Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc . Ảnh : TTXVN
Ngày 8/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 8 tháng còn lại của năm 2020.
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng đánh giá cao công tác phòng chống dịch COVID-19 của Thành phố. Đối với các hoạt động kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Thành phố đã luôn năng động, sáng tạo, có nhiều mô hình kinh doanh mới, hiệu quả, chính vì vậy, kinh tế Thành phố không bị “đổ gãy”. Thành phố cũng là địa phương triển khai sớm nhất các gói hỗ trợ an sinh xã hội, từ đó phần lớn đối tượng khó khăn trên địa bàn đã được quan tâm kịp thời.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng Cục Thống kê, kết thúc quý I, Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng trên 1,03%. Theo Thủ tướng, con số này chưa phải là cao. Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, có vị trí rất quan trọng đối với cả nước, trên tất cả lĩnh vực. Do đó, sức tăng trưởng của Thành phố có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng của cả nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặt ra cho Thành phố những vấn đề trọng tâm, như giải pháp phát triển sắp tới là gì? Thành phố phải chủ động ra sao để khôi phục kinh tế?
Theo báo cáo của Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, trong thời gian qua, công tác phòng chống dịch được Thành phố thực hiện một cách chủ động, với tinh thần tuyệt đối không chủ quan, lơ là và đã đạt được những kết quả tích cực. Thành phố cũng đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như những đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.
Xác định chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, có thể phát sinh người nhiễm bệnh mới nhưng không để có nguy cơ trở thành ổ dịch trong cộng đồng; Thành phố tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa hạn chế những tác động khó khăn do dịch COVID-19, vừa phấn đấu ngăn chặn, xử lý tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đồng thời thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố năm 2020.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTBCTP
Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công; Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong điều kiện dịch bệnh; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, phát triển các dịch vụ công trực tuyến, y tế số, giáo dục số, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử và kinh tế số…
Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ nhiều vấn đề, trong đó có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục giảm 10% giá điện hiện nay và tạm thời ngừng áp dụng bậc thang giá điện; cho phép doanh nghiệp khởi nghiệp được hạch toán khoản đầu tư vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp kỳ 2020 và 2021 số tiền tối đa 30% trị giá lợi nhuận trước thuế; xem xét, chấp thuận cho doanh nghiệp được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất; