Công trường thi công dự án nút giao An Phú, nút giao thông quan trọng kết nối với cao tốc và Vành đai 3. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
TP Hồ Chí Minh cùng với Hà Nội là hai địa phương giải ngân nhiều nhất cả nước
Tại Hội nghị chuyên đề “Công tác giải ngân vốn đầu tư công” do Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, tổng số vốn đầu tư công năm 2023 của TP gần 68.500 tỷ đồng, so với kế hoạch đầu tư công năm 2023 cao gấp 2 lần và tương đương 10% tổng mức vốn đầu tư công của cả nước, với 711.000 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 6/10, TP đã giải ngân hơn 22.000 tỷ đồng, đạt 32% tổng số vốn đã giao. Tuy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP Hồ Chí Minh còn khiêm tốn, nhưng xét về số liệu tuyệt đối số vốn đã giải ngân, TP Hồ Chí Minh cùng với Hà Nội là hai địa phương giải ngân nhiều nhất cả nước.
Có 8/60 đơn vị chủ quản, chủ đầu tư và 5/22 địa phương giải ngân đạt trên 51% (mức bình quân cả nước), với hơn 2.400 tỷ đồng; có 34/60 đơn vị chủ quản, chủ đầu tư và 17/22 địa phương giải ngân thấp hơn 51%, với hơn 19.100 tỷ đồng; có 18/60 đơn vị chủ quản, chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân, với số tiền phải giải ngân hơn 5.900 tỷ đồng.
Về khả năng giải ngân đến hết năm 2023, có 1.807 dự án đã được các chủ đầu tư xác định sẽ giải ngân đạt 95% tổng kế hoạch vốn được giao là hơn 27.700 tỷ đồng. Có 233 dự án dự kiến giải ngân dưới 95%, với số vốn dự kiến không giải ngân được trong năm 2023 hơn 19.500 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 28,4% kế hoạch vốn năm 2023 của TP. Nguyên nhân có 98 dự án không đảm bảo tỷ lệ giải ngân do công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, với số vốn dự kiến không giải ngân hơn 12.000 tỷ đồng, chiếm 17,6% tổng số vốn giao.
Theo đồng chí Võ Văn Hoan, nhiều dự án chưa được các quận, huyện, TP Thủ Đức và Ban bồi thường giải phóng mặt bằng của các địa phương khảo sát, tính toán kỹ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư. Việc này dẫn đến khi duyệt phương án bồi thường, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực tế thấp hơn rất nhiều so với dự án được duyệt dẫn đến không giải ngân hết vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được giao.
Ngoài ra, TP còn nhiều dự án dự kiến giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, một số địa phương gặp khó khăn trong việc bàn giao, sửa chữa, cải tạo căn hộ tái định cư để đảm bảo tiến độ thực hiện của công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, TP còn 28 dự án dự kiến giải ngân dưới 95%, nguyên nhân do lỗi chủ quan của các chủ đầu tư với số vốn dự kiến không giải ngân hơn 797 tỷ đồng. Việc nhà thầu thi công không đủ năng lực tiếp tục thực hiện khiến cho chủ đầu tư 9 dự án phải xử lý các nhà thầu này, với số vốn không giải ngân được hơn 416 tỷ đồng.
Bên cạnh nguyên nhân về công tác bồi thường, có 19 dự án giải ngân dưới 90% do giá trị quyết toán thực tế dự án thấp hơn dự kiến đăng ký vốn của các chủ đầu tư, với số vốn không thể giải ngân hơn 12 tỷ đồng. Cũng liên quan đến thủ tục quyết toán dự án, TP Hồ Chí Minh có 58 dự án dự kiến giải ngân dưới 95% do khả năng không kịp hoàn tất thủ tục quyết toán trong năm 2023, với số vốn dự kiến không giải ngân hơn 75 tỷ đồng.
Ngoài các dự án kể trên, TP hiện có 16 dự án dự kiến giải ngân dưới 95% do chậm giải quyết các thủ tục liên quan với số vốn dự kiến không giải ngân 310 tỷ đồng. Ngoài ra, việc chậm thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch cũng khiến 4 dự án không giải ngân được, với số vốn hơn 45 tỷ đồng. Nguyên do UBND các địa phương chậm phối hợp Sở Quy hoạch – Kiến trúc thực hiện điều chỉnh quy hoạch.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên trao đổi tại Hội nghị. (Ảnh: thanhuytphcm)
Chỉ ra nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công thấp
Tại Hội nghị chuyên đề giải ngân vốn đầu tư công, các đại biểu đã thống nhất có 8 nguyên nhân chủ quan dẫn đến công tác đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công thấp. Đó là, công tác dự báo, quá trình triển khai, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư chưa sát với nhu cầu thực tế, chưa sát với khả năng thực hiện...
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác như công tác phối hợp, đôn đốc chưa tốt giữa các sở, ban, ngành, địa phương và chủ đầu tư dự án. Từ đó dẫn đến một số công trình, số dự án trọng điểm, cấp bách bị vướng đến giờ này. Ngoài ra, một số chủ đầu tư có năng lực hạn chế. Có những việc chủ đầu tư phải làm, nên làm và cần làm, nhưng lại không làm. Do đó, TP Hồ Chí Minh phải lưu ý đến khâu kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư thực hiện dự án.
Ngoài ra, trong phối hợp tổ chức thực hiện, xử lý những vướng mắc có một số cơ quan, đơn vị phải lấy ý kiến nhiều lần, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công. Chính điều này làm mất nhiều thời gian và cho thấy sự thiếu trách nhiệm. Từ đó đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu, khi trả lời phải trả lời rõ ràng là được hay không được.
Quyết liệt chỉ đạo, lãnh đạo, giám sát tiến độ thực hiện
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cũng yêu cầu, thời gian tới TP cần tiếp tục quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng. Sau hội nghị này, Ban Thường vụ Thành ủy TP sẽ quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn TP.
Đồng thời, tăng cường các biện pháp xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không làm tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công mà nguyên nhân không do yếu tố khách quan. Các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư, chủ dự án, người đứng đầu cần có cam kết cụ thể tiến độ hoàn thành theo yêu cầu, kế hoạch đề ra. Nơi nào làm không tốt, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh xem xét thay đổi cán bộ nơi đó.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh giao Ban cán sự Đảng UBND TP Hồ Chí Minh bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy – HĐND TP Hồ Chí Minh để chỉ đạo quyết liệt công tác đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm.
Nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đầu tư công, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết: Đây không chỉ là hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng của TP mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân TP Hồ Chí Minh.
Vì vậy, đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị TP. Vì vậy, tất cả cần nêu cao tinh thần trách nhiệm với quyết tâm, nỗ lực và thử thách; phải cố gắng hoàn thành với các điều kiện, khả năng cao nhất có thể. Đồng thời, chuẩn bị cho kế hoạch cho các năm tiếp theo một cách đàng hoàng, kịp thời.
Các đơn vị liên quan nếu tốt các nội dung trên sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 98 của Quốc hội, với tinh thần theo Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung./.