BV Nhi Đồng Thành phố, BV Truyền máu Huyết học, BV Ung Bướu cơ sở 2,… là những nhân tố mới khởi động cho lộ trình phát triển các cụm y tế chuyên sâu tại Tân Kiên, Bình Chánh và Thành phố Thủ Đức.
Một trong những mục tiêu quan trọng của công tác quản lý hệ thống y tế trên địa bàn Thành phố là không ngừng nâng cao năng lực của hệ thống y tế đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả và công bằng trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Trước tình hình quy mô dân số ngày càng tăng, trách nhiệm của Thành phố đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh, thành trong khu vực, trong đó có trách nhiệm của hệ thống y tế thành phố đối với các tỉnh, thành lân cận, việc đẩy mạnh đầu tư và phát triển hệ thống y tế thành phố theo các cụm là giải pháp quan trọng không chỉ để nâng cao năng lực cho hệ thống y tế trên địa bàn Thành phố mà còn giúp phát huy tối đa nguồn lực để phát triển y tế vùng.
Theo thống kê, Hệ thống y tế của Thành phố bao gồm 129 bệnh viện (12 bệnh viện Bộ Ngành, 32 bệnh viện Thành phố, 19 bệnh viện Quận/Huyện và 66 bệnh viện tư nhân), 22 Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức (trong đó có 04 trung tâm y tế có giường bệnh nội trú), 310 Trạm y tế xã, phường, thị trấn, hơn 8000 phòng khám tư nhân cùng với mạng lưới cấp cứu ngoại viện gồm Trung tâm cấp cứu 115 và 39 trạm cấp cứu vệ tinh. Trong đó, 22 bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật, 45 bệnh viện được Bộ Y tế công nhận là cơ sở đào tạo liên tục.
Bên cạnh các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, trên địa bàn Thành phố còn có các bệnh viện trực thuộc Bộ, ngành như Bệnh viện Quân Y 175, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện 30 tháng 4… là những bệnh viện phát triển y tế chuyên sâu hàng đầu của Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam.
Hệ thống y tế tư nhân của Thành phố cũng ngày càng lớn mạnh, tạo thuận lợi cho người dân có thêm nhiều lựa chọn về dịch vụ chăm sóc sức khỏe, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế công lập và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Hiện nay, Thành phố có 66 bệnh viện tư nhân trên tổng số 335 bệnh viện tư nhân trên toàn quốc (chiếm tỷ lệ gần 20% số), và chiếm khoảng 10% tổng số giường bệnh toàn Thành phố. Trong đó, nhiều bệnh viện đã triển khai thành công kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh, đạt được các chuẩn quốc tế về chất lượng bệnh viện và có khả năng tiếp nhận bệnh nhân là người nước ngoài có nhu cầu chữa trị và chăm sóc sức khỏe như Bệnh viện đa khoa Xuyên Á, Bệnh viện FV, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh…
Đồng thời, Thành phố hiện có 08 trường Đại học đào tạo nhân lực y tế (Đại học Y dược TP.HCM, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Khoa Y Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Văn Lang, Đại học Công nghệ TP.HCM, Đại học Tôn Đức Thắng), 20 trường dạy nghề đào tạo điều dưỡng, kỹ thuật viên… Đây là điều kiện thuận lợi để Thành phố xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao.
Ngày 30/12/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết tạo thêm động lực cho TP.HCM phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Riêng đối với Ngành y tế Thành phố, Nghị quyết nêu rõ “... Xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới, hướng tới mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khoẻ khu vực ASEAN”.
Ngày 17/6/2023, Ngành Y tế thành phố đã tổ chức thành công Hội nghị “Đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại Thành phố Hồ Chí Minh”, đây là cơ sở khoa học để xây dựng Đề án phát triển y tế chuyên sâu tại Thành Phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Theo đó, 07 nhóm giải pháp để Nghị quyết số 31-NQ/TW sớm đi vào thực tiễn cuộc sống trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân đã được các chuyên gia đề xuất, bao gồm: (1) Hình thành trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao; (2) Phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, triển khai khu y tế kỹ thuật cao theo mô hình viện trường; (3) Giải pháp phát triển kỹ thuật chuyên sâu đáp ứng mô hình bệnh tật và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân; (4) Giải pháp xây dựng mạng lưới chăm sóc theo chuyên khoa từ y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở; (5) Giải pháp cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân; (6) Giải pháp để TP.HCM trở thành điểm đến du lịch y tế, đẩy mạnh kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền; (7) Giải pháp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế/ Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đề xuất lãnh đạo Thành phố chấp thuận phân cụm hệ thống y tế thành phố thành 03 cụm y tế khi xây dựng đề án phát triển TPHCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khoẻ của khu vực ASEAN theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 31-NQ/TW, các cụm y tế bao gồm:
Cụm y tế trung tâm bao gồm: các bệnh viện trực thuộc Bộ, Ngành đóng trên địa bàn Thành phố, hệ thống các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa Thành phố, Trung tâm Cấp cứu 115, Trung tâm tầm soát bệnh bằng công nghệ cao, Ngân hàng máu. Trường ĐHYD TPHCM chịu trách nhiệm chính về đào tạo nhân lực chất lượng cao tại Cụm trung tâm. Trong giai đoạn hiện nay và tiếp theo, Cụm trung tâm vẫn giữ vai trò chủ lực trong đảm trách phát triển y tế chuyên sâu vừa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân Thành phố và khu vực phía Nam, vừa chịu trách nhiệm hỗ trợ, phát triển chuyên môn kỹ thuật cho các bệnh viện tỉnh, thành trong khu vực phía Nam, vừa chia sẻ nguồn lực để phát triển 2 cụm y tế còn lại của Thành phố.
