HĐND TP Thủ Đức giám sát việc thực hiện thu phí vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn phường An Phú.

Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 từ những ngày đầu mới thành lập thành phố Thủ Đức, song Hội đồng Nhân dân Thành phố đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, thể hiện được vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân thành phố được nâng lên, ngày càng dân chủ, thực chất, chất lượng và hiệu quả, có nhiều đổi mới cả trong tư duy và thực tiễn hành động.

Báo cáo kết quả cũng như các tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân để cử tri hiểu rõ

Sau khi tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào ngày 23/5/2021: Số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân đầu nhiệm kỳ là 40 đại biểu; số lượng đại biểu chuyên trách là 03 đại biểu; số lượng Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân là 13 tổ.

Hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12/8/2023, Hội đồng Nhân dân thành phố Thủ Đức đã tổ chức Kỳ họp chuyên đề và kiện toàn bộ máy cơ quan Hội đồng Nhân dân Thành phố: thành lập thêm Ban Đô thị của Hội đồng Nhân dân thành phố Thủ Đức; tăng cơ cấu đại biểu hoạt động chuyên trách của cơ quan Hội đồng Nhân dân Thành phố với 08 đại biểu, gồm 02 Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố, 03 trưởng và 03 phó các Ban của Hội đồng Nhân dân Thành phố (gồm 03 Ban: Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Xã hội và Ban Đô thị)

Trong thời gian qua, công tác chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp Hội đồng Nhân dân Thành phố ngày càng chất lượng và có nhiều đổi mới. Sự phối hợp giữa Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố với Ủy ban nhân dân Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Thành phố và các cơ quan liên quan ngày càng chặt chẽ từ khâu dự kiến, thống nhất chương trình đến xây dựng báo cáo, dự thảo nghị quyết, hoàn chỉnh hồ sơ, tài liệu trình kỳ họp... Công tác điều hành kỳ họp có nhiều cải tiến hợp lý, phát huy được tinh thần dân chủ và trí tuệ của đại biểu trong thảo luận, phát biểu ý kiến, bày tỏ quan điểm khi xem xét, quyết định các vấn đề của địa phương.

Hội đồng Nhân dân Thành phố bám sát các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019 và các quy định của pháp luật có liên quan để quyết định những vấn đề của thành phố trong phạm vi được phân cấp, phân quyền, đảm bảo kịp thời, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội đồng Nhân dân Thành phố đã tổ chức 06 kỳ họp thường lệ và 01 Kỳ họp chuyên đề liên quan đến công tác nhân sự, ban hành 75 Nghị quyết quyết định các nhiệm vụ cấp bách theo thẩm quyền, trong đó có nhiều Nghị quyết chuyên đề có tính khả thi, sức lan tỏa lớn, phát huy hiệu quả, được đông đảo cử tri và Nhân dân đánh giá cao.

Thời gian qua, hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân thành phố Thủ Đức đã có những chuyển biến tích cực trên cơ sở Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân được bàn hành. Qua đó, Thường trực Hội đồng Nhân dân và các Ban của Hội đồng Nhân dân đã ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc chương trình, kế hoạch giám sát đề ra, tập trung vào các vấn đề quan trọng, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Với sự đôn đốc, giám sát thường xuyên, quyết liệt, nhiều ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri đã được Hội đồng Nhân dân Thành phố quan tâm giải quyết kịp thời, cơ bản đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân.

Các báo cáo của Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân Thành phố, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân trình tại kỳ họp được đại biểu, các Ban Hội đồng nhân dân nghiên cứu, đóng góp tích cực. Công tác xem xét các báo cáo được thông qua tại kỳ họp, trước đó các đơn vị có trao đổi thống nhất với Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy. Việc xem xét báo cáo tại kỳ họp vừa đảm bảo nguyên tắc, vừa linh hoạt, hài hoà các mối quan hệ, phát huy tinh thần trách nhiệm của các Ban của Hội đồng Nhân dân, các cơ quan, tổ chức hữu quan và các đại biểu Hội đồng Nhân dân.

Xem xét báo cáo việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp trước của Hội đồng Nhân dân Thành phố được thẩm tra kỹ, có tổ chức khảo sát, đánh giá việc giải quyết của Uỷ ban Nhân dân Thành phố và các ban, ngành, địa phương.

