Kinh tế TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn vừa qua tăng khá ổn định, và tiếp tục là đầu tàu kinh tế khu vực và cả nước, với đóng góp chiếm gần 23% GDP cả nước. Trong thời gian tới, định hướng phát triển TP là tiếp tục giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới gắn với ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như: tài chính, thương mại, du lịch… đặc biệt là lĩnh vực logistics.

Hàng hóa TP chủ yếu vận chuyển bằng đường biển qua cảng Cát Lái

Hình thành 3 trung tâm logistics

Logistics là một phần của chuỗi cung ứng và đảm bảo cho hàng hóa được chuyển giao từ bên sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng. Hoạt động logistics tạo ra một mạng lưới dịch vụ hỗ trợ cho việc lưu chuyển hàng hóa trong phạm vi nội địa và ngoài biên giới các quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngành dịch vụ vận tải kho bãi cũng là 1 trong 9 ngành dịch vụ trọng yếu đóng góp cho GRDP của TP với tổng giá trị thực hiện năm 2019 là 134.762 tỷ đồng (chiếm 10% GRDP TP).

Đánh giá cao về tiềm năng đó, trong Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh sẽ phát triển 3 trung tâm logistic; trong đó bao gồm:  2 Trung tâm logistic hạng II (phía Bắc TP, phía Nam TP) với quy mô mỗi trung tâm giai đoạn đến năm 2020 tối thiểu là 40 ha và giai đoạn đến năm 2030 là trên 70 ha; 1 trung tâm logistics chuyên dụng hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - Long Thành hoặc có đường giao thông thuận tiện kết nối trực tiếp đến cảng hàng không với quy mô tối thiểu 3 - 4 ha (giai đoạn I) và 7 - 8 ha (giai đoạn II).

Để phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định phê duyệt Đề cương Đề án Phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đề cương đã được phê duyệt, đề án có 3 nhiệm vụ cốt lõi. Đó là hoạch định chiến lược phát triển ngành logistics TP dựa trên nguyên tắc liên kết vùng. Theo đó, về hạ tầng kỹ thuật, xác định nhu cầu, đề xuất vị trí, quy mô thành lập 3 trung tâm logistics. Ba trung tâm này sẽ đáp ứng yêu cầu trung chuyển, lưu trữ, cung cấp hàng hóa cho các chuỗi phân phối trong nội thành (siêu thị, cửa hàng bán lẻ,...) và trung chuyển, phân phối hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh, thành, hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cửa ngõ TP. Ngoài ra, về dịch vụ logistics, nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài, cụ thể, doanh nghiệp sản xuất chỉ lo tập trung sản xuất, còn việc vận chuyển, giao nhận... sẽ do các doanh nghiệp dịch vụ logistics đảm nhận. Việc chuyên môn hóa sẽ giúp kéo giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam cả trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Từ nay đến năm 2030, TP sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm phục vụ cho hoạt động logistic, kêu gọi đầu tư các trung tâm logistics phục vụ trung chuyển hàng hóa giữa TP với các tỉnh, thành, hàng hóa xuất - nhập khẩu thông qua địa bàn.

Mục tiêu trước mắt của TP là phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 25%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GRDP đạt khoảng 9%-10%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 40%, góp phần kéo giảm chi phí logistics của toàn nền kinh tế so với GDP còn khoảng 20%.

Đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GRDP đạt khoảng 15%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 65%, góp phần kéo giảm chi phí logistics của toàn nền kinh tế so với GDP còn khoảng 15%-17%.

Nhìn từ kinh nghiệm thế giới

Nhằm phát triển ngành logistics đúng với kỳ vọng, TP Hồ Chí Minh đang tiến hành học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước, đặc biệt là các nước trong khu vực thành công như, Singapore, Nhật Bản…, đây đều là quốc gia đứng đầu thế giới và khu vực về dịch vụ logistics.

