|
|
Các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố chuẩn bị nguồn hàng dồi dào để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. (Ảnh: V.Lê) |
Phó Trưởng Phòng Quản lý năng lượng - Sở Công Thương Nguyễn Phương Duy, cho biết, nhằm chuẩn bị hàng hóa Tết, ngay từ đầu năm, Thành phố đã giao Sở Công Thương chủ trì và triển khai thực hiện.
Theo đó, các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25% đến 43% nhu cầu thị trường, bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 5.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản,…
Về sức mua, Sở Công Thương dự báo sức mua mùa Tết năm nay tăng khoảng 11-13% so với Tết Quý Mão 2023. Bên cạnh lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng bánh kẹo, nước giải khát, hoa, quần áo, giày dép,… sẽ tăng mạnh vào giáp Tết.
Các doanh nghiệp sẵn sàng tăng sản lượng trong tình huống khẩn cấp, sẵn sàng bán hàng lưu động đến nơi thiếu hàng cục bộ, kiên quyết không để xảy ra khan hiếm hàng hóa, mất cân đối nhu cầu trong mọi tình huống.
Từ đây đến cuối năm cũng là cao điểm người tiêu dùng mua sắm. Thành phố sẽ tổ chức các chương trình khuyến mại, thực hiện các chương trình kết nối cung - cầu, trong đó đặc biệt chú ý liên kết vùng. Đồng thời, phối hợp với các tỉnh, thành để có nguồn hàng hóa dịp cuối năm bảo đảm chất lượng tốt nhất và giá bình ổn nhất cho người tiêu dùng.
Riêng mặt hàng gạo, vừa qua Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã tổ chức kiểm tra nguồn hàng gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Qua nhận định của các đầu mối xuất khẩu cho thấy, giá gạo thế giới đang trong xu hướng tăng và khó dự đoán do phụ thuộc nhu cầu của các thị trường lớn và tính toán chiến lược của các nước xuất khẩu.
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đang theo dõi sát sao diễn biến này vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá gạo trong nước và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán.
Hiện, các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã và đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng để đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu gia tăng của người tiêu dùng.
Đại diện Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn cho biết, để chuẩn bị cho dịp Tết 2024, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sargi) đang mời gọi thêm một số đối tác tham gia vào quá trình giết mổ nhằm tăng nguồn thịt heo cung ứng ra thị trường. Hiện Sargi có những trang trại, nhà máy trực thuộc nên đơn vị chủ động được nguồn hàng đầy đủ đồng thời giá cả luôn ở mức đảm bảo, bình ổn cho thị trường.
Thời điểm này, phía các hợp tác xã, hộ nông dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đang đẩy mạnh sản xuất để tăng nguồn cung các mặt hàng nông sản, thực phẩm dịp Tết.
Đại diện Hợp tác xã Sản xuất thương mại rau sạch GAP thông tin, đối với TP Hồ Chí Minh, lượng tiêu thụ hàng hóa rất lớn, để đáp ứng nhu cầu cung ứng đơn vị phải chủ động triển khai các khu vực trồng. Đặc biệt, hợp tác xã đã mở rộng vườn trồng để đáp ứng sản lượng vào dịp cuối năm.
Được biết, TP Hồ Chí Minh đã triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 gắn liền với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chương trình áp dụng cho 11 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, với khoảng 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia, khối lượng hàng bình ổn giá chiếm từ 23-31% nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, sở sẽ vận động hệ thống phân phối tham gia các chương trình khuyến mãi tập trung; phối hợp với các DN phân phối xây dựng kế hoạch bình ổn các mặt hàng thiết yếu để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2024; tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu để bảo đảm nguồn cung hàng hóa cuối năm…/..