|
|
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cùng đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nghi thức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I. (Ảnh: Dũng Phương) |
Tham dự có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và Sở, ngành, địa phương của TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, Lễ Khai mạc năm nay kết hợp đồng thời với khai mạc Hội Sách tại TP Hồ Chí Minh và khai mạc Hội sách trực tuyến Quốc gia với mong muốn thực hiện và lan tỏa 3 mục tiêu quan trọng của việc tổ chức Ngày Sách và Văn hoá đọc được xác định trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đó là: Khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.
Đồng thời, tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, đây còn là dịp khẳng định những bước phát triển xuất bản và văn hóa đọc của Thành phố mang tên Bác; khẳng định xu hướng chuyển động mạnh mẽ của ngành xuất bản trước yêu cầu chuyển đổi số.
|
|
Độc giả trẻ chọn mua sách tại hội sách. (Ảnh: Hồng Giang) |
Theo đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, là một thành phố trẻ, trong lịch sử cũng như hiện tại và tương lai, người dân Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh vốn luôn khát khao với tri thức, các hoạt động phát triển văn hóa đọc nhộn nhịp, sôi nổi, đa dạng, phong phú sẽ là cơ hội để Thành phố chia sẻ, quảng bá, lan tỏa các hoạt động văn hóa đọc hướng đến hình thành một xã hội học tập, tạo lập thói quen tự học nơi mọi công dân, nhất là giới trẻ. Đồng chí cũng bày tỏ hi vọng, chuỗi các hoạt động năm nay sẽ mang lại cho quý bạn đọc nhiều niềm vui, hạnh phúc, giúp bạn đọc nâng cao năng lực sáng tạo, trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng sống để hoàn thiện bản thân.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I diễn ra từ ngày 19 đến 24/4 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Đường sách TP Hồ Chí Minh, khu vực TP Thủ Đức và các quận, huyện. Song song đó là các hoạt động hưởng ứng được tổ chức đồng loạt tại 63 tỉnh, thành phố. Riêng tại phố đi bộ Nguyễn Huệ có sự tham gia của hơn 20 đơn vị xuất bản và phát hành trong cả nước, mang đến hơn 500.000 tựa sách. Ngày hội được phân chia thành 3 không gian: Không gian chuyển đổi số; Không gian thành phố sách và Không gian tổ chức giới thiệu các mô hình văn hóa đọc.
Cũng trong khuôn khổ của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I còn diễn ra triển lãm, trưng bày Không gian văn hóa Hồ Chí Minh và các không gian văn hóa đọc đặc trưng của TP Hồ Chí Minh./..