Ngày 25-11, đoàn lãnh đạo TP Hồ Chí Minh do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đã có buổi tham quan và làm việc với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. 

Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh khóa X, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc TP Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức; lãnh đạo sở, ngành TP....

Toàn cảnh buổi làm việc.

Đến nay, Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh có 160 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn trên 44.563 tỷ đồng/110 dự án trong nước và hơn 5.679 triệu đô la Mỹ/50 dự án nước ngoài... Với tiềm lực mạnh về công nghệ, nghiên cứu đào tạo, ươm tạo doanh nghiệp, Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ là đầu kéo mạnh mẽ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng kinh tế tri thức của Việt Nam…

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết, giá trị gia tăng trung bình của sản phẩm sản xuất tại Khu công nghệ cao là gần 18%; Hiệu quả sử dụng đất tại đây là hơn 13 triệu đô la Mỹ/hecta, trong đó, đất dành cho sản xuất sản phẩm công nghệ cao là gần 19 triệu đô la Mỹ/hecta. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu so với năm 2019 là 37%; Năng suất lao động từ 2010-2014 là hơn 114.000 đô la Mỹ và giai đoạn 2015-2019 là gần 292.000 đô la Mỹ, trong đó, năm 2019 đạt 373.000 đô la Mỹ.

Tính đến nay, Khu Công nghệ cao có 85 dự án đang hoạt động chiếm hơn 53% và 75 dự án đang triển khai hoạt động chiếm gần 47%. 10 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao ước đạt hơn 16 tỷ đô la Mỹ tăng gần 20% so với cùng kỳ, trong đó giá trị xuất khẩu đạt hơn 15 tỷ đô la Mỹ tăng gần 24% và giá trị nhập khẩu đạt gần 15 tỷ đô la Mỹ tăng gần 27%. Lũy kế đến nay, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của Khu công nghệ cao ước đạt gần 81 tỷ đô la Mỹ, trong đó giá trị xuất khẩu đạt gần 77 tỷ đô la Mỹ và giá trị nhập khẩu đạt hơn 70 tỷ đô la Mỹ. Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động, giảm 3.426 lao động so với thời điểm 3 tháng đầu năm 2020.

Trong định hướng phát triển của Khu Công nghệ cao đến năm 2025, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố đặt mục tiêu: Tổng vốn đầu tư lũy kế đạt gần 11 tỷ đô la Mỹ; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 30 tỷ đô la Mỹ/năm, tăng 10%/năm; Giá trị gia tăng nội địa đạt trên 35%; Giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp trong nước giai đoạn 2020-2025 tăng ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 5 năm trước; Kinh phí dành cho R&D trên doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ cao đạt trên 2%.



Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc.

Về định hướng, mục tiêu phát triển tương lai, ông Nguyễn Anh Thi - trưởng ban BQL Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đưa ra các kiến nghị, gồm: Cho phép thực hiện cơ chế đặc thù "một cửa liên thông" trong phối hợp sở, ngành, quận 9 và Ban Quản lý để rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; Tháo gỡ vấn đề quy hoạch khu không gian khoa học, cho phép Ban Quản lý được hủy bỏ quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 đã phê duyệt để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi triển khai dự án; Tháo gỡ vấn đề quy hoạch và đầu tư công Công viên Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh; Giao Ban Quản lý được tiếp tục chủ trì triển khai dự án thương mại hóa thí điểm hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm từ công nghệ cao trong hoạt động nghiên cứu triển khai để đẩy mạnh triển khai mô hình liên kết 3 nhà, tăng cường gắn kết Khu Công nghệ cao và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông; Sớm thông qua chủ trương đối với các chính sách hỗ trợ cho đầu tư giai đoạn II của Dự án Intel Việt Nam.

Lần đầu tiên đến thăm Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, Bí Thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết rất ấn tượng về quá trình hình thành và phát triển 18 năm nơi đây. Đồng thời, đánh giá cao quá trình hình thành và phát triển của Khu Công nghệ cao TP với nhiều thành tựu đáng trân trọng. Trong đó nhấn mạnh, hiệu quả sử dụng đất, năng suất lao động, xuất nhập khẩu; đặc biệt là sức lan tỏa và tạo nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ phát triển khoa học công nghệ, tạo cho các nhà khoa học - kỹ thuật, các doanh nghiệp về phát triển khoa học công nghệ, kích thích đổi mới sáng tạo TP.

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên đề nghị BQL Khu Công nghệ quan tâm đến việc phát triển công nghiệp hỗ trợ. Mặt khác, quan tâm đặc biệt, chăm sóc kỹ trong việc kết nối 3 nhà gồm nhà doanh nghiệp, nhà trường và BQL Khu Công nghệ. Ngoài ra, giữ nguồn nhân lực để họ gắn bó lâu dài. Cùng với đó, tiếp tục phát huy vị trí thuận lợi, gần sân bay, bến cảng của Khu Công nghệ cao TP để làm sao xứng đáng với sự chọn lựa và tạo sự hấp dẫn của TP.


Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân cho biết Khu Công nghệ cao TP là hạt nhân

phát triển kinh tế của TP trong thời gian tới.

“Luôn chú ý việc tạo điều kiện cho các nhà doanh nghiệp đang đầu tư tại Khu Công nghệ cao cho tốt, nếu muốn xúc tiến, mời gọi nhà đầu tư mới trước hết phải đối xử thật tốt với những nhà đầu tư hiện tại sẽ hơn 1.000 lần đi xúc tiến.”- Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên khẳng định.

Theo Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên, các kiến nghị cũng chỉ xoay quanh một việc là "tháo gỡ" vướng mắc, do đó để giải quyết vướng mắc này, cán bộ các sở, ngành trên từng cương vị công tác hoàn thành tốt công việc được giao để góp phần cho sự phát triển.

Cùng với quan điểm trên, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Khu Công nghệ cao TP là hạt nhân phát triển kinh tế của TP trong thời gian tới. Cho nên, Thành ủy, UBND TP nắm bắt các điều kiện, chia sẻ thành công, góp phần tháo gỡ nhanh các ách tắc cho Khu Công nghệ cao TP.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP xem lại quy chế cũ và trình đề án để UBND TP ủy quyền cho Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP xử lý những công việc thuộc thẩm quyền hoặc hình thành tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng theo dõi để đẩy nhanh xử lý các công việc thuộc Khu Công nghệ cao TP.

Trước đó, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã thăm và làm việc tại Công ty TNHH Inter Products Việt Nam, Công ty CP Công nghệ sinh học dược Nanogen. /.

Chi Mai