Cán bộ, công chức quận 10 (TPHCM) tham gia kỳ thi kiểm tra năng lực năm 2022. (Ảnh: Thu Hường)
Đảng bộ Quận 10 có 41 tổ chức cơ sở đảng, với 7.330 đảng viên. Trong đó có 21 Đảng bộ (14 Đảng bộ phường, 6 Đảng bộ cơ quan và 01 Đảng bộ doanh nghiệp) và 20 chi bộ cơ sở (bao gồm các đơn vị: Nội chính, sự nghiệp, trường học, chợ); 263 chi bộ trực thuộc và 07 Đảng bộ bộ phận trực thuộc Đảng bộ phường.
Xác định công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực là nhiệm vụ mang tính cấp bách lâu dài và có ý nghĩa quan trọng góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, thời gian qua, Ban Thường vụ Quận ủy Quận 10 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy cơ sở đảng các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng và Hướng dẫn số 25-HD/BCDTW ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạ Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, XII, XIII về xây dựng Đảng, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong thời gian qua đã đat được nhiều kết quả tích cực: Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn quận 10 chưa phát sinh những vụ việc liên quan phải tiến hành xem xét, chỉ đạo xử lý về các hành vi tham nhũng, tiêu cực đối với cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trực thuộc quận; đã cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào từng nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong cán bộ, đảng viên, hệ thống chính trị và Nhân dân được quan tâm chỉ đạo thực hiện; từng bước phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị Quận, phường và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng đảng, chính quyền, nhiều cấp ủy cơ sở đã chỉ đạo gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách của Bác Hồ và khắc phục các hạn chế, khuyết điểm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII)…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số hạn chế: Một vài cấp ủy, cơ sở đảng chưa nghiên cứu sâu, kỹ các văn bản chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chưa quán triệt và thực hiện nghiêm yêu cầu về công tác phòng, chống tham nhũng; các chương trình kế hoạch phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn nặng hình thức, chưa sát với tình hình thực tiễn cơ quan, đơn vị để có kế hoach, giải pháp phòng, chống hiệu quả; còn xem nhẹ nội dung thực hành tiết kiệm, phòng, chống tiêu cực lãng phí…
Trước những diễn biến nhanh, khó lường, phức tạp của tình hình trong quốc tế và trong nước, cho thấy TP Hồ Chí Minh nói chung và Quận 10 nói riêng sẽ phải đối mặt với không ít “khó khăn và thách thức” trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong thời gian tới. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Ban Thường vụ Quận ủy Quận 10 đã đề xuất một số giải pháp.
Thứ nhất, đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa không tham nhũng, tạo ý thức tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.
Thường xuyên giáo dục, đẩy mạnh nâng cao nhận thức cho cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị về vai trò, tác dụng to lớn của công tác phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực.
Một phiên họp của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: thanhuytphcm)
Tăng cường bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh, phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch; chủ động cung cấp thông tin chính xác, khách quan, khoa học về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng chống diễn biến hòa bình, thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, Internet…
Tăng cường cơ chế đối thoại, gặp gỡ trao đổi ý kiến với các doanh nghiệp, người dân…
Thứ hai, tăng cường quản lí, giám sát chặt chẽ cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình hoạt động công vụ và kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng của cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp.
Thứ tư, tiếp tục duy trì tốt việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Quận ủy với các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng; phát huy vai trò cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tiếp nhận, xử lý các phản ánh liên quan tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước… Đảm bảo tốt công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và công tác phối hợp các ngành và các cơ quan tố tụng trong xử lý tin báo tố giác tội phạm về tham nhũng…/..