần phải đáp ứng khi triển khai chuyển đổi số là việc đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức. Toàn thể lãnh đạo, CNVC-LĐ của Tổng công ty cần hiểu rõ về Chuyển đổi số. Tổng công ty cần đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém về phát triển trong kỷ nguyên số để thay đổi tư duy, thực hiện chuyển đổi tổng thể và toàn diện. Thực hiện chương trình chuyển đổi số đặt ra yêu cầu mỗi CNVC-LĐ của Tổng công ty phải có tư duy, cách làm mới, dám nghĩ, dám làm, thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường sống, làm việc, với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Đồng chí Phạm Quốc Bảo nhấn mạnh.


Đồng chí Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT phát biểu tại lễ ký kết


Bên cạnh đó, theo Chủ tịch HĐTV EVNHCMC, việc cập nhật các xu hướng công nghệ mới, tham vấn các đơn vị chuyên trách, các chuyên gia để đảm bảo thực hiện đúng định hướng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và mục tiêu của Tổng công ty là hết sức cần thiết.

Đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch EVNHCMC cho biết: Công tác chuyển đổi số của Tổng Công ty manh nha từ năm 2000 thông qua việc khai thác hóa đơn tiền điện, thu tiền điện tại các ngân hàng với những chia sẻ về dữ liệu lớn. Năm 2013 EVNHCMC triển khai Hệ thống phần mềm E-Office là hình thức  ký và chuyển giao văn bản qua hình thức điện tử. Trong suốt quá trình này, bên cạnh những mảng kinh doanh và quản lý giấy tờ, các hoạt động quản lý kỹ thuật liên quan đến tự động hóa cũng phát triển mạnh. Khi EVNHCMC triển khai tự động hóa đã hình thành những kho dữ liệu lớn (Big Data), đây là cơ sở để chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng.

Bên cạnh đó những hoạt động chi trả tiền lương, hệ thống nhân sự, tài chính kế toán đều được Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói chung, EVNHCMC nói riêng đẩy mạnh. Tất cả những hoạt động đó là nền tảng cho việc chuyển đổi số. Hiện nay, vấn đề chuyển đổi số, ứng dụng công nghiệp 4.0 trở thành trào lưu trên thế giới cũng như trong ngành điện và tại EVNHCMC cũng được triển khai mạnh mẽ. Với những nỗ lực của mình, tháng 6/2020 EVNHCMC vinh dự được công nhận là một doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc. Đây là động lực để EVNHCMC quyết tâm thực hiện chuyển đổi số trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, đặc biệt với quyết tâm đến năm 2022 sẽ cơ bản hoàn thành quá trình chuyển đổi số trong EVNHCMC.

Triển khai tổng thể các bước sẵn sàng cho chuyển đổi số


Lãnh đạo 2 đơn vị thực hiện ký kết hợp đồng tư vấn chuyển đổi số


Để đạt được mục tiêu đề ra EVNHCMC đã triển khai một loạt các bước như: Tổ chức mời lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nói chuyện nâng cao nhận thức về vai trò của việc chuyển đổi số cho đội ngũ lãnh đạo Tổng Công ty; Tổ chức hội thảo trao đổi các quá trình bước đi trong việc thực hiện chuyển đổi số; thành lập Tổ Công tác chuyển đổi số, trong đó xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai...

Dự kiến đến hết Quý I/2021 sẽ thực hiện tư vấn xong và EVNHCMC sẽ triển khai tất cả các bước để đến năm 2022 được công nhận là một doanh nghiệp chuyển đổi số thành công theo các tiêu chí của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Thanh, EVNCHCM là một đơn vị có thế mạnh về công tác công nghệ thông tin từ nhiều năm và là đơn vị đứng đầu trong toàn Tập đoàn về tự động hóa, điều này là cơ sở cho việc chuyển đổi số. Bên cạnh đó trong quá trình ứng dụng công nghệ tự động hóa cũng như ứng dụng công nghệ thông tin giúp EVNHCMC đào tạo, xây dựng được một đội ngũ cán bộ có năng lực, có hiểu biết và có đủ trình độ để bước vào giai đoạn chuyển đổi số.

“EVNHCM tự tin có thể thực hiện thành công việc chuyển đổi số theo đúng mục tiêu đề ra.” Đồng chí Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh.


Các đồng chí lãnh đạo 2 đơn vị trao đổi các nội dung liên quan đến chuyển đổi số


Phát biểu tại Lễ ký kết, đồng chí Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT cho biết: ”EVNHCM là Công ty đầu tiên FPT hợp tác tư vấn chuyển đổi số cho ngành Điện lực, chúng tôi chưa từng thấy đơn vị nhà nước nào có khát vọng chuyển đổi số mãnh liệt đến thế. Vì vậy chúng tôi kỳ vọng đến năm 2023 khi bắt đầu cạnh tranh hóa thị trường Điện Việt Nam thì EVNHCMC đã rất sẵn sàng và sẽ là công ty tốt nhất, hiệu quả nhất trong ngành điện”. 

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần FPT thông tin: Trong công cuộc toàn cầu hóa, suốt nhiều năm vừa qua FPT đã có kinh nghiệm trong việc thực hiện công cuộc chuyển đổi số cho ngành điện lực của một số nước phát triển trên thế giới như Đức. Vì vậy, FPT với mong muốn sẽ mang những kinh nghiệm tích lũy được  về phục vụ các Công ty lớn của Việt Nam, trong đó có EVNHCMC.

Với 100 ngày tư vấn FPT sẽ xác định thực trạng thông hệ thống thông tin trong ngành điện lực và xác định được khoảng trống cần phải làm, sau đó sẽ xây dựng kế hoạch triển khai, quan trọng nhất là lập được dữ liệu tập trung của ngành điện để thực hiện công tác sản xuất, truyền tải, phân phối và tiêu dùng với mức giá thành thấp nhất, phục vụ người dân tốt nhất./.

 

  

Bài, ảnh: Hoàng Mẫn