Cụm y tế Tân Kiên (huyện Bình Chánh) bao gồm: BV Nhi đồng TPHCM (đang hoạt động), BV Truyền máu Huyết học (đang hoạt động), Trung tâm Pháp Y (đang hoạt động), sắp tới sẽ hình thành thêm các bệnh viện: BV Sản phụ khoa, BV Chấn thương, BV Mắt, BV đa khoa (trực thuộc Trường ĐHYK PNT), Trung tâm Cấp cứu 115, Trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm, Ngân hàng máu, Trung tâm tầm soát bệnh bằng công nghệ cao... Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch chịu trách nhiệm chính về đào tạo nhân lực chất lượng cao tại Cụm Tân Kiên. Cụm y tế Tân Kiên là một mô hình tập trung các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên sâu được xây dựng mới, một mô hình mang tính chất rất đặc thù của TPHCM, đây là công trình của Thành phố chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
- Cụm y tế Thủ Đức (Thành phố Thủ Đức) bao gồm: BV Ung Bướu cơ sở 2, BV ĐKKV Thủ Đức, BV TP Thủ Đức, BV Lê Văn Thịnh, BV Lê Văn Việt, BV Quân dân Y Miền Đông, hiện nay đã được bổ sung quy hoạch phát triển thêm một số bệnh viện chuyên khoa như Sản, Mắt, Ngoại, Tâm thần… và Trung tâm tầm soát bệnh bằng công nghệ cao. Ngoài ra, tại cụm này còn có Khoa Y của ĐHQG TPHCM sẽ được phát triển trở thành trường ĐH Sức khoẻ và định hướng sẽ có một bệnh viện đa khoa hoạt động theo mô hình viện-trường.
Phát triển y tế chuyên sâu theo phân cụm phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển chung của thành phố, phải có hệ thống giao thông thuận tiện giữa các cơ sở y tế trong cùng 1 cụm và giữa cụm với y tế vùng, phân bổ đồng đều năng lực điều trị trên các lĩnh vực chuyên ngành. Mỗi cụm đều có các cơ sở y tế thuộc hệ thống y tế cơ sở đến y tế chuyên sâu. Mỗi cụm có sự liên kết chặt chẽ với các trường đại học khối ngành sức khoẻ, phát triển mô hình viện-trường nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển, đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao.
Một trong những mục tiêu quan trọng của công tác quản lý hệ thống y tế trên địa bàn Thành phố là không ngừng nâng cao năng lực của hệ thống y tế đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả và công bằng trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Trước tình hình quy mô dân số ngày càng tăng, trách nhiệm của Thành phố đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh, thành trong khu vực, trong đó có trách nhiệm của hệ thống y tế thành phố đối với các tỉnh, thành lân cận, việc đẩy mạnh đầu tư và phát triển hệ thống y tế thành phố theo các cụm là giải pháp quan trọng không chỉ để nâng cao năng lực cho hệ thống y tế trên địa bàn Thành phố mà còn giúp phát huy tối đa nguồn lực để phát triển y tế vùng. Theo kinh nghiệm của một số nước như Singapore, các cụm y tế càng phát huy hiệu quả khi có cơ chế điều hành nhân lực y tế và cơ chế quản lý tài chính giữa các cơ sở y tế trong cùng một cụm. Điều này rất cần tiếp tục được nghiên cứu và đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy hiệu quả cao nhất của các cụm y tế chuyên sâu.
Bên cạnh đó, Ngành Y tế Thành phố đã xây dựng đề án huy động nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống y tế, do đó, việc kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển y tế chuyên sâu, nhất là tại 2 cụm mới tại Tân Kiên và Thủ Đức đóng vai trò rất quan trọng để sớm hình thành các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa sâu, chất lượng cao.
Cùng với đó, phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp nhằm cung cấp kịp thời dịch vụ cấp cứu chất lượng cao và hiệu quả trong những tình huống khẩn cấp phù hợp với đặc điểm hệ thống y tế và địa lý của Thành phố, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho người dân đang sinh sống và làm việc trên địa bàn, Ngành y tế Thành phố đã xây dựng và trình đề án Phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện tại TP.HCM theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Nội dung đề án đã đặt ra các mục tiêu cụ thể như hình thành hệ thống các Trung tâm Cấp cứu 115 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp hướng đến đảm bảo cung ứng dịch vụ cấp cứu chất lượng cao cho người dân, xây dựng Cổng tiếp nhận và điều phối cấp cứu 115 theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng hóa các loại hình vận chuyển cấp cứu nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp cứu đa dạng của người dân và phù hợp đặc điểm địa lý của Thành phố như cấp cứu bằng đường thủy, cấp cứu bằng trực thăng.
Để thực hiện hiệu quả các giải pháp đưa TP.HCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe trong khu vực ASEAN, Thành phố đã và đang xây dựng, triển khai các dự án y tế trên địa bàn Thành phố, bao gồm: Đề án y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030; Đề án “Phát triển sức khỏe cộng đồng nhằm bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030”; Đề án “Tăng cường tổ chức và nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố”; Đề án “Phát triển y tế chuyên sâu TP Hồ Chí Minh giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo”; Đề án “Hình thành Trung tâm tầm soát, chẩn đoán bệnh sớm bằng công nghệ cao từ nay đến năm 2030”; Đề án “Phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo”; Đề án “Phát triển công nghiệp dược TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Đề án thực hiện tự chủ tài chính theo Nghị định 60/2021/ND-CP và các chính sách đặc thù giúp các bệnh viện công lập ngành Y tế Thành phố phát triển bền vững; Đề án “Huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển y tế TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo”./.