GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai (áo dài đỏ) được trao tặng Giải thưởng Kovalevskaia. Ảnh: PTNK

(Ảnh: Đoàn Châu)

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai chia sẻ: “Thật sự khi nhận tin được xét tặng giải thưởng Kovalevskaia, tôi rất xúc động vì những gì mình cố gắng trong đào tạo và nghiên cứu khoa học trong thời gian qua đã được Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam năm 2021 công nhận. Ban đầu tôi cũng không tự tin nộp hồ sơ lắm vì đây là giải thưởng cao quý dành cho các nhà khoa học nữ, nhưng nhờ sự động viên của các đồng nghiệp nên đến giờ cuối tôi mới quyết định làm hồ sơ. Đây là động lực rất lớn để tôi tiếp tục cho sự nghiệp giáo dục và làm khoa học của mình”.

Cơ duyên trở thành một nhà khoa học

Vào năm 1992 khi chọn trường thi đại học, nữ sinh Thanh Mai hồi ấy vẫn chưa nghĩ rằng sau này mình sẽ trở thành một giảng viên, một nhà khoa học như bây giờ. Bà mong muốn giản dị rằng sau này mình sẽ làm việc trong lĩnh vực chế biến thực phẩm nên đã thi vào ngành Hóa học của Trường ĐH Tổng Hợp, nay là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM.

Trong quá trình học tập, GS Thanh Mai càng yêu thích lĩnh vực hóa học, nhất là chuyên ngành Hóa phân tích nên đã đi sâu nghiên cứu. Đến nay bà đã phát hiện hàng trăm hợp chất có cấu trúc mới với các tác dụng sinh học khác nhau từ dược liệu; đã chủ trì và hoàn thành 14 đề tài NCKH các cấp: 10 đề tài cấp Bộ (7 đề tài cấp ĐHQG-HCM và 3 đề tài Nafosted), 4 đề tài cấp Tỉnh; công bố 135 bài báo khoa học, trong đó có 75 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế và 66 bài báo quốc gia. Đồng thời, bà cũng đã xuất bản các sách chuyên khảo, giáo trình, có 2 sáng chế được Cục sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký và là trưởng nhóm Nghiên cứu mạnh thuộc Chương trình nghiên cứu Hóa Dược của ĐHQG-HCM năm 2020.

Là người say mê tìm kiếm, nghiên cứu các dược liệu, Giáo sư Thanh Mai đã phối hợp với ĐH Toyama, Nhật Bản nghiên cứu tìm kiếm các dược liệu và hoạt chất có tác dụng gây độc tế bào ung thư tụy trong môi trường thiếu dưỡng chất. Từ chương trình, nhóm nghiên cứu của bà đã phát hiện nhiều hoạt chất có cấu trúc mới, trên thế giới chưa từng có. Đặc biệt hoạt chất từ củ Ngải bún, trồng ở An Giang có tác dụng gây độc tế bào ung thư tụy rất mạnh. “Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã phát hiện 21 hợp chất mới và 36 hoạt chất có tác dụng chống ung thư tụy mạnh. Từ đó, chúng tôi đã nghiên cứu chiết xuất và điều chế thành công sản phẩm nano có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư đường tiêu hóa” - GS Thanh Mai say sưa nói.

Ngoài ra, nữ khoa học này còn nghiên cứu về các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh viêm khớp. Nhóm nghiên cứu của bà đã điều chế ra sản phẩm nano từ cây Cà gai leo có tác dụng chống viêm khớp, giảm đau; nghiên cứu về công nghệ chiết xuất nọc ong mật và đánh giá tác dụng chống viêm khớp trên động vật thực nghiệm.

Kết quả nghiên cứu của GS Thanh Mai và nhóm đã cung cấp những minh chứng khoa học trong việc sử dụng dược liệu điều trị bệnh. Bà cho biết: “Các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe đang trong quá trình nghiên cứu để thương mại hóa cũng như tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu để phát triển ra thuốc điều trị bệnh”. Đây cũng là điều GS Mai mong muốn nhất sau những công trình nghiên cứu cơ bản của mình.

Vừa nghiên cứu khoa học vừa đảm nhận công tác quản lý

Ngoài nghiên cứu khoa học, GS Thanh Mai còn đảm nhận công tác quản lý, từ tháng 1/2022, nữ Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng Khiếu. Bà cho biết, nhiệm vụ mới khiến bà rất bận rộn vì phải làm quen với nhiều công tác mới, nhưng nhờ trong suốt 15 năm qua, bà đã xây dựng được nhóm nghiên cứu chuyên nghiệp nên dù bận rộn, GS Mai vẫn dành thời gian theo dõi các hoạt động nghiên cứu, đồng thời tận dụng tối đa các kênh liên hệ trực tuyến để thảo luận các vấn đề phát sinh trong nghiên cứu của nhóm. Do vậy, nhóm nghiên cứu của bà vẫn luôn hoàn thành các kế hoạch nghiên cứu đã đề ra.

Để có thể cân bằng được nhiều nhiệm vụ cùng lúc, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng Khiếu chia sẻ: “Thật sự làm lĩnh vực nào cũng đòi hỏi sự chuyên tâm, sâu sát và làm hết trách nhiệm của mình. Với sự thay đổi và phát triển nhanh chóng hiện nay của xã hội, đòi hỏi cả 2 công việc: nghiên cứu và quản lý cũng phải thay đổi và phát triển. Tuy nhiên, đối với tôi, công tác NCKH là chuyên môn được đào tạo bài bản trong nhiều năm, trong khi công tác quản lý lại khá rộng, phải vừa làm vừa học, vừa tích lũy kinh nghiệm và mất nhiều thời gian hơn. Tôi may mắn là có những đồng nghiệp luôn đồng lòng, chung tay để có thể cân bằng cả 2 công việc và đạt hiệu quả cao”.

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai (48 tuổi, quê Quảng Ngãi), tốt nghiệp ngành hóa học Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM (nay là Trường ĐH KHTN ĐHQG-HCM). Là nữ khoa học thứ 2 của Khoa Hóa học đạt giải thưởng Kovalevskaia

Sau đó, bà lấy bằng tiến sĩ Dược học tại Trường ĐH Y Dược Toyama (Nhật Bản). Bà được công nhận phó giáo sư năm 2014 và sau đó là giáo sư vào năm 2020.

GS Thanh Mai là nữ khoa học thứ 2 của Khoa Hóa học, Trường ĐH KHTN ĐHQG-HCM đạt giải thưởng Kovalevskaia. Trước đó, năm 2016, GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng cũng đã vinh dự được trao giải thưởng này./..

Đoàn Châu