|
|
Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến |
Toạ đàm có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hồ Chí Minh; đồng chí Phan Thị Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hồ Chí Minh; Đại sứ Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao); Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ; Đại sứ quán Việt Nam tại Australia; cùng đại diện các sở, ban, ngành của Thành phố và nhiều doanh nhân kiều bào ở nhiều nước trên thế giới.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Trung ương, Thành phố luôn nhận thức vai trò rất lớn của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam ở trong và ngoài nước, nhất là người Việt Nam đang ở nước ngoài để quảng bá, giới thiệu, truyền thông và trực tiếp sản xuất, phân phối hàng Việt Nam ra nước ngoài.
Tại Tọa đàm, đồng chí cũng nêu lên một số nội dung để các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ. Trong đó, đặc biệt là việc tổ chức quảng bá, giới thiệu hàng hóa Việt Nam ở thị trường nước sở tại; các doanh nghiệp cần hỗ trợ những vấn đề cụ thể nào từ các sở, ngành ở TP Hồ Chí Minh?
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải cũng đề nghị Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh tiếp tục chủ động, nỗ lực phối hợp với các đơn vị liên quan, các hội, đoàn doanh nhân, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được thông tin và các cơ hội xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, nhất là các khu vực tập trung nhiều người Việt Nam ở nước ngoài sinh sống.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm, cùng trao đổi về thực trạng và đề xuất những giải pháp để làm sao hàng hóa của Việt Nam có mặt ngày càng nhiều trên thị trường quốc tế.
|
|
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Tọa đàm |
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn VABIS Group, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, trước hết, khi đưa sản phẩm hàng Việt Nam ra nước ngoài, chúng ta cần cần xác định chủng loại hàng hóa và chất lượng sản phẩm nào là phù hợp cho việc vận dụng nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ hai, chúng ta cần chú trọng tới hệ thống marketing và kênh phân phối. “Hãy tận dụng kênh phân phối sẵn có của kiều bào. Ví dụ như việc đưa một sản phẩm từ Việt Nam sang Úc để vào được siêu thị đòi hỏi phải có một đối tác nhập khẩu với hệ thống phân phối bán sỉ, bán lẻ vững mạnh, hệ thống bảo hành, bảo trì, và xử lý các trường hợp đổi trả, khiếu nại về chất lượng…”, ông Mỹ cho biết.
Thêm vào đó, ông Mỹ đề xuất chúng ta cần tận dụng tính đột phá của công nghệ 4.0 để phát triển kênh phân phối kỹ thuật số và online cho những sản phẩm có giá trị cao, mang tính độc đáo và đặc thù.
Ngoài ra, ông Mỹ cũng cho rằng phải xem thị trường toàn cầu và thị trường các nước như một hệ thống các bình được thông với nhau bởi những ống dẫn. Ống dẫn này không chỉ là kênh phân phối mà là dòng chảy đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Quốc gia nào thiết lập được càng nhiều ống dẫn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài thì càng có ưu thế không chỉ trong tiêu thụ hàng hóa mà còn thu được nhiều ảnh hưởng và lợi thế khác.
|
|
Đại biểu chia sẻ tại Tọa đàm |
Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng chia sẻ những kinh nghiệm cụ thể về sản phẩm để có thể vào được thị trường sở tại. Theo ông David Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt - Mỹ (VABA) hiện nay, hàng hóa của Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Ngoài chất lượng sản phẩm đáp ứng đúng tiêu chuẩn của nước sở tại, thì các doanh nghiệp Việt cũng cần chú trọng tới bao bì hàng hóa, chú ý tới yếu tố bảo vệ môi trường, sản phẩm phải được ghi rõ thành phần cũng như những yếu tố đảm bảo sức khỏe cho con người. Đặc biệt ông David Dương cho rằng, vấn đề nhà kho tại các nước sở tại cần phải được chú trọng để sản phẩm không chỉ đảm bảo về chất lượng, mà còn đảm bảo về mặt số lượng, đáp ứng nhu cầu thường xuyên cũng như có giá thành phù hợp. Đây cũng là vấn đề được rất nhiều doanh nghiệp kiều bào đưa ra và bày tỏ sự quan tâm.
Theo ông David Dương, hiện nay, chưa có kho hàng nào tại Hoa Kỳ chuyên trữ hàng hóa của Việt Nam trong khi nhiều nước đã có những kho trữ hàng rộng lớn như Thái Lan, Trung quốc. Hàng hóa của Việt Nam hiện mới chỉ được trữ trong kho ở chợ của người Việt, giá cả phụ thuộc vào đơn vị vận chuyển, giao hàng nên giá cả cũng khó cạnh tranh với các nước có kho trữ hàng.
Để có thể cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, ông David Dương cho rằng, chúng ta cần đẩy mạnh công nghiệp hóa, nông nghiệp hóa theo hướng áp dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản. Ngoài ra phải tăng cường quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội. Đây đang là xu hướng cuẩ thế giới hiện nay, phát triển rất mạnh mẽ.
Cũng với quan điểm này, Tiến sĩ Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho rằng, doanh nghiệp luôn tận dụng mọi cơ hội, mọi mối quan hệ để quảng bá giới thiệu sản phẩm của mình mọi lúc, mọi nơi.
Bà Trà My cho rằng, doanh nghiệp Việt cần quan tâm tới chất lượng sản phẩm song cũng cần tiến hành bảo hộ thương hiệu mình trước khi đi ra nước ngoài. Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy không chỉ bán những gì mình có, mà nên đầu tư hơn những gì thị trường cần mua và đặc biệt chú ý tới phong tục, tập quán, thói quen của người dân nước sở tại để có những mặt hàng phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Tại Tọa đàm, các doanh nghiệp kiều bào cũng kiến nghị với lãnh đạo Thành phố một số nội dung trong đó, đặc biệt là kiến nghị tạo điều kiện trong việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi; hỗ trợ trong quảng bá xúc tiến…
|
|
Đồng chí Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Tọa đàm |
Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh thay mặt cho lãnh đạo Thành phố ghi nhận các ý kiến của doanh nhân kiều bào. Đồng chí nhấn mạnh, Việt Nam có nhiều mặt hàng không thua kém gì các nước song việc đưa ra thị trường thế giới còn hạn chế. Câu hỏi đặt ra, đâu là điểm yếu, đâu là thế mạnh của chúng ta? Từ đó, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng, doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan cần thảo luận, trao đổi với nhau, rà soát để tháo gỡ những khó khăn, đồng thời có những giải pháp kịp thời, thiết thực, có những hành động thực tế đi vào thực chất hơn nữa. Chúng ta cần xác định đi bước nào chắc bước đó, để hàng hóa của Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế.
Đồng chí Phan Thị Thắng cũng chia sẻ, Thành phố sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp kiều bào trong khả năng của mình. Đối với những vấn đề vượt tầm, Thành phố sẽ có những kiến nghị lên các bộ, ban, ngành ở Trung ương để cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng chí Phan Thị Thắng cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp nói chung cần cạnh tranh lành mạnh, phát huy lợi thế của nhau để cùng xây dựng một khối doanh nghiệp vững mạnh để cạnh tranh với doanh nghiệp quốc tế. Đồng chí cũng hi vọng với trình độ, năng lực và lòng yêu nước, các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam sẽ ngày càng có mặt nhiều hơn ở các nước trên thế giới, và không chỉ người Việt Nam trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài dùng hàng Việt mà còn tạo một thói quen để người nước ngoài cũng yêu mến và sử dụng hàng hóa Việt Nam./...