Ngày 18/11, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) đã tổ chức Diễn đàn xuất khẩu 2020 với chủ đề "Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững vùng cung ứng nguyên liệu sau COVID-19".

 

Toàn cảnh diễn đàn.

Diễn đàn xuất khẩu 2020 là hoạt động có nhiều ý nghĩa nhằm cung cấp thông tin giúp doanh nghiệp định hướng lại các thị trường xuất khẩu, xác định lại giá trị của chuỗi cung ứng và vùng cung ứng nguyên liệu trong trạng thái bình thường mới.

Mở ra rất nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam bứt phá

Phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn 2015 – 2019, kinh tế thành phố vẫn giữ tốc độ tăng trưởng khá và ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân đạt 8,3%/năm. Tỷ trọng kinh tế thành phố trong kinh tế cả nước tiếp tục tăng, đến năm 2020 chiếm hơn 22% GDP cả nước. GRDP bình quân đầu người tiếp tục tăng liên tục qua các năm, năm 2019 gấp 1,26 lần năm 2015.. Kim ngạch xuất khẩu của thành phố tăng trưởng bình quân 9,73%/năm. Cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng sản phẩm chế biến tiếp tục được nâng lên, nhóm hàng công nghiệp chiếm 80,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu đa dạng, không lệ thuộc một thị trường, một đối tác. Chất lượng kinh tế được cải thiện, cơ bản phát triển kinh tế dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học – công nghệ. Ngành thương mại của thành phố phát triển theo hướng hiện đại, nhất là thương mại điện tử, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Hệ thống phân phối hiện đại đã phát triển về số lượng và chất lượng, gia tăng lưu thông hàng hóa và thúc đẩy xuất khẩu.

Đồng chí Lê Thanh Liêm khẳng định, trong những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu hướng tới các thị trường trọng điểm, tiềm năng. Thành phố xác định việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường, cách thức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách hiệu quả cũng như việc gia tăng tỷ trọng nguyên liệu nội địa trong cơ cấu hàng xuất khẩu là mục tiêu quan trọng hàng đầu. Đặc biệt, Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt tận dụng lợi thế của các FTA và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.



Đồng chí Lê Thanh Liêm phát biểu tại Diễn đàn.

Trình bày tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Tín, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề tới hoạt động giao thương, làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta tiếp tục đạt tăng trưởng dương khi GDP 9 tháng năm 2020 tăng 2,12%; xuất khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2020 tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 229,27 tỷ USD; thặng dư thương mại kỷ lục với giá trị 18,72 tỷ USD; EVFTA chính thức có hiệu lực từ 01/8; RCEP được ký kết ngày 15/11… mở ra rất nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam bứt phá.

Riêng với TP Hồ Chí Minh, hoạt động xuất nhập khẩu đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Số liệu của Cục Thống kê TP cho thấy, 10 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 36,710 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ 2019. Các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của thành phố gồm: gạo, cà phê, cao su, thủy sản, lâm sản, máy tính và linh kiện, dệt may, giày dép…

Ông Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh, với việc 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã có hiệu lực, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mới được ký kết… tạo ra cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng mới.

Nông sản Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Nhấn mạnh kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, ông Phạm Thiết Hòa, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV cho biết, Bước sang năm 2020, mặc dù bị tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, nông lâm thủy sản vẫn là thế mạnh của Việt Nam, khi vẫn duy trì tăng trưởng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 30,5 tỷ USD, xuất siêu lên tới 7,2 tỷ USD.


Các chuyên gia trả lời câu hỏi của doanh nghiệp.

Tuy nhiên tỷ trọng nông sản chế biến sâu được xuất khẩu của Việt Nam còn rất hạn chế, mới chỉ đạt khoảng 25 – 30% tổng sản lượng nông sản. Nhiều sản phẩm trong số đó đạt tỷ lệ rất thấp như rau, quả, thực phẩm chỉ đạt 10%, cà phê chỉ đạt 4 – 6%...

Ông Phạm Thiết Hòa cho rằng, vì vậy giải pháp trước nhất là cần tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Bởi các hiệp định này có rất nhiều ưu đãi về thuế quan cho sản phẩm nông sản của Việt Nam. Đơn cử như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phần lớn hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (rau quả tươi và rau quả chế biến, gạo, hạt khô…) được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi có hiệu lực hoặc sau 3 – 5 năm. Hay như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), EU cam kết sẽ đưa thuế suất về 0% sau một lộ trình nhất định đối với sản phẩm từ gạo và tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, giúp Việt Nam có thể xuất khẩu 100.000 tấn gạo tấm vào EU hàng năm. Bên cạnh đó, nhu cầu của thị trường EU về các sản phẩm rau quả nhiệt đới rất lớn, nên cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này cũng được rộng mở. EU cam kết xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả. Đối với thị trường ASEAN, Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) cũng đem lại nhiều cơ hội xuất khẩu cho nông sản Việt.

Ngoài ra, ông Phạm Thiết Hòa cũng khuyến nghị với cộng đồng doanh nghiệp một số giải pháp cụ thể khác nhằm đẩy mạnh đưa hàng vào chuỗi cung ứng toàn cầu như: tập trung đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại trong sản xuất và chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường hợp tác kết nối với đối tác trong chuỗi cung ứng; tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tối ưu hóa hiệu quả của dịch vụ logistic trong xuất khẩu nông sản; xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ thông qua cơ chế liên kết “6 nhà” (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, ngân hàng, nhà doanh nghiệp và nhà phân phối); xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia, đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc cho nông sản Việt; tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân; nhà nước quan tâm xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Về phần mình, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho rằng, dưới tác động của COVID-19, hoạt động ăn uống bên ngoài sụt giảm mạnh, cụ thể là chi tiêu cho tiêu dùng bên ngoài gia đình giảm 27%, tuy nhiên, 40% giá trị mất đi được chuyển thành chi tiêu cho tiêu dùng tại nhà. Giá trị tiêu dùng cho nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại nhà ghi nhận mức tăng hai chữ số trong 9 tháng năm 2020, trong đó khu vực thành thị tăng trưởng 13% (so với mức tăng 2% của năm 2018 và 6% năm 2019) và khu vực nông thông tăng trưởng 11% (2018: 6% và 2019: 9%).

Đánh giá về sự phát triển của thương mại điện tử trong chuỗi cung ứng, ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết, nghiên cứu của Kantar Worldpanel chỉ ra, mua sắm trực tuyến ngày nay đã tiếp cận được hơn một nửa dân số (56%). Tuy nhiên, vẫn còn cơ hội rất lớn để mở rộng mạng lưới tiêu dùng trên nền tảng số bằng cách khai thác nhóm còn lại, đặc biệt là những người trên 50 tuổi.

Mua sắm trực tuyến đang gia tăng ở tất cả các nhóm tiêu dùng chính là nền tảng để hoạt động thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng thời gian tới./.

Chi Mai