Ngày 28/4, Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức họp mặt kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/01975 – 30/4/2021). Trong không khí ấm áp, đầy ý nghĩa đó, thế hệ trẻ có dịp được nghe những câu chuyện đầy xúc động của các nhân chứng lịch sử - những người đã góp phần vào thành công của đại thắng mùa Xuân năm 1975 lừng lẫy năm châu; những người đã hăng hái lao động, sản xuất trong thời bình để làm rạng danh đất nước Việt Nam với bạn bè thế giới.
Khát khao hòa bình
Luật sư Triệu Quốc Mạnh - nguyên Đô trưởng Cảnh sát Sài Gòn – Gia Định chia sẻ câu chuyện vào thời khắc lịch sử của ngày này 46 năm về trước .
Luật sư Triệu Quốc Mạnh - nguyên Đô trưởng Cảnh sát Sài Gòn – Gia Định còn nhớ như in những ngày tháng 4 lịch sử ấy. Giọng đầy xúc động, ông cho biết, khi ấy, ông là một đảng viên, là cơ sở nội tuyến trong lòng địch (thành viên của Ban Trí vận Mặt trận Sài Gòn-Gia Định). Hai tuần trước khi lên làm Tổng thống (giữa tháng 4/1975), Dương Văn Minh đưa ông Mạnh vào danh sách nội các Chính phủ Việt Nam Cộng hòa.
Bất ngờ với lời mời này, ông Mạnh xin có thời gian suy nghĩ, mục đích là để xin ý kiến Mặt trận. Ông nghĩ nếu đã nhận lời thì phải làm, còn nếu cấp trên không cho nhận lời thì phải rút ông đi nơi khác, không để ở Sài Gòn nữa. Tuy nhiên, lúc này ông không thể liên lạc được với ai trong Ban Trí vận. Tình thế cấp bách và biết đây là cơ hội có lợi cho cách mạng nên ông đã tự quyết định nhận lời.
Sáng 28/4/1975, buổi trình diện Chính phủ diễn ra tại dinh Hoa Lan có khoảng 25 người, Tổng thống Dương Văn Minh ra hiệu cho ông Mạnh đến gần rồi đưa tờ giấy gợi ý có thể về 3 vị trí: Tổng nha Cảnh sát, Đô trưởng Đô thành, Bộ chỉ huy lực lượng Cảnh sát Sài Gòn. Ông Mạnh đã chọn dòng ghi chữ "Bộ chỉ huy lực lượng Cảnh sát Sài Gòn" bởi ông biết đây là lực lượng rất quan trọng của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Vào vị trí này, ông có thể kiểm soát được lực lượng cảnh sát, tạo điều kiện cho quân giải phóng tiến vào Sài Gòn.
Lực lượng cảnh sát của Sài Gòn – Gia Định lúc đó có khoảng 17.000 quân bố trí khắp 11 quận nội thành và 7 quận ngoại thành. Ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ (29/4/1975) ông yêu cầu giải tán các lực lượng F - lực lượng cảnh sát đặc biệt. Làm việc với các thuộc cấp dưới quyền và chỉ huy quận, ông ra lệnh cho toàn bộ lực lượng cảnh sát "phải bày tỏ thiện chí với cộng sản chờ kết quả thương lượng". Tiếp đó, ông lệnh cho cấp dưới phải thả toàn bộ tù binh Việt Cộng. Dưới sự chỉ huy của ông, lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định đã án binh bất động, góp phần cho thắng lợi của cách mạng ngày 30/4.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, ông Mạnh xúc động nói:“Lúc đó, tôi đã thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình từ thời niên thiếu. Đó là khát khao hòa bình”.
Hết lòng vì sức khoẻ nhân dân
Anh hùng Lao động, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc nhân dân Trần Đông A-bàn tay vàng ngoại nhi, làm rạng danh nền y học Việt Nam
Khát khao hòa bình điều đó không chỉ là nỗi niềm của Luật sư Triệu Quốc Mạnh mà còn là mong ước của tất cả người dân Việt Nam khi ấy. Ước mơ đã trở thành hiện thực, đất nước thống nhất, mỗi người dân lại hăng say cống hiến để xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong mỏi.
Sau 46 năm đất nước thống nhất, Anh hùng Lao động, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc nhân dân Trần Đông A chia sẻ rất vinh dự khi được phục vụ đất nước trong hòa bình và bản thân ông luôn hết lòng vì sức khoẻ nhân dân...
Bác sĩ Trần Đông A, không chỉ nổi tiếng trong nước mà ông còn khiến giới y khoa trên thế giới nể phục, đặc biệt là ca mổ tách cặp đôi Việt - Đức năm 1988. Cặp song sinh Việt – Đức chào đời năm 1981 dính nhau phức tạp ở phần bụng chậu cùng bộ phận sinh dục, hậu môn, khối thận... Sau những lần lên cơn co giật vì bại não, kéo lê người anh em dính liền, Việt hôn mê và sống đời thực vật bên cạnh Đức vẫn còn tỉnh táo. Sau 3 tháng chữa trị ở Nhật không thành, hai anh em về nước trong tình trạng sức khỏe ngày càng suy yếu, nhiều lần cấp cứu trong đêm. Nếu không mổ tách rời, cả hai sẽ chết.
