Đó là nhấn mạnh của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tại Tọa đàm “Đồng hành khôi phục và phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020” được UBND Thành phố tổ chức ngày 5/5.

Tham dự Tọa đàm còn có các Phó Chủ tịch UBND Thành phố và đại diện lãnh đạo các Sở - ban - ngành, đơn vị, Hiệp hội, Hội ngành nghề cùng các chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Tọa đàm được tổ chức trực tuyến tại UBND Thành phố và Trung tâm Báo chí Thành phố.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Tọa đàm (Ảnh: Trung tâm Báo chí TPHCM)

 Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết: Thời gian qua, Thành phố đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thông qua việc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, chấp nhận hy sinh một phần lợi ích kinh tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe và tính mạng cho Nhân dân. Trong quý I/2020, việc thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh đã tác động rất lớn đến sự tăng trưởng của Thành phố. Thành phố chỉ đạt mức tăng trưởng kinh tế 0,42% so với cùng kỳ năm 2019, thấp nhất kể từ năm 1986 đến nay.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho rằng: Với vai trò là đầu tàu kinh tế, dẫn dắt kinh tế của vùng và cả nước, Thành phố luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn cả nước trung bình từ 1,1 đến 1,2 lần trong một thời gian dài, sự tăng trưởng chậm lại của Thành phố sẽ có nhiều tác động đến sự tăng trưởng chung của cả nước. Vì vậy, tập trung mọi nguồn lực và giải pháp để khôi phục và phát triển kinh tế Thành phố là “mệnh lệnh” cần phải làm ngay trong bối cảnh hiện nay để vực dậy sự phát triển kinh tế của Thành phố.

“Thành phố chúng ta đang đứng trước những khó khăn lớn do tác động từ phía dịch bệnh gây ra, điều này nằm ngoài khả năng dự báo của chúng ta. Ngay tại thời điểm này, điều quan trọng nhất là cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân thành phố phải đoàn kết một lòng, siết chặt tay nhau, nỗ lực nhiều hơn nữa để cùng nhau hoàn thành thắng lợi “mục tiêu kép” đã đề ra là vừa giữ vững thành quả của công tác phòng chống dịch, vừa tập trung phát triển ổn định kinh tế thành phố trong điều kiện bình thường mới”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm (Ảnh: Trung tâm Báo chí TPHCM)


Chủ tịch UBND Thành phố đã nêu ra 4 vấn đề thách thức đang nổi lên, bao gồm: Vấn đề kinh tế số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Thị trường xuất nhập khẩu sẽ phải làm gì khi các chuỗi cung ứng bị đứt gãy nghiêm trọng; Làm sao để vực dậy sức mua của thị trường nội địa khi người dân đã nhìn nhận lại hành vi tiêu dùng sau đại dịch do tâm lý lo sợ kéo dài hoặc có nên mở cửa để phát triển du lịch quốc tế và thời điểm nào là thích hợp; Giải pháp nào hiệu quả và phù hợp nhất để đảm bảo ổn định kinh tế, ổn định công ăn việc làm trong điều kiện phải thực hiện “mục tiêu kép” như hiện nay?

Đồng chí bày tỏ mong muốn được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia nhà khoa học cũng như các trao đổi, đề xuất của doanh nghiệp.

Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp đã đưa ra những góp ý, các giải pháp cụ thể để vực dậy kinh tế Thành phố. Theo ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã có ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Hiện nay, đã có hơn 262.000 doanh nghiệp tại Thành phố đã bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Để có thể tăng trưởng trở lại trong năm 2021, các doanh nghiệp cần được "tiếp sức" từ các chính sách hỗ trợ, ưu đãi không chỉ ở Thành phố mà còn trên phạm vi toàn quốc.

Trong khi đó, GS.TS Hồ Đức Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển thuộc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị, Thành phố cần sớm tiến hành đánh giá thực trạng của doanh nghiệp vừa và nhỏ về mức độ thiệt hại, trên cơ sở này đưa ra các giải pháp tái cấu trúc cho phù hợp.

TS Trần Du Lịch (thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ) nhận định, việc xác định mở lại các hoạt động kinh tế bình thường ở biên độ nào là rất quan trọng. “Giai đoạn bình thường mới không làm cản trở các hoạt động kinh tế là yêu cầu cần thiết”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Tọa đàm (Ảnh: Trung tâm Báo chí TPHCM)

Tại Tọa đàm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Thành phố cần nghiên cứu, linh hoạt triển khai các giải pháp phát triển kinh tế, kết hợp phòng dịch quyết liệt, phục hồi sản xuất, kinh doanh và hoạt động xã hội trong điều kiện bình thường mới.

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu ngăn chặn nguy cơ phá sản của doanh nghiệp, với các giải pháp như: Hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động (tháng 5 và 6/2020); hỗ trợ bảo đảm tính thanh khoản của doanh nghiệp; hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa gần 100 triệu dân.

Cùng với đó, Thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thúc đẩy số hóa tài nguyên của các doanh nghiệp, hoàn thành cơ sở dữ liệu số của các ngành kinh tế, hạ tầng của Thành phố và triển khai quản trị thông minh ở các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước; đẩy mạnh thực hiện thành phố thông minh.

“Thành phố có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất cả nước, trong đó phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối tượng này rất dễ bị tổn thương do tác động của dịch COVID-19. Chính vì vậy, mục tiêu trước mắt của các giải pháp hỗ trợ là nhằm giúp doanh nghiệp tăng sức đề kháng, hạn chế phá sản đến mức thấp nhất”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Đồng chí Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng lưu ý, cần dự báo kịp thời, phối hợp với các nước đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước vào thời điểm phù hợp, triển khai mạnh mẽ đầu tư công của thành phố, phấn đấu đến tháng 10/2020 giải ngân hơn 80% giá trị các dự án, hỗ trợ và thúc đẩy thị trường bất động sản, các chương trình đề án khởi nghiệp sáng tạo./.

V.Lê