Nội dung chất vấn đi vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc, có tính thời sự. Sau phiên chất vấn, Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố ban hành Thông báo kết luận yêu cầu Ủy ban Nhân dân Thành phố và các ngành, các địa phương liên quan giải quyết các vấn đề được đại biểu nêu lên tại phiên chất vấn nhưng chưa được trả lời hoặc trả lời chưa thỏa đáng.

Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Thường trực Hội đồng Nhân dân, hai Ban và các Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố đã tổ chức 93 cuộc khảo sát, giám sát với 28 chuyên để.

Hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp của các đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố tại đơn vị bầu cử cơ bản đảm bảo theo quy định của pháp luật. Kỹ năng tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân được nâng lên theo hướng đi vào những vấn đề cụ thể, sát với nội dung kỳ họp và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều kiến nghị của cử tri đã được các ngành, các địa phương tiếp thu, xử lý và báo cáo cụ thể về kết quả cũng như các tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân để cử tri hiểu rõ.

Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố đã thực hiện các buổi tiếp công dân định kỳ tại trụ sở Ban tiếp công dân Thành phố, đồng thời ban hành, công khai lịch tiếp công dân của 13 tổ đại biểu Hội đồng  Nhân dân Thành phố hàng quý. Từ đầu năm 2023 đến nay Thường trực Hội đồng  Nhân dân Thành phố tiếp nhận và xử lý 139 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh và kiến nghị của công dân, trong đó đã xử lý 106 đơn, hiện đang xử lý 33 đơn.

Thường trực Hội đồng  Nhân dân Thành phố đã chú trọng tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác với Ủy ban  Nhân dân Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố... nhằm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ. Trong đó đã xây dựng Quy chế phối hợp với Ủy ban  Nhân dân Thành phố, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như định kỳ tổ chức việc đánh giá tình hình thực hiện.

Phối hợp Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố tổ chức Hội nghị chuyên đề “Nâng cao chất lượng, hiệu quả Hội nghị tiếp xúc cử tri với Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026” trên địa bàn Thành phố; tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề ngành, giới đối với cử tri thanh niên thành phố Thủ Đức và thiếu nhi trên địa bàn thành phố Thủ Đức,

Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân phối hợp với phường tại nơi ứng cử tổ chức tiếp công dân và tiếp xúc cử tri; xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động giám sát hàng năm đối với phường tại nơi ứng cử.

Sau khi kiện toàn tổ chức bộ máy của Thường trực và các Ban của Hội đồng  Nhân dân Thành phố trong điều kiện thực hiện thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, từ 03 đại biểu hoạt động chuyên trách được tăng lên 08 đại biểu. Từ đó giúp nâng cao được cả về số lượng và mở rộng phạm vi giám sát của Thường trực,các Ban và các tổ đại biểu của Hội đồng nhân dân, góp phần nâng cao vai trò, vị thế, hiệu lực và hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng  Nhân dân Thành phố.

Những kết quả này thể hiện trên tất cả các lĩnh vực và rõ nét nhất là trong việc quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách, quy hoạch ngành, lĩnh vực của Thành phố; giám sát chuyên đề, chất vấn, trả lời chất vấn..., góp phần thể chế hóa kịp thời, đúng đắn đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của Thành phố.

Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban và các Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Thủ Đức đã tích cực triển khai, đổi mới hoạt động giám sát dưới nhiều hình thức, tập trung vào các vấn đề cụ thể được cử tri và Nhân dân quan tâm; qua đó giúp các cấp chính quyền kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện; từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị của cử tri, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Hoạt động kỳ họp đã có nhiều cải tiến, đổi mới theo hướng đi vào thực chất, phát huy dân chủ, trí tuệ của đại biểu để quyết định những vấn đề quan trọng của thành phố và 34 phường. Công tác tiếp dân, đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân được đổi mới theo hướng gần dân, sát dân và đôn đốc giải quyết dứt điểm các vụ việc để tồn đọng, kéo dài.

Phương thức, chế độ làm việc từng bước được cải tiến theo hướng khoa học, nền nếp hơn, phát huy dân chủ, tăng tính chủ động, sáng tạo, phối hợp tốt hơn giữa các đơn vị, cơ quan hữu quan.

