Hội nghị ngày 29/7. Ảnh: QUANG PHÚC
Hội nghị do các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì; với sự tham dự của lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các lãnh đạo UBND TP, lãnh đạo các sở ban ngành của TP.
Các đại biểu đã góp ý cho 3 đề án của TP Hồ Chí Minh là đề án “Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030”, đề án về tổ chức lại HĐND, đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh.
Về Đề án “Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030”, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá các đề án được nghiên cứu sâu, tính thuyết phục khá cao. Theo ông Thanh, Ủy ban Kinh tế ủng hộ việc đưa tiền vào những vùng có động lực để tiền sinh sôi, nảy nở, tạo đà tăng trưởng. “Tăng để đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, đó là quan điểm cần được ủng hộ”, ông Vũ Hồng Thanh nói.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, việc tỷ lệ đưa ra 23% hay bao nhiêu sẽ cần thêm ý kiến của các bộ ngành, nhất là Bộ Tài chính. Tỷ lệ điều tiết này cũng cần bảo đảm hài hòa với những nơi khác, vùng khác, không làm mất động lực của các địa phương, vùng khác, vì hiện mới có 16 tỉnh thành phố tự cân đối được ngân sách.
Cùng với việc đặt vấn đề tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách, các đại biểu cho rằng, TP Hồ Chí Minh cũng cần tính toán tới các nguồn lực khác, có thêm các mô hình, động lực để phát triển.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thông tin, tháng 10, Ban Kinh tế Trung ương cũng trình Bộ Chính trị Nghị quyết về đổi mới cơ chế ngân sách nhằm bảo đảm ngân sách Trung ương nhưng cũng bảo đảm nguồn lực cho các địa phương phát triển. “Nên chăng TP Hồ Chí Minh tham gia xây dựng đề án này để bảo đảm nguồn lực cho TP. Nên lồng ghép đề án của TP vào đề án của Ban Kinh tế Trung ương, như vậy thì sẽ không phải sửa luật”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu ý kiến.
Về đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại TP Hồ Chí Minh, TP kiến nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ xem xét thông qua đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại TP Hồ Chí Minh từ 1/7/2021. TP đề xuất không làm thí điểm (như Hà Nội, Đà Nẵng) mà làm theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 mới thông qua.
Góp ý về đề án này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề nếu bỏ hết HĐND quận, phường thì sẽ dồn lên HĐND TP cũng như vai trò giám sát, kiểm tra của thanh tra, MTTQ. Vậy lúc đó bộ máy HĐND TP như thế nào cả về cơ cấu, số lượng, chất lượng hoạt động? Làm thế nào để tránh chồng chéo trong kiểm tra, giám sát? Cần làm rõ cơ chế phối hợp thanh kiểm tra khi bỏ HĐND quận, phường.
Ông Thanh cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần nghiên cứu để đưa ra được mô hình phù hợp nhất cho mình.
Một số đại biểu cho rằng, TP nên cân nhắc chỉ bỏ HĐND quận, giữ HĐND phường.
Về đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh trên cơ sở sắp xếp quận 2, 9, Thủ Đức, các ý kiến cơ bản đồng tình ủng hộ.
Các đại biểu cho rằng, sắp xếp sẽ tạo ra cú hích cho phát triển của TP và cả nước. Do đó, TP cần chỉ rõ các đột phá, quy hoạch bài bản, đồng bộ để thu hút đầu tư.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cảm ơn các đóng góp của các đại biểu và TP sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh 3 đề án cho phù hợp. Đặc biệt, đối với đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định TP sẽ tăng đóng góp cho Trung ương.
“TP Hồ Chí Minh đã tính toán, nếu tăng tỷ lệ điều tiết lên 23% thì ngân sách Trung ương cũng không bị giảm, mà còn tăng ngân sách nộp về Trung ương như đã tính toán”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh./..