Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường 10 tổ chức ra quân tổng vệ sinh toàn phường. (Ảnh: https://tapchimoitruong.vn)
Cùng với sự phát triển chung của thành phố, các huyện vùng ven của thành phố Hồ Chí Minh hiện đang phát triển nhanh chóng về dân số, hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ và đặc biệt là tốc độ đô thị hoá, dẫn tới thực trạng các huyện nông thôn thành phố hiện nay mang tính chất nông thôn - đô thị, khác với các khu vực nông thôn khác trên cả nước. Vấn đề môi trường khu vực các huyện nông thôn mang đặc điểm nông thôn - đô thị bao gồm cả chất thải phát sinh từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt tập trung trên nền cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện.
Đồng thời, lượng chất thải rắn phát sinh ngày càng tăng, tình trạng các cơ sở sản xuất kinh doanh, chăn nuôi còn xen cài trong khu dân cư, hệ thống hạ tầng thu gom, thoát nước còn chưa được đầu tư hoàn thiện, một số khu vực dân cư phân tán, cách biệt, nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế... Đó là những thách thức lớn đối với công tác bảo vệ môi trường đối với khu vực nông thôn thành phố Hồ Chí Minh.
Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, công tác bảo vệ môi trường khu vực nông thôn thành phố Hồ Chí Minh được các Sở ngành (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng…), Ủy ban nhân dân các huyện, xã quan tâm, nỗ lực thực hiện gắn với triển khai Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là triển khai Chỉ thị 19-CT/TU về thực hiện Cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”. Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các Sở ngành, Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện xây dựng kế hoạch triển khai Chỉ thị 19-CT/TU một cách hiệu quả với các giải pháp cụ thể:
Các huyện, quận đều triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý nhanh, hiệu quả ý kiến của người dân về tình trạng xả rác ra đường và kênh rạch bằng nhiều phương thức tiếp nhận đa dạng (phần mền trực tuyến, tin nhắn điện thoại, thư điện tử, đường dây nóng...). Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn tổ chức đối thoại với nhân dân về vệ sinh môi trường, đến hiện nay đã có 312/312 phường, xã, thị trấn đã tổ chức đối thoại với nhân dân (đạt tỷ lệ 100%).
Về công tác quản lý chất thải rắn, nhiều chương trình, giải pháp được triển khai đồng bộ để từng bước nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố từ công đoạn thu gom tại nguồn đến vận chuyển và xử lý: quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; kế hoạch chuẩn hóa mẫu phương tiện thu gom, vận chuyển; tổ chức, sắp xếp lại lực lượng thu gom rác dân lập định hướng đầu tư trạm trung chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; kế hoạch tăng cường quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa.
Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng được tăng cường. Kết quả đã nhắc nhở 7.977 trường hợp, lập biên bản ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7.223 trường hợp với số tiền phạt khoảng 10,8 tỷ đồng. Ngoài ra, toàn thành phố đã lắp đặt 17.326 camera an ninh kết hợp với giám sát về chất lượng vệ sinh môi trường đô thị.
Ủy ban nhân dân 21 huyện, quận và thành phố Thủ Đức thường xuyên rà soát và triển khai xóa các điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải; định kỳ hàng tuần và hàng tháng, chính quyền địa phương phối hợp với các tổ chức đoàn thể thành lập các tổ, nhóm thực hiện nhiều đợt tổng vệ sinh xóa các điểm ô nhiễm đồng thời triển khai các mô hình chuyển hóa điểm ô nhiễm thành các công trình xanh sạch đẹp, công trình phục vụ cộng đồng. Kết quả, toàn thành phố đã xử lý 505/568 điểm ô nhiễm về rác thải, trong đó198 điểm đã được chuyển hóa thành khu vực sinh hoạt cộng đồng như sân chơi thể thao, vườn hoa, công viên, đồng thời trang bị 27.771 thùng rác công cộng trên các tuyến đường và tuyến hẻm trên địa bàn.
Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường, công tác phối hợp với các ban ngành đoàn thể trong triển khai các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 ngày càng chặt chẽ, cụ thể:
Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Thành phố triển khai Kế hoạch phối hợp số 584/KHPH-MTTQ-STNMT ngày 16/2/2023 về phối hợp tổ chức Hội thi xây dựng công trình sạch - xanh - thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng dân cư lần 2 năm 2023, cụ thể trên địa bàn 5 huyện có 324 điểm, công trình sạch thân thiện môi trường đăng ký tham gia hội thi, kết quả: đạt 2 giải nhì (1. Biến bãi rác thành vườn hoa thành khuôn viên tập thể dục Cộng đồng Tổ 9 ấp 5 xã Đa Phước huyện Bình Chánh, 2. Công trình khu dân cư xanh - sạch - đẹp tại văn phòng ấp 1 xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi) và 4 giải khuyến khích (1. Xây dựng tuyến đường hoa (Sân bóng đá Mini) ấp Thạnh Bình xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, 2. Tuyến đường “Sáng - xanh - sạch đẹp - an toàn” ấp Ngã Tư xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, 3. Tuyến đường Nhị Bình 26 – Sạch, xanh, thân thiện với môi trường dựa vào cộng đồng dân cư” xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, 4. tuyến hẻm 17 Huỳnh Thị Đồng “Văn minh – sạch đẹp – nghĩa tình” thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè).
Phối hợp với Thành đoàn Thành phố xây dựng Kế hoạch số 11-KHLT/ĐTNSTNMT ngày 27/3/2023 về tổ chức Hội thi tuyên truyền viên bảo vệ môi trường năm 2023 với chủ đề “Thành phố của em - Thành phố màu xanh”, kết quả các liên đội trên địa bàn 5 huyện như Liên đội Trường THCS Vĩnh Lộc A huyện Bình Chánh, Liên đội Trường THCS Phước Vĩnh An huyện Củ Chi, Liên đội Trường THCS Lê Thành Công huyện Nhà Bè và Liên đội Trường THCS Tam Đông 1 huyện Hóc Môn đều đạt giải khuyến khích, qua đó hội thi được triển khai sâu rộng đến các em đội viên, học sinh, liên đội trên địa bàn Thành phố, lồng ghép tuyên truyền, giáo dục các kiến thức về bảo vệ môi trường một cách hiệu quả trong hoạt động sinh hoạt thiếu nhi tại các địa phương, trong trường học trên địa bàn thành phố.
Trong năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với Hội Nông dân Thành phố tổ chức 08 lớp tập huấn tuyên truyền về bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn thành phố với các chuyên đề như Bảo vệ môi trường khu vực nông thôn gắn với triển khai Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và Bộ tiêu chí quốc gia về xã, huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên 55 nông dân và nhân dân tham gia bảo vệ môi trường cho khoảng 1.600 học viên là các cán bộ, hội viên nông dân tại các quận huyện như Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Bình Tân, quận 12 và Thành phố Thủ Đức. Thực tế triển khai Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành Ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”; Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho thấy vai trò hết sức quan trọng của các thành viên Hội Nông dân Thành phố trong việc cải tạo, chuyển hóa các điểm đen về môi trường thành các điểm sinh hoạt cộng đồng với nhiều mảng xanh, tang cường mảng xanh tại các khu vực công cộng như công viên hoặc mô hình đường hoa,… đã góp phần tích cực trong việc lan tỏa, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư.
Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường mong muốn Hội Nông dân Thành phố và các hội viên tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và tiếp tục phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức để triển khai duy trì những kết quả đạt được trong thời gian qua đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung sau:
Tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành Ủy và các tiêu chí, chỉ tiêu về lĩnh vực môi trường thuộc Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn với việc triên khai Kế hoạch số 2658/KH-UBND ngày 16/6/2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa trên địa bàn vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn.
Phối hợp với Sở Tài nguyên môi trường, UBMTTQVN Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân các huyện, quận, thành phố Thủ Đức và các ban ngành, đoàn thể có liên quan đánh giá, kịp thời giới thiệu các mô hình, sáng kiến và các gương điển hình trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới để biểu dương, nhân rộng trên địa bàn Thành phố./..