Các Nghị quyết mà Hội đồng  Nhân dân Thành phố thông qua trong cả nhiệm kỳ đã tạo cơ sở pháp lý để Ủy ban Nhân dân các cấp xây dựng kế hoạch cả nhiệm kỳ và từng năm, tổ chức triển khai, điều hành thực hiện đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố Thủ Đức một cách toàn diện. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - văn hoá - xã hội đều đạt và vượt so với kế hoạch đã đề ra, góp phần quan trọng vào phục hồi đà tăng trưởng kinh tế chung của thành phố Hồ Chí Minh và cả nước. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội được quan tâm. Chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân ngày càng được nâng lên. Công tác giải quyết việc làm được chú trọng triển khai, giảm tỷ lệ hộ nghèo; đảm bảo an sinh xã hội, đời sống Nhân dân ngày càng được quan tâm; chính trị xã hội ổn định, an ninh, trật tự được đảm bảo.

Những kết quả đạt được của Hội đồng  Nhân dân Thành phố đã từng bước khẳng định, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố trên nhiều lĩnh vực, thể hiện vai trò là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, thực sự cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, giữa Hội đồng Nhân dân và cử tri, xứng đáng với niềm tin của cử tri, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Thủ Đức nói riêng và thành phố Hồ Chí Minh nói chung.

Bên cạnh đó còn tồn tại một số hạn chế như: Sau khi bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tổ chức bộ máy Hội đồng Nhân dân thành phố Thủ Đức có 03 đại biểu hoạt động chuyên trách, do đó hạn chế về số lượng đơn vị được giám sát và chuyên đề giám sát trên các lĩnh vực chưa nhiều. Đặc biệt, việc tăng cường chuyên sâu công tác giám sát về lĩnh vực đô thị nhằm kiểm tra, giám sát, chất vấn, phản biện về các vấn đề khó khăn, bức xúc của cử tri, kịp thời báo cáo Hội đồng  Nhân dân Thành phố để xử lý.

Việc thực hiện các nội dung sau giám sát ở một số nơi còn chậm chuyển biến; hoạt động tiếp xúc cử tri đôi lúc còn hình thức; công tác theo dõi, đôn đốc giải quyết các ý kiến góp ý, kiến nghị của cử tri có lúc chưa kịp thời, chưa thường xuyên. Từ đó một vài kiến nghị của cử tri trả lời mang tính chung chung, chưa cụ thể, thiết thực, chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân và cử tri.

Công tác khảo sát, giám sát các hoạt động thuộc lĩnh vực đô thị vẫn đang còn hạn chế sau khi thành phố Hồ Chí Minh không tổ chức Hội đồng Nhân dân phường theo Nghị quyết 131/2020/QH14 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.

Hoạt động tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân hiệu quả chưa cao, một số thành viên của các Ban của Hội đồng  Nhân dân Thành phố chưa dành nhiều thời gian tham gia các đoàn giám sát, khảo sát của Ban của Hội đồng Nhân dân Thành phố.

Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân thành phố Thủ Đức

Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân thành phố Thủ Đức trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể sau:

1.Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy đối với hoạt động của Hội đồng  Nhân dân Thành phố

Để Hội đồng  Nhân dân Thành phố ngày càng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội đồng Nhân dân trên cơ sở phát huy các bài học kinh nghiệm các nhiệm kỳ trước và đảm bảo các nguyên tắc sau: Thứ nhất, sự lãnh đạo của Thành ủy đối với Hội đồng  Nhân dân Thành phố là toàn diện, trực tiếp và liên tục; thông qua việc Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết, Đề án…. xác định đúng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá để Hội đồng  Nhân dân Thành phố tổ chức triển khai thực hiện. Các Nghị quyết của Đảng đối với Hội đồng Nhân dân nên là các định hướng lớn mang tính nguyên tắc.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân, nâng cao chất lượng giám sát và chế tài, xử lý vi phạm sau kết luận giám sát. Xây dựng quy chế phối hợp giữa Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị.

Thứ ba, đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hoạt động của Hội đồng  Nhân dân Thành phố. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời có ý kiến đối với hoạt động của Hội đồng  Nhân dân Thành phố, nhất là trong việc định hướng những vấn đề quan trọng, nhạy cảm của thành phố thuộc trách nhiệm, thẩm quyền quyết định của Hội đồng Nhân dân.