Với diện tích nhỏ và hầu như không có tài nguyên nên ngay từ đầu Singapore đã xác định dựa vào thế mạnh của cảng biển và năng lực thương mại. Để đạt được những thành công của mình, Chính phủ Singapore đã đề ra và thực thi chiến lược phát triển hệ thống cảng biển và trung tâm logistics, tự do hóa thương mại. Trong đó, cam kết tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho lĩnh vực vận tải biển và logistics, ưu đãi thuế cho các công ty tàu biển quốc tế; miễn thuế thu nhập từ tàu biển trong 10 năm; hưởng tỷ lệ thuế ưu đãi nhỏ hơn 10% trên mức tăng doanh thu từ việc cung cấp dịch vụ trong 5 năm và cho vay ưu đãi với tàu và container… Singapore cũng khuyến khích các công ty trong nước hợp tác với các hãng nước ngoài để thiết lập hệ thống logistics toàn cầu, khuyến khích các công ty đa quốc gia và các nhà cung ứng dịch vụ logistics quốc tế đặt trụ sở tại đây.

Cùng với đó, chú trọng đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng logistics như hệ thống cảng, đường cao tốc, trung tâm logistics hàng không, trạm không vận hàng tươi sống… Đồng thời, ứng dụng, khai thác hệ thống công nghệ thông tin hiện đại để thực hiện các khâu từ thủ tục kê khai thông tin đến hỗ trợ bốc dỡ, vận chuyển và lưu trữ hàng hóa. Các khâu kiểm soát ôtô ra vào cảng và bốc xếp hàng hóa đều được tối ưu hóa bằng máy móc. Điều này giúp giảm đáng kể thời gian, chi phí liên quan, đồng thời tạo ra nguồn thu từ các dịch vụ logistics có giá trị gia tăng cao.

Là một trong những quốc gia có trình độ phát triển logistics hàng đầu thế giới, Chính phủ Nhật Bản đã quan tâm phát triển dịch vụ logistics từ rất sớm, với việc lựa chọn những vị trí thích hợp ở gần các khu liền kề các TP, bên cạnh các tuyến giao thông nội bộ và các đường giao thông huyết mạch chính nối liền các TP lớn để xây dựng các khu kho vận hậu cần. Kho chứa hàng được xây dựng gần các cảng biển lớn, có hệ thống giao thông vận tải thông suốt. Hệ thống kho bãi rất đa dạng như kho lạnh, kho giữ ấm… cung cấp dịch vụ bảo quản thực phẩm, thuốc men và các sản phẩm đặc biệt khác. Bên cạnh đó, Nhật Bản đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển ngành như cải cách thủ tục, thành lập những tổ chức liên kết và hỗ trợ doanh nghiệp, triển khai các khoản cho vay ưu đãi để xây dựng kho bãi hậu cần…

Đưa ra ý kiến về vấn đề này, ông Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận cho rằng, để áp dụng thành công một số mô hình các trung tâm kho vận, logistic trên thế giới, TP cũng cần thực hiện một số giải pháp phù hợp như, hình thành quy mô cụm cảng, khu công nghiệp, khu logistic phải đạt đến quy mô đủ lớn thì mới tối ưu được hiệu quả kinh tế; cần phát triển một cách đồng bộ và hiện đại các dịch vụ hỗ trợ; tiến hành đầu tư đồng bộ vào hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa trung tâm logistic với các khu công nghiệp, các khu sản xuất nông nghiệp và các đô thị; thu hút các doanh nghiệp hàng đầu để tại hiệu ứng lan tỏa và lôi kéo được các doanh nghiệp trong cùng chuỗi cung ứng; chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại, giảm thiểu thủ tục hành chính và đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành logistic…

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam cho rằng, ngành logistics phát triển sẽ đóng góp tích cực cho toàn bộ nền kinh tế. Nhưng hiện nay, các doanh nghiệp logistics tại TP phát triển chủ yếu là tự phát, chưa thấy vai trò rõ ràng của Nhà nước trong công tác quản lý, đặc biệt là hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phần lớn doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn và đất đai để tạo cơ sở hạ tầng, thiết bị phục vụ ngành logistics. Điều đó dẫn đến việc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài hết sức khó khăn. Do đó, TP cần phải thực sự quan tâm đến các doanh nghiệp bằng những hành động cụ thể, như: hỗ trợ về mặt chính sách; giành quỹ đất để phát triển logistics và hoàn thành đề án phát triển logistics.

Khi kết hợp bài học kinh nghiệm thế giới và các biện pháp phù hợp với TP, hứa hẹn trong thời gian tới, dịch vụ logistics sẽ có những bước tăng trưởng bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của TP Hồ Chí Minh. /.

Bài, ảnh: CM