Các vị đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) vừa phối hợp với Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội thảo “Kinh tế số: Tác động, cơ hội và khả năng tận dụng của Việt Nam”.
Tham dự hội thảo có PGS. TS Huỳnh Thành Đạt, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG-HCM; PGS-TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Lương Văn Tự, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại... và hơn 100 các nhà quản lý Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp, các chuyên gia và các nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc, PGS. TS Huỳnh Thành Đạt, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh: “Là một trong hai đại học trọng điểm quốc gia của Việt Nam, ĐHQG-HCM giữ vai trò nòng cốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và xác định tầm nhìn trong mục tiêu chiến lược đến năm 2030 là trở thành đại học nghiên cứu (ĐHNC). Trong chiến lược phát triển giai đoạn mới, ĐHQG-HCM tiếp tục sứ mạng tạo ra những công trình nghiên cứu khoa học quan trọng và phục vụ xã hội, là nơi đi đầu trong đổi mới, đóng góp quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước, thúc đẩy tiến bộ xã hội. Vì vậy, trong bối cảnh CMCN 4.0, ĐHQG-HCM phải là đơn vị tiên phong, dẫn dắt và nâng tầm quốc tế trong công tác đào tạo, nghiên cứu đỉnh cao và phục vụ cộng đồng.”
PGS. TS Huỳnh Thành Đạt cũng nêu rõ những mục tiêu mà Hội thảo hướng tới là đánh giá các tác động của sự phát triển công nghệ thông tin và truyền thông mới đến kinh tế Việt Nam; phân tích các cơ hội, thách thức và rủi ro và đề xuất các định hướng chiến lược phát triển kinh tế số Việt Nam.
Bên cạnh đó, hội thảo thảo luận về tầm nhìn, định hướng phát triển và các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các chính sách vĩ mô để khuyến khích chuyển đổi số, phát triển kinh tế số bao gồm các vấn đề mang tính nền tảng ở tầm quốc gia như đổi mới thể chế và chính sách hướng đến kích hoạt thể chế số và chính sách số, chính phủ số, nguồn nhân lực số và xã hội số, .v.v.v. cho đến các vấn đề cụ thể như phát triển ngành công nghiệp và hạ tầng ICT, chuyển đổi số trong từng lĩnh vực, ngành nghề, khu vực và địa phương.
Hội thảo cũng hướng đến đề xuất các giải pháp để gia tăng kết nối hiệu quả, phối hợp chặt chẽ và hợp tác bền vững giữa các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển các mô hình kinh doanh, mô hình quản trị mới, các sản phẩm ứng dụng phục vụ cho quá trình chuyển đổi số ở từng ngành, lĩnh vực cụ thể để tạo tác động lan toả cho chuyển đổi số địa phương và chuyển đổi số quốc gia.
Hội thảo đã nhận được 49 bài tham luận của 86 tác giả và đồng tác giả. Qua quá trình phản biện chuyên môn hai vòng độc lập, các chuyên gia đã chọn ra được 28 bài của 51 tác giả, đồng tác giả để đưa vào tài liệu Hội thảo. Nội dung bài tham luận xoay quanh các vấn đề về tầm nhìn, định hướng phát triển và những sáng kiến vĩ mô để thúc đẩy kinh tế số và chuyển đổi số Việt Nam trong thời gian tới; trình bày và giới thiệu các sáng kiến mới, các mô hình kinh doanh, các gian hàng công nghệ có sự phát triển nhanh chóng trong thời gian gần đây.
Mở đầu hội thảo, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 52 ban hành ngày 29/7/2019 về một số chủ trương chính sách để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mà phát triển kinh tế số là một vấn đề cốt lõi. Trên cơ sở đó, mỗi tổ chức, doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào nền kinh tế số, để phát triển chính doanh nghiệp và góp phần vào sự phát triển chung.
“Hiện nay chúng ta còn thói quen sử dụng phương thức kinh tế cũ, phương thức trao đổi cũ, phương thức quản lý cũ, đòi hỏi phải chuyển đổi quản lý theo số. Chúng ta có đầy đủ cơ chế rồi, vấn đề là làm đi và khi làm vướng cái gì thì nói rõ” - TS. Nguyễn Đức Kiên nói.
