Các đại biểu tham gia Diễn đàn năm 2019


Được tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng năm 2018,  Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của 434 đại biểu trong và ngoài nước, tổng hợp được 329 đề xuất, khuyến nghị gắn với chủ đề của các Diễn đàn và các nội dung thảo luận; hình thành Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu gồm hơn 1000 thành viên và hình thành được một số nhóm nghiên cứu tiêu biểu như nghiên cứu về cơ khí; tự động hoá, nông nghiệp 4.0, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, công nghệ giáo dục, kiểm soát dịch bệnh, công nghệ y tế 4.0, nghiên cứu hành vi của thanh thiếu niên, … đã thu được một số kết quả nổi bật, nhận được đầu tư của các quỹ hỗ trợ nghiên cứu trong và ngoài nước.

Năm 2020, với chủ đề “Việt Nam 2045”, Diễn đàn nhằm tiếp tục củng cố mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu; tạo môi trường để các trí thức trẻ đang học tập, sinh sống và làm việc ở trong và ngoài nước thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò và khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam với khu vực và toàn cầu. Đồng thời, đề xuất các cơ chế, chính sách phát huy trí thức trẻ Việt Nam chủ động, nỗ lực cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước. Bên cạnh đó, các đại biểu tại Diễn đàn cũng sẽ đề xuất các sáng kiến, giải pháp nhằm góp phần cùng Đảng, Nhà nước đưa Việt Nam đạt những mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội vào năm 2045 – cột mốc kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Tại Diễn đàn, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận xoay quanh 04 nhóm chủ đề: đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam; vai trò của khoa học – công nghệ trong phục vụ phát triển đất nước; vai trò của thanh niên và trí thức trẻ trong tham gia phát triển đất nước đến năm 2045.

Đại diện Ban Tổ chức Diễn đàn cho biết: Năm nay có 206 đại biểu chính thức tham dự Diễn đàn. Các đại biểu là trí thức trẻ Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài có các đề tài nghiên cứu hoặc hướng nghiên cứu khả thi; các đại biểu là trí thức trẻ Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc trong nước, có hoạt động nghiên cứu khoa học hoặc đang đảm nhận các vị trí công việc liên quan đến các nhóm nội dung của Diễn đàn. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID – 19, nên số lượng đại biểu dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần III, năm 2020 ít hơn so với năm trước nhưng có sự vượt trội về chất lượng. Cụ thể, năm nay các đại biểu đều là tiến sĩ, nghiên cứu sinh, thạc sĩ; số lượng đại biểu là tiến sĩ/nghiên cứu sinh chiếm 33.5% (so với năm ngoái là 21%); thạc sĩ chiếm 66.5% (so với năm ngoái là 48%).


Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai tặng hoa các đại biểu tham gia Diễn đàn năm 2019

Tiêu biểu trong số đại biểu tham dự Diễn đàn như TS. Đoàn Quang Huy, sinh năm 1987, hiện đang là Trưởng bộ môn Kinh doanh Quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh – Đại học Thái Nguyên và là nghiên cứu viên tại Trường Đại học Tổng hợp Friedrich-Schiller-Jena (Đức). Anh Đoàn Quang Huy là nhà nghiên cứu và tư vấn về vấn đề thương mại, kinh tế quốc tế, toàn cầu hóa, chính sách kinh tế, và có hơn 20 công trình nghiên cứu khoa học đăng tải trên các tạp chí, hội thảo uy tín trong nước, quốc tế. NCS. Nguyễn Thúy Anh, sinh năm 1987, hiện đang làm việc và làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học California, Davis, Hoa Kỳ. Chị Nguyễn Thúy Anh sẽ chia sẻ về Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục các sự cố môi trường ở Mỹ và trên thế giới - Bài học áp dụng cho Việt Nam. NCS. Hoàng Anh Đức, sinh năm 1990, hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia. Anh là gương mặt duy nhất thuộc lĩnh vực Giáo dục trong danh sách Forbes 30under30 năm 2020 và cũng là tác giả, đồng tác giả của 12 công trình khoa học trên các tạp chí ISI/Scopus. Năm 2020, anh Hoàng Anh Đức đã sáng lập kênh hỗ trợ sức khỏe tinh thần trong mùa Covid-19. NCS. Trần Ngô Đức Thọ, sinh năm 1985, hiện đang là nghiên cứu sinh ngành Quy hoạch và phát triển đô thị, trường ĐH Texas A&M (Hoa Kỳ) với thành tích được nhận học bổng Fulbright của Chính phủ Hoa Kỳ 201; giải thưởng nghiên cứu xuất sắc của Hiệp Hội các trường đào tạo về quy hoạch Hoa Kỳ và Viện nghiên cứu Chính sách đất đai Lincoln.

Điểm mới của diễn đàn là các đại biểu không về tham dự trực tiếp do dịch bệnh COVID- 19 sẽ tham dự các phiên thảo luận qua ứng dụng Zoom và đã có hàng nghìn tiến sĩ, nghiên cứu sinh, thạc sĩ đã sôi nổi tham gia thảo luận xoay quanh 4 chủ đề của Diễn đàn.

Kết thúc Diễn đàn, các đại biểu sẽ thông qua Báo cáo đề xuất, khuyến nghị của Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần III, 2020; Báo cáo chuyên môn sâu về 04 chủ đề được thảo luận và Kỷ yếu Diễn đàn, danh sách các nhóm nghiên cứu chuyên sâu…/..

 

 

An Nhiên