Sáng 5/5, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm về giải pháp hạn chế tranh chấp lao động tập thể và cá nhân tại cơ sở.

Báo cáo tại Tọa đàm, đại diện Liên đoàn Lao động Thành phố cho biết, trong năm 2021, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 7 vụ tranh chấp lao động ngừng việc tập thể (giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm trước) với tổng số người tham gia là 3.696 người, trong đó có 3 vụ tranh chấp lao động xảy ra tại các doanh nghiệp trong nước và 4 vụ xảy ra tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

leftcenterrightdel
Đại biểu chia sẻ tại Tọa đàm.

Về nguyên nhân, hầu hết là do quyền và lợi ích của người lao động chưa được đảm bảo như: vấn đề thanh toán tiền lương còn nợ không đúng thời gian quy định, không thực hiện đúng thỏa ước lao động tập thể về lương thưởng cuối năm…   

Tại buổi tọa đàm, đại diện liên đoàn lao động các quận, huyện, công đoàn cơ sở đã có những chia sẻ về thực tiễn tại đơn vị, địa phương mình đồng thời kiến nghị các giải pháp nhằm hạn chế tranh chấp lao động tập thể và cá nhân tại cơ sở trong thời gian tới.

Trong đó, các đại biểu cho rằng cần tập trung tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền pháp luật nói chung cũng như các quy định liên quan tới vấn đề lao động, việc làm cho cả người sử dụng lao động và người lao động để họ hiểu, nắm chắc các quy định, cùng chia sẻ trên tinh thần đối thoại.

Đại diện Hội Luật gia Quận Tân Phú nhấn mạnh, việc tuyên truyền và tư vấn pháp luật được sử dụng trong việc giải quyết tranh chấp lao động nhằm định hướng hành vi ứng xử của tập thể người lao động và cả người sử dụng lao động theo khuôn khổ pháp luật và quy tắc đạo đức, góp phần hòa giải, giải quyết mâu thuẫn, xung đột liên quan tới quyền, lợi ích, để đi đến chấm dứt sự tranh chấp do việc hiểu pháp luật không đúng hoặc không đầy đủ.

Cùng với đó, các đại biểu đều cho rằng, vai trò của công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp được đánh giá là vô cùng quan trọng trong việc nắm tình hình, giám sát, cũng như là cầu nối để người lao động và người sử dụng lao động có thể đối thoại, thương lượng, và giải quyết các tranh chấp một cách kịp thời.

Chia sẻ vấn đề này, đại diện Liên đoàn Lao động huyện Bình Chánh cho rằng, cán bộ công đoàn cần nhận thức việc tham gia hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là một trong những nội dung, việc làm thể hiện rõ nét vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn, qua đó trực tiếp đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần khẳng định uy tín, vị thế của tổ chức công đoàn với người lao động. Cán bộ công đoàn thường xuyên nghiên cứu nắm vững các quy định của pháp luật và trau dồi kỹ năng giải quyết các vụ tranh chấp lao động cá nhân, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.    

Ngoài ra các ý kiến cũng nhấn mạnh cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật tại các doanh nghiệp của cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan liên quan để nhanh chóng phát hiện vi phạm, từ đó có biện pháp xử lý phù hợp.

leftcenterrightdel
Đồng chí Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho rằng có những bức xúc xảy ra song không kịp thời giải quyết, không chịu chia sẻ với nhau để đi tới thống nhất, cân bằng về quyền và lợi ích cũng sẽ là yếu tố tiềm ẩn để xảy ra tranh chấp…

Phát biểu tai Tọa đàm, đồng chí Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho rằng, có nhiều yếu tố tiềm ẩn dẫn tới xảy ra các vụ tranh chấp lao động tại cơ sở.  Trong đó, đồng chí cho rằng, người sử dụng lao động và người lao động có lúc còn chưa nắm rõ quy định của pháp luật để áp dụng, thậm chí nắm rõ nhưng lại cố tình vi phạm. Đặc biệt, trong thực tế, vấn đề tiền lương, thưởng, các phúc lợi khác nếu chưa được cân bằng cũng sẽ tiềm ẩn tranh chấp. Có những bức xúc xảy ra song không kịp thời giải quyết, không chịu chia sẻ với nhau để đi tới thống nhất, cân bằng về quyền và lợi ích cũng sẽ là yếu tố tiềm ẩn để xảy ra tranh chấp…

Để phòng ngừa các tranh chấp có thể xảy ra, đồng chí Phạm Chí Tâm thống nhất với các giải pháp mà các đại biểu đã chia sẻ tại buổi Tọa đàm. Đồng chí cho rằng, để tăng cường công tác tuyên tuyền pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động thì ở đây vai trò của các cấp công đoàn cần phải được chú trọng hơn nữa. Bên cạnh đó, công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người lao động tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện đổi mới nội dung, nâng chất hoạt động.

Các cấp công đoàn cần chú trọng công tác nắm thông tin, dự báo tình hình, diễn biến tranh chấp lao động đồng thời chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết tranh chấp lao động phát sinh; có biện pháp giải quyết các vấn đề về tiền lương, chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật cho người lao động.

Công tác công đoàn tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách liên quan tới quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Chủ động phối hợp cùng các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật an toàn vệ sinh lao động..tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phối hợp với ngành lao động-thương binh và xã hội thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các doanh nghiệp trong thực thi các chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động, kiến nghị xử lý và đề nghị xử phạt các vi phạm./..





V.Lê