Phiên họp về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2020.
Kinh tế TP vẫn tăng trưởng dương
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TP Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) dự ước tăng khoảng 2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,86%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt gần 615.000 tỷ đồng (giảm 3,7% so với cùng kỳ; cùng kỳ tăng 12,2%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 403.500 tỷ đồng (tăng 10%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp của TP Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm ước tăng 1,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7%). Trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu (tăng 2%) thì ngành cơ khí giảm 12%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng gần 18%; ngành hóa chất – cao su – nhựa tăng 9%; ngành chế biến tinh lương thực, thực phẩm tăng 3,3% …
Tuy nhiên, trong khó khăn, kinh tế TP vẫn tăng trưởng dương nhờ một số điểm sáng như: Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp xuất qua cảng TP Hồ Chí Minh (gồm cả dầu thô) trong 6 tháng qua ước đạt 19.087 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Sở dĩ kim ngạch xuất khẩu tăng là nhờ xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI tăng mạnh kéo kim ngạch xuất khẩu của cả TP tăng theo. Cụ thể, trong khi khu vực kinh tế nhà nước xuất khẩu chỉ đạt 1.200 triệu USD (giảm 23,3%); khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt khoảng 5.240 triệu USD (giảm 6,4%) thì khu vực FDI đạt đến 12.644 triệu USD (tăng 15,7%).
Các ngành khác cũng có chỉ số dương như lâm sản, thủy sản tăng 3,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,88%; khu vực dịch vụ tăng 0,67%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,04%... nên đã kéo nền kinh tế vực dậy.
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 2,01 tỷ USD, bằng 65,27% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng chỉ ước đạt 163.173 tỷ đồng, giảm gần 15% so với cùng kỳ (trong khi tổng chi ngân sách địa phương đến 29.672 tỷ đồng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ).
TP có gần 18.500 DN được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 246.000 tỷ đồng (bằng 89% số lượng DN và 75% về vốn đăng ký so với cùng kỳ).
Bà Lê Thị Huỳnh Mai cũng cho biết: Tổng vốn đầu tư công đã giải ngân đạt gần 14.300 tỷ đồng (34%), cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ. Đây là những tín hiệu tích cực, lạc quan.
TP nỗ lực cao để đạt mức tăng trưởng 5%
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đi sâu phân tích về "cú sốc” COVID-19 đã khiến ngành dịch vụ của TP bị tác động mạnh, trong đó có ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch, và kéo theo là dịch vụ lưu trú, khách sạn, ăn uống…. Bởi ngành dịch vụ chiếm trên 60% trong tổng cơ cấu kinh tế của TP. Năm 2019 du khách nước ngoài đến TP đạt 8,6 triệu người, thời gian lưu lại bình quân 3,6 ngày, mức tiêu tiền bình quân 150 USD/người/ngày. Giờ đây, du khách quốc tế đến TP ước đạt 1,3 triệu lượt người (giảm 70%). Do đó, khách du lịch giảm sút đã ảnh hưởng đến tổng cầu kinh tế.
Mặt khác, TP có tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp và đây lại là những doanh nghiệp dễ bị gãy đổ, ảnh hưởng do COVID-19. Các DN có số vốn từ 100 tỷ đồng trở lên chỉ chiếm hơn 2% tổng số DN.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, trước tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới, “nhiệm vụ kép” của TP từ nay đến cuối năm 2020 là vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế sau dịch. Đồng thời cho rằng, TP không hy vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng như dự báo ban đầu là 8,3-8,5%/năm. Nhưng bằng mọi giải pháp, TP nỗ lực cao để đạt mức tăng trưởng 5%.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, để phục hồi kinh tế, công việc quan trọng nhất hiện nay với sở, ngành, quận, huyện là hỗ trợ DN bằng những hành động cụ thể như trao đổi các vấn đề về thuế, vốn, hỗ trợ kế nối ngân hàng… Đặc biệt, chủ tịch các quận, huyện cần gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp. Phần việc nào thuộc thẩm quyền thì chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Nếu vượt quá thẩm quyền thì phải kịp thời đề xuất với cấp trên.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng đánh giá hiện nay, xu hướng kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển mạnh mẽ, tạo nền tảng phát triển kinh tế số của TP. Vì thế, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cần thống kê các ngành nào kinh tế số đã phát triển và phát triển ra sao để triển khai cụ thể chương trình chuyển đổi số.
Sở Công Thương gặp gỡ, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, doanh nghiệp nào hết đơn hàng, doanh nghiệp nào sắp cho người lao động nghỉ việc, bao nhiêu lao động sắp mất việc, doanh nghiệp cần vốn... cần phải có các số liệu cụ thể để phục vụ công tác dự báo tình hình...
Liên quan đến thu chi ngân sách, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, tuần tới, UBND TP sẽ làm việc với ngành tài chính để kiểm soát chặt chẽ thu chi ngân sách, tăng biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu, tăng cường thu thuế nợ đọng, tiết kiệm chi…
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các địa phương, sở ngành tập trung vào nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách, phải đảm bảo mục tiêu đến ngày 15/10 phải đạt mức giải ngân trên 80% và hướng đến cuối năm 2020 phải đạt mục tiêu giải ngân trên 95% như cam kết của TP với Chính phủ.../..