Ông Nguyễn Hùng Sơn - Tổng Giám Đốc FSI cho biết: “Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực số hóa, chuyển đổi số, FSI luôn hướng tới mục đích tạo ra sản phẩm và dịch vụ số cao cấp mang thương hiệu Việt Nam để qua đó góp phần tạo bước tiến đột phá trong quá trình xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số.”
“Giải pháp số hóa tạo lập cơ sở dữ liệu FSI được triển khai dựa trên phần mềm số hóa thông minh D-IONE và các công nghệ số hóa như: Công nghệ nhận dạng bóc tách thông tin tự động IONE, công nghệ nén file, công nghệ nhận dạng chữ viết tay H-IONE,.... Phần mềm D-IONE cho phép quét, nhận dạng và tự động bóc tách dữ liệu, đồng thời tạo lập ra các cơ sở dữ liệu lớn, thuần Việt với độ chính xác cao và tiết kiệm đến 80% thời gian và chi phí cho khách hàng so với phương pháp truyền thống”, ông Nguyễn Hùng Sơn phân tích.
Đưa ra ý kiến về phát triển đô thị bền vững, các chuyên gia cho rằng, một quốc gia phát triển đô thị bền vững phải đảm bảo được các yếu tố như: Nhà ở với mức giá phù hợp với mức thu nhập của cư dân; Tạo ra khả năng dịch chuyển chỗ ở phù hợp với công việc; Quá trình phát triển đô thị gắn liền với bảo vệ di sản thiên nhiên và di sản văn hoá; Đô thị phát triển gắn với phòng chống thiên tai; Xây dựng đô thị giảm thiểu tác động đến môi trường; Có sự kết nối giữa đô thị và nông thôn, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính…
Việc đô thị hoá trong thời đại công nghiệp 4.0 với mục tiêu cao nhất là tăng cường gắn kết các hoạt động của các cư dân trong đời sống hàng ngày, trong công việc, trên cơ sở có các địa điểm và hoạt động giải trí phù hợp tại điểm dân cư, mục tiêu là làm cho các tiểu khu, các đô thị trở nên hấp dẫn hơn, sống động hơn và giảm khoảng cách của các phân tầng trong xã hội để khi có khủng hoảng xảy ra… Để đạt được yêu cầu đó, phải đảm bảo được sự liên kết giữa các vùng trong đô thị hoà hợp với nhau về văn hoá và xã hội, từ đó giảm bớt những khu vực yếu thế (những khu nhà ổ chuột hoặc khu nhà thu nhập thấp của đô thị).
Các chuyên gia còn đưa ra ý kiến về việc cần có những hỗ trợ sát sao hơn với các startup có sản phẩm mang tính đột phá về công nghệ, chẳng hạn như miễn thuế hoàn toàn trong những năm đầu hoạt động vì rủi ro của lĩnh vực này khá cao; tạo khuôn khổ pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển số ở khu vực tài chính- ngân hàng, ảnh hưởng của đại dịch mở ra cơ hội để thúc đẩy kinh tế số phát triển….
Ban tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến trao đổi thảo luận tại hội thảo để hoàn thành báo cáo khuyến nghị chính sách gửi đến các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức có liên quan để đóng góp cho việc xây dựng, ban hành, triển khai các chính sách khuyến khích chuyển đổi số và phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Sau khi kết thúc hội thảo, các tác giả và đồng tác giả sẽ tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung bài viết theo ý kiến của phản biện. Những bài đạt yêu cầu sẽ được Ban Tổ chức biên tập để xuất bản kỷ yếu chính thức của hội thảo có số xuất bản theo quy định.
Dịp này, ĐHQG-HCM và Tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPP đã ký kết hợp đồng triển khai chương trình Trí tuệ nhân tạo (AI) và Công nghệ Robot trị giá hơn 30 tỷ đồng. Theo đó, chương trình đào tạo AI và Robot sẽ được triển khai tại Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM (ITP) nhằm mục đích đào tạo, giáo dục, nghiên cứu góp phần nâng cao năng lực xây dựng hệ sinh thái AI và Robot tại TP Hồ Chí Minh./..
Trước đó, tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Quỹ Phát triển ĐHQG-HCM, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đã cam kết tài trợ 10 triệu USD để triển khai chương trình AI và Robot và thành lập Trường Doanh nhân tại ĐHQG-HCM.
Cùng với đó, là lễ Ký kết hợp tác giữa Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (IPTC, ĐHQG-HCM) và Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (VIPRI), Bộ Khoa học và Công nghệ./.