Người dân xếp hàng dài chờ được vào siêu thị để mua đồ.

 

Từ 8h sáng ngày 7/7, Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức dừng hoạt động tập kết hàng trực tiếp cho đến khi đủ điều kiện an toàn phòng dịch. Trước đó ngày 6/7 Chợ đầu mối Bình Điền, Quận 8 cũng đã tạm ngừng hoạt động do xuất hiện các ca bệnh dương tính. Đến nay cả 3 chợ đầu mối lớn tại TP Hồ Chí Minh cung cấp 60-70% lượng hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân đã phải đóng cửa do dịch bệnh COVID-19.

Ngoài ra hiện tại trên địa bàn TP đã có gần 110 chợ và khoảng 60 siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải đóng cửa vì liên quan đến các ca lây nhiễm COVID-19.

Mặc dù Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã kịp thời thông tin, tuyên truyền để người dân yên tâm, và đảm bảo nguồn hàng cũng như các điểm cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu; khuyến cáo người dân không tụ tập đông người mua sắm tích trữ hàng hóa, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, tại các siêu thị cửa hàng thực phẩm tổng hợp trên địa bàn TP trong ngày 7/7 lượng khách đến mua sắm trực tiếp tăng cao, nhiều mặt hàng hết từ sáng; nhiều cửa hàng online cũng chia sẻ quá tải đơn hàng. Nhiều người mệt mỏi vì phải chạy nhiều siêu thị mới mua đủ đồ ăn cần thiết cho gia đình.

Chị Phạm Thị Thiện ở phường Tân Định, Quận 1, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Các chợ lớn đã đóng cửa vì dịch, hiện chị chọn hình thức đặt hàng online và trực tiếp ra các hệ thống siêu thị để mua đồ. Tuy nhiên hiện nay tình trạng nguồn hàng tại một số siêu thị nhỏ và vừa rất ít, nên chị buộc phải đến siêu thị mua trực tiếp. Tuy nhiên mới có 9h sáng ngày 7/7, chị ra một số siêu thị như Vinmark, Điện máy xanh gần nhà để mua một số sản phẩm tươi sống như thịt lợn, gà, bò đã không còn.

“Sáng đi mấy siêu thị gần nhà nhưng nhìn nhiều người xếp hàng để thanh toán nên tôi nghĩ để trưa sẽ đi mua, tránh tập trung đông người. Dù siêu thị giờ đó không đông người, nhưng các mặt hàng thiết yếu như rau, củ, quả cần thiết đều đã hết tại siêu thị Bách Hóa Xanh trên đường Tạ Quang Bửu, Phường 5, Quận 8. Tôi chạy ra đường Phạm Hùng, Quận 8, tại đây có 2 siêu thị Bách Hóa Xanh nữa và 1 cửa hàng thực phẩm San Hà. Nhưng cửa hàng nào cũng trong tình trạng phải xếp hàng và đợi bên ngoài, khi nào có người bên trong bước ra thì người ngoài mới được vào tiếp. Thậm chí khi vào được siêu thị thì các mặt hàng tươi sống như thịt, cá, rau xanh đều không còn. Chỉ còn trái cây và một số loại mặt hàng khô như miến, mỳ gói, sữa”. Chị Nguyễn Thanh Hằng ở Quận 8 chia sẻ.

Mặc dù TP nói đảm bảo nguồn hàng phục vụ người dân nhưng việc chợ đóng cửa đã tạo sức ép lớn cho hệ thống các siêu thị trên địa bàn và chính người dân cũng cảm thấy mệt mỏi khi phải xếp hàng chờ thanh toán tiền.

Trong trưa ngày 7/7 nhiều kệ hàng ray, củ quả tại Siêu thị Điện Máy Xanh đã trống trơn

“Thường tôi sẽ đi chợ theo ngày, nhưng do tình hình dịch bệnh phức tạp nên từ ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp tôi đã phải đi chợ cả tuần, thậm chí là 10 ngày. Trước khi có thông báo chính thức từ cách đây vài ngày khi nghe đồn TP sẽ thực hiện giãn cách tôi đã đi chợ và siêu thị mua đồ tích trữ đủ 15 ngày thực hiện cách ly”. Bà Cao Thị Phương ở Phường Võ Thị Sáu, Quận 3 vừa xếp hàng chờ thanh toán tiền tại Siêu thị CO.OP Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ.

Nhiều người để phòng dịch bệnh cho bản thân và gia đình đã chủ động lựa chọn cách mua hàng trực tuyến của các hệ thống siêu thị. Thế nhưng từ khoảng một tuần nay, nhiều cửa hàng bán online nhiều mặt hàng thiết yếu đều đề dòng thông tin đã hết hàng. Thậm chí một số cửa hàng đăng ký với các app đã không còn hoạt động trên hệ thống.

Chị Nguyễn Thu Trang, 31 tuổi, trú Phường 7, Quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Canh mua thực phẩm mà như “săn sale” (săn những giờ giảm giá trên sàn thương mại điện tử), chỉ mong dịch bệnh COVID-19 sớm được dập tắt, để TP Hồ Chí Minh trở về những ngày bình thường…/.

 

 

Bài, ảnh: Tường Vy