Cảng biển là ngành kinh tế cần được TP Hồ Chí Minh khai thác. (Ảnh: K.V)
Được biết, Chính phủ đã sớm có chủ trương di dời hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn ra khỏi nội thành. Điều này đòi hỏi phải xây dựng cho được một hệ thống cảng biển mới hiện đại hơn, phục vụ cho việc phát triển kinh tế. Với chủ trương đó, TP Hồ Chí Minh đã quyết định phát triển cảng biển ở Hiệp Phước, nơi tập trung 4 cảng lớn của Việt Nam nằm dọc theo sông Soài Rạp gồm Cảng container quốc tế SPTC, Cảng Sài Gòn Hiệp Phước, Tân Cảng Hiệp Phước, Cảng quốc tế Long An.
Tuy nhiên thời gian qua, Cảng biển khu vực Hiệp Phước gặp khó vì luồng Soài Rạp bồi lắng, nhiều doanh nghiệp cảng biển tại khu vực Hiệp Phước gặp khó khăn trong việc tiếp nhận tàu do luồng Soài Rạp chưa đạt độ sâu chuẩn tắc.
Đại diện Cảng SPCT cho biết, thực hiện công tác di dời các cảng biển nội thành ra khu vực Hiệp Phước, từ năm 2014, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nạo vét luồng hàng hải Soài Rạp để phục vụ hoạt động khai thác của các cảng với độ sâu -9,5m (tại thời điểm tháng 5/2014). Với độ sâu này, chỉ trong 6 tháng cuối năm 2014, SPCT đã tận dụng lợi thế luồng lạch, ký kết hợp đồng với hãng tàu, khai thác sản lượng hàng hóa thông qua đạt mức cao nhất trong lịch sử hoạt động với 590.000 TEUs trên tổng công suất thiết kế là 950.000 TEUs.
Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, luồng Soài Rạp mới được duy tu nạo vét hai lần. Trong đó, lần 1 (năm 2017) nạo vét một số điểm cạn chỉ còn 5,7 - 5,8m và nạo vét lần 2 toàn tuyến (cuối năm 2019, đầu năm 2020) nhưng độ sâu cũng chỉ đạt đến -9m. Chính vì vậy, hạn chế về luồng lạch là nguyên nhân chính khiến các cảng khu vực Hiệp Phước nói chung, SPTC nói riêng không thể tiếp nhận tàu container theo dự kiến (50.000 tấn đầy tải, 70.000 tấn giảm tải) để phát huy hiệu quả của hạ tầng đã đầu tư.
Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết thêm, sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo về việc kết thúc thí điểm thu, sử dụng phí bảo đảm hàng hải để duy tu luồng hàng hải Soài Rạp, công tác nạo vét tuyến luồng này sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 159/2018 của Chính phủ về về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.
Cụ thể, công tác nạo vét luồng sẽ được lập kế hoạch bảo trì theo từng năm giống như các luồng hàng hải khác, sau khi được chuyển giao về Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam đã làm văn bản gửi đơn vị bảo đảm hàng hải và cảng vụ liên quan đề xuất chuẩn tắc nạo vét phù hợp. Ngoài ra, Cục Hàng hải cũng dự tính xin bổ sung luồng Soài Rạp vào danh mục bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải năm 2021.
Theo đánh giá của Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh, cơ chế thí điểm đã giúp thành phố tiếp nhận nguồn thu phí đảm bảo hàng hải luồng Soài Rạp và chủ động bố trí ngân sách bổ sung để thực hiện việc duy tu, nạo vét luồng Soài Rạp nhằm duy trì cao độ đáy luồng -9m, đảm bảo cho tàu 30.000 DWT đầy tải và 50.000 DWT giảm tải hành hải an toàn.
Đại diện Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh cho biết, theo thông báo mới nhất của đơn vị bảo đảm an toàn hàng hải khu vực, hiện độ sâu luồng Soài Rạp chỉ còn -7,5m. Liên quan đến bật cập trên, theo đại diện Phòng quản lý kết cấu hạ tầng hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam), công tác nạo vét duy tu luồng Soài Rạp trước đây được Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh thực hiện theo cơ chế thí điểm. Sau khi việc thí điểm kết thúc vào năm 2021, trên cơ sở báo cáo của các cơ quan liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao lại cho Bộ Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện việc duy tu luồng.
Theo lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, nhận thấy sự cần thiết của tuyến luồng trong hoạt động khai thác cảng khu vực, Cục Hàng hải Việt Nam khẩn trương báo cáo Bộ Giao thông vận tải bổ sung việc nạo vét tuyến luồng này vào kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải năm 2021 để thực hiện ngay công tác chuẩn bị đầu tư. Trên cơ sở đó, công trình duy tu nạo vét luồng Soài Rạp có thể khởi công nạo vét trong năm 2022.
Liên quan đến quy hoạch cảng biển tại TP Hồ Chí Minh, theo quy hoạch, cảng TP Hồ Chí Minh sẽ là cảng loại 1 với luồng tàu biển chính là Soài Rạp. Sông Soài Rạp có lưu vực rộng, trước đây do có vài điểm cạn nên không được chọn làm luồng cho tàu biển vào sông Sài Gòn. Nằm trong trục kết nối siêu dự án đô thị cảng Quốc tế Hiệp Phước, Cần Giuộc sẽ là khu vực đầu tiên hưởng lợi nhờ tiếp giáp bằng dấu gạch nối là con sông Soài Rạp
Từ giữa năm 2016, Tân Cảng Hiệp Phước chính thức đón tàu Dignity có tải trọng container lớn nhất (54.255 tấn), đánh dấu cột mốc phát triển quan trọng của toàn hệ thống cảng biển TP Hồ Chí Minh. Đến nay, Thành phố đã hoàn thành nhiều quy hoạch quan trọng để trở thành đầu mối chuyển tiếp xuất nhập khẩu cho cả Đồng bằng sông Cửu Long với các tàu trọng tải hạng 50.000 tấn, tàu container sức chở 156.000m³.
Song hành với các cảng, TP Hồ Chí Minh cũng đang khẩn trương xây dựng Khu đô thị cảng Hiệp Phước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và đưa TP Hồ Chí Minh “Tiến ra biển Ðông”. Được kỳ vọng sẽ là đặc khu cảng biển thuộc top lớn nhất Đông Nam Á, siêu dự án này có quy mô đến 3.900ha bao gồm hệ thống cảng - khu công nghiệp - khu đô thị. Trong đó, khu đô thị chiếm gần 1/3 diện tích, đáp ứng nhu cầu sinh sống của 250.000 chuyên gia, người lao động.
Siêu dự án này không chỉ có ý nghĩa quan trọng với TP Hồ Chí Minh mà còn tạo ra hấp lực cho đô thị vệ tinh là Cần Giuộc. Cần Giuộc sẽ đóng vai trò đầu mối giao thương quan trọng, là trung tâm phát triển kinh tế xã hội của khu vực và thu hút tập trung dân cư hình thành nên khu đô thị sầm uất./..