Các đại biểu chia sẻ về thực trạng và giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động


Dịch bệnh COVID-19 đã khiến cho khoảng 15.000 lao động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng. Để bảo vệ quyền lợi của người lao động theo đúng quy định của pháp luật, ngày 14/6, Thường trực HĐND TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Đài Truyền hình TP (HTV) tổ chức Chương trình Lắng nghe và trao đổi tháng 6-2020 với chủ đề “Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp - Quyền lợi người lao động”.

Gần 48% đơn vị sử dụng lao động nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội

Tại Chương trình, ông Tăng Hữu Phong, Trưởng ban Văn hóa, Xã Hội (HĐND TP) cho biết, hơn 1 tháng qua, Ban Văn hóa, xã hội đã đi khảo sát nhiều đơn vị trên địa bàn và nhận ra hiện nay tồn tại nhiều vấn đề trong việc thực thi luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Trên địa bàn TP, hiện có khoảng 89.565 đơn vị có sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội, nhưng trong đó có 42. 680 đơn vị (chiếm 47,65%) đang còn nợ đọng bảo hiểm. Chính điều đó, tạo ra mất cân đối trong thu và chi cũng như ảnh hưởng tới các hoạt động khác đặc biệt là việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Bên cạnh đó, tại TP Hồ Chí Minh hiện nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc còn thấp.

Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP cho biết, năm 2017, lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội chiếm 51,65%; năm 2018 là 52,89% và năm 2019 là 53,91%. Đối với bảo hiểm thất nghiệp, lực lượng lao động tham gia năm 2017 là 50,53%, năm 2018 là 50,61% năm 2019 là 52,24%.

Ông Sơn cũng cho rằng, việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội đối với một số doanh nghiệp còn chậm, ít; chủ sử dụng lao động thường cố tình không tham gia cho người lao động hoặc tham gia với tính chất cố tình né tránh, không tham gia đủ tổng số lao động. Thực trạng các doanh nghiệp nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội với khoản nợ kéo dài vẫn thường diễn ra. “Đối với những doanh nghiệp này thì thường không có khả năng thanh toán, khi xử phạt thì không có khả năng đóng phạt”, ông Sơn chia sẻ.

Ngoài ra, doanh nghiệp thường sử dụng người làm công tác bảo hiểm xã hội mang tính kinh nghiệm hoặc thuê dịch vụ, do đó doanh nghiệp nhiều khi cũng không nắm rõ được tình hình cụ thể của đơn vị mình. Đặc biệt số người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đang có chiều hướng gia tăng. Năm 2018 là trên 115.000 người, thì 2019 đã trên 116.00 người.

TP không ngừng đảm bảo quyền lợi cho người lao động
trong việc hưởng các chính sách về bảo hiểm cũng như việc làm.

 

Tại chương trình, các đại biểu cũng chia sẻ về thực trạng hiện nay, chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm chưa đủ sức răn đe. Dù bảo hiểm xã hội TP đã có nhiều cải tiến, rút ngắn thủ tục, cải cách hành chính, triển khai giao dịch điện tử, thanh toán chi trả bằng thẻ ATM nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thực tiễn đời sống; vẫn còn nhiều khâu theo luật định cồng kềnh, cứng nhắc làm khó người lao động trong việc tiếp cận, thụ hưởng chính quyền lợi của mình.

Nhiều khó khăn đối với công tác bảo hiểm xã hội

 Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP cho biết, việc phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội hiện nay còn chưa tương xứng với một thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh và phát triển cũng chưa được bền vững.

Đồng tình với những chia sẻ của ông Trần Ngọc Sơn, ông Hà cho rằng, trong công tác bảo hiểm xã hội hiện nay cũng còn đang gặp phải những khó khăn nhất định.

Trước hết là việc tính thời gian công tác trước 1995. Để được tính thời gian công tác cần có hồ sơ gốc, nhưng hiện nay một số đơn vị không có sơ hồ sơ gốc, dẫn tới người lao động không được tính thời gian, gây bức xúc cho người lao động và từ đó tạo áp lực cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Thứ hai là việc cấp lại sổ do người lao động làm mất. Hiện nay, việc cấp sổ khá đơn giản, dễ dàng do đó có tình trạng người lao động sau khi nghỉ việc mang sổ đó đi cầm cố, thế chấp thậm chí mua bán sổ sau đó quay lại cơ quan bảo hiểm xin cấp lại sổ. Việc này là hành vi vi phạm pháp luật, gây lãng phí đồng thời gây khó khăn cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Thứ ba là khó khăn trong chi trả lương hưu trợ cấp. Hiện nay một số người thực hiện ủy quyền cho người thân, tuy nhiên thời hạn ủy quyền thường ghi thời gian dài. Điều này gây khó khăn cho cơ quan bảo hiểm trong việc xác minh xem người ủy quyền còn sống hay không để tiếp tục chi trả theo quy định.

Bên cạnh đó, ông Hà cũng chia sẻ một khó nữa là hiện nay, người hưởng lương hưu trợ cấp qua thẻ ATM trên địa bàn TP khá lớn, khoảng 126.000 người. Tuy nhiên, việc rà soát, xác minh những người hưởng còn sống hay không cũng là thách thức đối với các cơ quan bảo hiểm xã hội.

“Trên thực tế đã diễn ra tình trạng người hưởng lương hưu đã mất nhưng cơ quan bảo hiểm xã hội không được thông báo kịp thời dẫn tới việc chi trả “lố” và sau đó phải tổ chức thu hồi. Tới nay, cũng có một số trường hợp thu hồi còn chưa hết”, ông Hà cho biết.

Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, có một số người trục lợi, họ mua bán sổ bảo hiểm như một món hàng cầm cố, thế chấp, hoặc “lách luật” bằng cách ủy quyền.

Qua khảo sát cho thấy có người lập khống, có những công ty thành lập ký hợp đồng với rất nhiều lao động nhưng số lao động ấy không làm việc tại đơn vị đó mà họ vẫn tham gia bảo hiểm xã hội để với mục đích chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội. Cũng có những đơn vị rất đông lao động nhưng lại không chịu đóng bảo hiểm. Số tiền nợ lên tới vài chục tỷ đồng.

Theo ông Hậu, nếu trước đây, việc không đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chỉ xử lý hành chính thì giờ đây chúng ta coi đây là tội phạm, và chuyển sang cơ quan điều tra để khởi tố.

Chế tài hiện đang có nhưng trong thời gian qua chúng ta còn lúng túng vì trình tự đi khởi kiện còn phức tạp, đòi hỏi cần có giải pháp tháo gỡ, để thu bảo hiểm được thực hiện nghiêm túc và đúng pháp luật.

Phát biểu tại chương trình, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội TP, Trung tâm Dịch vụ việc TP làm tiếp thu ý kiến đóng góp của cử tri, chuyên gia để tổ chức khắc phục, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là hành vi trốn đóng bảo hiểm, gian lận, trục lợi; tiếp tục cải cách quy trình thủ tục, thực hiện giao dịch điện tử với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Phối hợp với các quận, huyện tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ chính sách./.. 

Tin, ảnh: V.Lê