Đồng chí Phan Văn Mãi trao quà chúc mừng tại ngày hội.

 

Đó là phát biểu của đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023 ấp Bình Thuận, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ.

“TP mong muốn Cần Giờ sẽ đi đầu trong việc phát triển xanh”

Phát biểu chúc mừng tại ngày hội, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi bày tỏ, rất vui được về dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Bình Thuận với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, đờn ca tài tử… đồng thời, mong ấp Bình Thuận và các địa phương khác trên địa bàn cố gắng duy trì các hoạt động này, để mỗi khi gặp lại nhau người dân được ăn mặc đẹp, vui vẻ, văn hóa văn nghệ tiếp tục phát triển để đời sống văn hóa làng xã được sôi động, gắn kết và có ý nghĩa.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, trong năm qua, nhân dân trong ấp đã có cố gắng, sau Covid-19 đã nỗ lực phục hồi và người dân trong ấp đã đoàn kết cùng nhau vượt qua, phục hồi với nhiều kết quả đạt được. Cụ thể, có 18/18 đường hẻm được bê tông hóa; 100% hộ đã sử dụng điện và nước sạch; 99% hộ có nhà kiên cố… Bên cạnh đó, ấp đã vận động nhân dân tham gia các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; vận động đóng góp các nguồn quỹ…

Trong thời gian tới, đồng chí Phan Văn Mãi mong muốn nhân dân trong ấp Bình Thuận tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, quan tâm các phong trào văn hóa; an ninh trật tự trên địa bàn…

Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy những thành tích đạt được trong bối cảnh mới, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết số 12-NQ/TU của Thành ủy TP Hồ Chí Minh về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030, kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã và ấp, khu phố.

Đối với việc sắp xếp ấp, khu phố, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TP đã yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông TP xây dựng nền tảng giúp ban điều hành ấp, khu phố có công cụ quản lý, tương tác với người dân. Dự kiến nền tảng này sẽ hoàn thành trong năm 2023 và bắt đầu thí điểm vào đầu năm 2024.

Chia sẻ với người dân ấp Bình Thuận, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TP đang có kế hoạch xây dựng Cần Giờ xanh. “TP mong muốn Cần Giờ sẽ đi đầu trong việc phát triển xanh” - đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh và khẳng định, TP sẽ cùng huyện thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Thành ủy TP Hồ Chí Minh về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030, phát triển Cần Giờ xanh nhằm cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, tiếp tục giữ gìn Cần Giờ là lá phổi, là địa phương xanh, tiêu biểu của TP và cả nước. Đặc biệt, tập trung có giải pháp chăm lo hộ chính sách, giảm nghèo bền vững.

Trao đổi với các ý kiến của nhân dân tại ngày hội về việc tăng thêm phà cho bến phà Bình Khánh, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TP sẽ xem xét đóng mới hai phà; đồng thời, đề nghị Công ty quản lý phà Bình Khánh phối hợp huyện Cần Giờ và Nhà Bè để đảm bảo an ninh trật tự vào những thời gian cao điểm.

Về các kiến nghị xây dựng cầu Cần Giờ, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TP đã chỉ đạo ngành giao thông TP nghiên cứu và kỳ họp HĐND đầu tháng 12/2023, UBND TP sẽ trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ, với việc nghiên cứu xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP) với quy mô khoảng 9.000 tỷ đồng. Đồng thời, TP sẽ tập trung chỉ đạo, hoàn thiện các thủ tục và cố gắng khởi công cầu Cần Giờ trước hoặc sau dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam 30/4/2025.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Ngô Thanh Sơn trao quà cho các hộ dân.

Tích cực nâng cao đời sống của nhân dân

Báo cáo tại ngày hội, Trưởng Ban Nhân dân ấp Đoàn Hoàng Sơn cho biết, năm 2023, nhân dân trong ấp đã đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng. Cụ thể đã vận động của người giàu, người khá, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi để chăm lo lại cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo.

Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức dạy nghề làm bánh kem; nuôi tôm cho 30 người; vận động 25 người để được tư vấn hỗ trợ việc làm; tuyên truyền, phổ biến về ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, hợp tác và phát triển ngành nghề truyền thống, hợp tác và liên kết phát triển kinh tế như nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, kết hợp 1 vụ lúa 1 vụ nuôi tôm theo mô hình Việt GAP đúng quy trình, kỹ thuật trên 80% hộ nuôi tôm trên địa bàn ấp được tập huấn.

Ngoài ra, vận động 105 hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ, 9 hộ sản xuất nuôi tôm, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, dạy nghề còn giới thiệu việc làm cho người trong độ tuổi lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đóng tàu, sửa chữa ôtô, xe gắn máy, nghề xây dựng, nuôi trồng, thủy sản, bảo vệ, phụ việc các cơ sở tư nhân...; giới thiệu vay các nguồn vốn như: vốn chương trình CEP, các nguồn vốn ngân hàng chính sách như: giải quyết việc làm, vốn sinh viên, vốn hộ nghèo, nước sạch… với trên 6 tỷ đồng. Hiện toàn ấp còn 96 hộ nghèo, mức thu nhập từ 28 triệu đồng đến 36 triệu đồng/người/năm; 30 hộ cận nghèo có mức thu nhập từ trên 36 đến 46 triệu đồng/người/năm.

Trong năm qua, Ban vận động quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm trong nước sản xuất đạt chất lượng, giá cả vừa mức thu nhập người tiêu dùng phục vụ đời sống của nhân dân; an ninh chính trị được giữ vững, môi trường văn hóa có nhiều tiến bộ, tình hình vệ sinh môi trường được cải thiện, tạo bộ mặt nông thôn ngày càng thêm khởi sắc.

Tại ngày hội, nhân dân trong ấp đã hưởng ứng thực hiện Mô hình “Bếp ăn tình thương ấp Bình Thuận”, hàng tháng vận động mạnh thương quân hỗ trợ và phát từ 200 - 300 suất cơm chay hỗ trợ người nghèo trên địa bàn ấp; Công trình tổng vệ sinh tuyến đường Rừng sác, từ phà Bình Khánh đến cầu vượt, 8 đợt với 250 lượt người tham gia, ước tính khoảng 20 triệu đồng; hơn 90% hộ dân thực hiện đóng phí thu gom rác và cam kết bỏ rác đúng nơi quy định…

 Tại ngày hội, TP và huyện tặng 20 suất quà cho hộ nghèo trên địa bàn ấp. Mỗi suất 1 triệu đồng, gồm quà và tiền mặt. Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Khánh trao biểu dương gương “Người tốt việc tốt” và học sinh, gương hiếu học năm 2023./..

Bài, ảnh: Long Hồ