Thứ tư, đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng và bảo đảm tính thượng tôn pháp luật.

Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí của Hội đồng Nhân dân trong hệ thống chính trị: Chủ động tham mưu cho Thành ủy ban hành các chủ trương, nghị quyết về hoạt động của Hội đồng Nhân dân Thành phố; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Nhà nước về Hội đồng Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân thành phố; tôn trọng và phát huy đầy đủ vị trí, vai trò của Hội đồng  Nhân dân Thành phố là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; khắc phục triệt để những quan niệm, nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng về Hội đồng  Nhân dân Thành phố.

Lãnh đạo đối với hoạt động của Hội đồng Nhân dân: Chủ động tham mưu, xin ý kiến chỉ đạo, lãnh đạo của Thành ủy đối với hoạt động của Hội đồng  Nhân dân Thành phố, nhất là những vấn đề nhạy cảm, bức xúc ở địa phương thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Hội đồng  Nhân dân Thành phố; về nội dung kỳ họp và những vấn đề quan trọng dự kiến thảo luận, quyết định tại kỳ họp bảo đảm các chủ trương lớn của Đảng, của Thành uỷ phải được kịp thời thể chế hoá về mặt Nhà nước ở địa phương thông qua các nghị quyết tại kỳ họp của Hội đồng  Nhân dân Thành phố. Thực hiện báo cáo định kỳ hoạt động của Hội đồng  Nhân dân Thành phố, tổng hợp nguyện vọng, kiến nghị cử tri địa phương để xin ý kiến chỉ đạo của Thành ủy.

Tiếp tục quan tâm công tác quy hoạch, giới thiệu, bố trí cán bộ là đại biểu Hội đồng  Nhân dân Thành phố: Chủ động đề xuất và tham mưu cấp ủy trong công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đề cử, bổ nhiệm, luân chuyển đội ngũ cán bộ là đại biểu Hội đồng  Nhân dân Thành phố, nhất là đối với các đại biểu chuyên trách và đội ngũ cán bộ tham mưu giúp việc trực tiếp cho Hội đồng Nhân dân. Tham mưu Thành ủy giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng  Nhân dân Thành phố đảm bảo chất lượng, cơ cấu; đặc biệt quan tâm những người dự kiến bố trí làm đại biểu chuyên trách nếu trúng cử. Tăng cường số đại biểu chuyên trách có năng lực, dám nghĩ, dám làm, tâm huyết, trách nhiệm với công việc để tham gia vào các Ban của Hội đồng  Nhân dân Thành phố.

Sau khi kiện toàn tổ chức bộ máy của Thường trực và các Ban của Hội đồng  Nhân dân Thành phố, từ 03 đại biểu hoạt động chuyên trách được tăng lên 08 đại biểu sẽ giúp nâng cao được cả về số lượng và mở rộng phạm vi giám sát của Thường trực, các Ban và các tổ đại biểu của Hội đồng Nhân dân, góp phần nâng cao vai trò, vị thế, hiệu lực và hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng  Nhân dân Thành phố.

Đặc biệt, sẽ tăng cường chuyên sâu công tác giám sát về lĩnh vực đô thị nhằm kiểm tra, giám sát, chất vấn, phản biện về các vấn đề khó khăn, bức xúc của cử tri, kịp thời báo cáo Hội đồng  Nhân dân Thành phố để xử lý.

Việc không tổ chức Hội đồng Nhân dân ở cấp phường cần song song đẩy mạnh cơ chế giám sát đối với hoạt động của cơ quan chính quyền Thành phố và địa phương, phát huy vai trò và nâng cao chất lượng giám sát, phản biện của Ủy ban.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội để hoạt động của hệ thống chínhquyền được thông suốt, bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội gắn với quốc phòng, an ninh của địa phương.

Cần sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát của xã hội đối với tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nói chung và chính quyền đô thị nói riêng, góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận đối với hoạt động của Ủy ban Nhân dân, phối hợp trong việc giải quyết các vấn đề ở địa phương, thay thế chức năng giám sát do không tổ chức Hội đồng Nhân dân ở cấp cơ sở./.

 

PV