Ông kể, khi đó thế giới mới chỉ thực hiện 6 ca ( kết quả 2 ca sống cả hai bé, 2 ca chết cả hai và 2 ca một sống một chết). Tại Việt Nam, ca mổ chưa từng có tiền lệ được tiến hành trong bối cảnh nước ta đang giai đoạn bị cấm vận, cực kỳ khó khăn về kinh tế, ngay cả đến chỉ khâu cũng thiếu thốn. Sau hơn 7 tháng chuẩn bị với sự viện trợ thuốc men, trang thiết bị hiện đại của Nhật Bản, ngày 4/10/1988, ca phẫu sau nhiều giờ thực hiện đã thành công, cả Việt - Đức đều sống, gây tiếng vang trong giới y khoa quốc tế, được đưa tin trên hàng loạt báo chí nước ngoài. Sự thành công của ca mổ đã thay đổi toàn bộ cái nhìn của thế giới về y học Việt Nam.
Sau 32 năm, với ca mổ song nhi, Giáo sư Trần Đông A được mời làm trưởng tham vấn của ca mổ. “Nếu như 32 năm trước trong kíp chỉ mình tôi được đào tạo nhi khoa, thì nay, các đồng nghiệp, học trò của tôi đều được đào tạo về nhi. Đó là niềm vinh dự, hạnh phúc vì tôi cũng góp phần vào sự đào tạo đó và được chứng kiến sự tiến bộ của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất chẳng những về kinh tế mà còn về y tế”, bác sĩ Trần Đông A chia sẻ.
Là một bác sĩ giỏi, ông đã nhận được lời mời bảo lãnh đặc biệt của Chính phủ Mỹ song "bàn tay vàng ngoại nhi" đã quyết định từ chối định cư ở Mỹ.
Ông chia sẻ, lúc đó, cũng nhiều người nói ông dại. Có phóng viên nước ngoài cũng hỏi vấn đề này, nhưng ông đã trả lời “Vì trẻ em Việt Nam cần tôi, vì phẫu thuật nhi khoa là chuyên môn của tôi”.
Ông chia sẻ thêm, mỗi năm đến ngày 30/4 ông đều rất xúc động, bởi đất nước hòa bình, thống nhất chính là ước mơ ấp ủ bao lâu. Ước mơ mà đời ông nội và cha của ông chưa thể làm được, nay trở thành hiện thực chính là động lực giúp ông vượt qua mọi khó khăn gian khổ, không ngừng góp phần cho sự phát triển chung của đất nước.
Sống là để tri ân
Cựu chiến binh Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cựu chiến binh Việt Nam, người 2 lần được phong tặng Anh hùng thời kỳ đổi mới - một doanh nhân hết lòng vì công tác thiện nguyện và đền ơn đáp nghĩa
Những người lính năm xưa xông pha trên chiến trường, sẵn sàng hi sinh cả tính mạng để giành độc lập tự do cho đất nước. Khi hòa bình, họ trở về, có người đã mất đi một phần cơ thể, song vẫn luôn khát khao cống hiến cho Tổ quốc, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cựu chiến binh Việt Nam, người 2 lần được phong tặng Anh hùng thời kỳ đổi mới chia sẻ, 46 năm trước, ông là những người có mặt trong đoàn quân giải phóng vào tiếp quản Sài Gòn ngày 30/4.
Với bản lĩnh của người lính bộ đội Cụ Hồ, không ngại khó ngại khổ, sẵn sàng nơi đầu sóng ngọn gió, ngay sau ngày thống nhất, ông đã bắt tay vào phát triển kinh tế, với khát vọng góp phần xây dựng đất nước phát triển. Đây cũng là suy nghĩ của biết bao người đồng đội của ông.
“Trong quá trình làm kinh tế, chúng tôi cố gắng làm sao góp phần vào xây dựng đất nước trong hòa bình, cải thiện cuộc sống gia đình và hỗ trợ những người khó khăn. Lực lượng doanh nhân cựu chiến binh cả nước mỗi ngày thêm lớn mạnh. Chúng tôi đã liên kết với nhau, thành lập Hiệp hội doanh nhân cựu chiến binh. Tới nay, trên khắp các tỉnh thành của cả nước đều có thành viên của Hội”, ông Kiểm chia sẻ.
Ngoài giỏi về làm ăn kinh tế, những doanh nhân cựu chiến binh còn tham gia nhiều hoạt động xã hội, nhất là các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hỗ cho gia đình chính sách, cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn. Riêng gia đình ông, đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho công tác từ thiện xã hội và hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Hoạt động xã hội của ông và gia đình cũng đã vượt biên giới đến với những nước anh em, bạn bè như Cu Ba, Campuchia, Lào.
Ông chia sẻ: “Đóng góp cho công tác đền ơn đáp nghĩa, chúng tôi đều nhận thức rằng đó là trách nhiệm, là tình cảm thiêng liêng. Bởi, chúng tôi đã từng là những người lính xông pha các chiến trường, nhưng may mắn hơn nhiều đồng đội khác đã hi sinh hay là thương binh nặng, thì chúng tôi trở về còn được khỏe mạnh, lành lặn để tiếp tục cống hiến cho đất nước, góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp”.
Không chỉ bản thân mà ông còn luôn luôn nhắc nhở, giáo dục con cái tiếp nối truyền thống tốt đẹp của gia đình, sống là để tri ân... Ông cũng mong các thế hệ trẻ của Việt Nam hôm nay, bên cạnh hoạt động kinh doanh còn làm tốt công tác từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, vì cộng đồng.
Nhắn nhủ tới thế hệ trẻ của Việt Nam hôm nay, ông cho rằng, các bạn trẻ có đầy đủ kiến thức, đầy đủ điều kiện, sống trong thời bình, tiếp xúc với nền văn minh khoa học sẽ có nhiều cơ hội, năng lực để phát triển, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Các bạn cần phát huy tất cả thế mạnh đó để xứng đáng với các thế hệ cha anh đã anh dũng hi sinh để giành lấy độc lập, tự do, để cho chúng ta có cuộc sống ấm no như hôm nay.