Theo đó, việc thành lập 02 tổ nhằm giải quyết tình trạng hàng hoá ùn tắc tại cảng biển, đảm bảo yêu cầu thông quan hàng hoá của doanh nghiệp, không để gián đoạn chuỗi cung ứng cho sản xuất, tiêu dùng, đặc biệt đối với hàng hoá phục vụ cho công tác y tế, phòng chống dịch bệnh COVID-19. Thành viên của các tổ gồm 01 lãnh đạo Cục và thủ trưởng các đơn vị cửa khẩu có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn.
Tổ 1080 có nhiệm vụ chỉ đạo tổng thể các chương trình, giải pháp nhằm duy trì thông suốt hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, khai thông hàng hoá tại cảng trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh.
Tổ phối hợp với các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, cá nhân tiếp nhận và tổng hợp thông tin nhằm hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ thủ tục hải quan; kết nối với các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan Hải quan có liên quan trong việc giải quyết thủ tục Hải quan, đảm bảo thông quan nhanh nhất đối với các loại hàng hoá, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Ngoài ra, tổ cũng tham gia tuyên truyền hướng dẫn thủ tục hải quan quan trên các phương tiện thông tin đại chúng; tham gia các tổ hỗ trợ, phản ứng nhanh của Uỷ ban Nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh và các đơn vị khác để hỗ trợ, tư vấn và trực tiếp tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho tổ chức, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong việc tiếp nhận, thông quan hàng hóa phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID- 19.
Đối với tổ 1081 có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, giải pháp tạo thuận lợi thương mại đã ban hành nhằm duy trì thông suốt hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, khai thông hàng hoá tại các cửa khẩu và địa điểm ngoài cửa khẩu thuộc phạm vi quản lý của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Tổ có nhiệm vụ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc liên quan để báo cáo, tham mưu, đề xuất cho Lãnh đạo Cục các giải pháp cấp bách nhằm giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trong thẩm quyền; đồng thời tham mưu báo cáo Tổng cục Hải quan và Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh đối với các trường hợp vượt thẩm quyền xử lý của Cục.
Bên cạnh đó, tổ cũng có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch đưa ra các giải pháp để giải quyết các tồn đọng, vướng mắc phát sinh tại đơn vị, hạn chế tối đa ùn tắc hàng hoá tại cửa khẩu. Kết quả thực hiện hàng ngày của hai Tổ được các đơn vị báo cáo trực tiếp cho Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh để chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời.
Cảng Cát Lái - TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: HQTPHCM)
Liên quan đến nỗ lực 'giải cứu' hàng tồn, cảng Cát Lái thoát nguy cơ phải đóng cửa, sau 10 ngày tích cực “giải cứu”, cảng Cát Lái đã thoát nguy cơ đóng cửa và lượng hàng tồn còn 85% và đang dần được giải phóng.
Hiện trung bình mỗi ngày, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (đơn vị quản lý cảng Cát Lái) cùng Tổ công tác của Cục Hàng hải Việt Nam họp trực tuyến với 30 khách hàng lớn, 15 hãng tàu để nắm bắt tình hình, giải đáp và hỗ trợ mọi thắc mắc của khách hàng để giải phóng nhanh hàng tồn ra khỏi cảng, ùn ứ vì dịch bệnh.
Thông tin được Tân Cảng Sài Gòn thông báo rộng rãi là cảng này đã ban hàng chính sách hỗ trợ khách hàng tại Cát Lái. Đối với những container hàng nhập của các nhà máy đang tạm dừng hoạt động, chưa thể lấy về thì Tân Cảng sẽ chuyển về 4 cơ sở: Tân Cảng Hiệp Phước và các ICD Tân Cảng Long Bình, Tân Cảng Nhơn Trạch, Tân Cảng Sóng Thần và miễn phí vận chuyển.
Các chính sách khác mà cảng có thể áp dụng như: miễn phí 100% chuyển đổi mục đích khi cấp container rỗng cho khách hàng tại cảng, miễn phí chuyển giảm tải… đã giúp chuyển 144 TEUs từ Tân Cảng Cát Lái đi Tân Cảng Hiệp Phước. Các hãng tàu mở code tại depot Tân Cảng Suối Tiên, ICD Tân Cảng Long Bình... để chuyển giảm tải và yêu cầu các chủ khai thác/hãng tàu tăng cường cấp rỗng từ Tân Cảng Cát Lái. Do đó, trong những ngày đầu tháng 8, mức tồn rỗng tại Cát Lái đã được điều tiết từ 15.700 TEUs xuống còn 12.300 TEUs. Như vậy, theo nhận định của Cục Hàng hải và Tân Cảng Sài Gòn, dung lượng tồn bãi tại cảng Cát Lái đã giảm chỉ còn 85% và dần trở về mức ổn định bình thường, không phải đóng cửa cảng. Các tàu đến cảng Cát Lái đều có thể đáp ứng kịp thời cầu cảng để làm hàng.
Do đó, lượng hàng hóa nhập khẩu, gồm cả hàng từ Cái Mép, Tân Cảng Hiệp Phước về Cát Lái vẫn thực hiện bình thường trên cơ sở có kiểm soát, điều tiết phù hợp. Theo đó, hàng container mà khách hàng cam kết lấy hàng trong vòng 48 giờ (đối với hàng từ Cái Mép) và 72 giờ (hàng từ Tân Cảng Hiệp Phước) kể từ ngày dỡ container lên Cát Lái vẫn được đưa về. Các hàng container có nguy cơ tồn lâu hơn mà doanh nghiệp chưa thể giải phóng được thì không được đưa về Cát Lái…Như vậy, tình trạng hàng tồn tại Cát Lái cơ bản đã ổn định trở lại.
Trước đó, ba nhóm giải pháp chính đã được gấp rút thực hiện để giải phóng hàng tồn cho Cát Lái. Đầu tiên là Chi cục Hàng hải TP Hồ Chí Minh phối hợp với doanh nghiệp khai thác cảng làm việc cụ thể với từng chủ hàng để cùng tháo gỡ các vướng mắc, sớm có giải pháp nhận hàng để giải phóng hàng khỏi cảng hoặc chuyển sang các cảng lân cận.
Tiếp đến Tân Cảng Sài Gòn phân loại, điều chỉnh chất xếp container giữa các khu vực bãi container nhập/xuất/ rỗng để tăng khả năng tiếp nhận cho container hàng nhập, điều chuyển bớt các container rỗng ra ngoài phạm vi cảng…
Mặt khác, Cục Hàng hải Việt Nam và Tân Cảng Sài Gòn yêu cầu tạm thời ngưng chyển container hàng nhập từ Cái Mép, Tân Cảng Hiệp Phước về Cát Lái mà nhận trực tiếp tại các khu vực lân cận đó để giảm luồng hàng về Tân Cảng Cát Lái… Danh mục hồ sơ hải quan của doanh nghiệp được tải lên Cổng thông tin một cửa quốc gia mà không cần bản giấy để Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh giải quyết nhanh.
Tại thời điểm tồn đọng lớn vào cuối tháng 7 có gần 200 doanh nghiệp có lượng hàng tồn tại Cát Lái đã không thể giải phóng hàng vì dịch bệnh làm ngưng trệ sản xuất, lưu thông./..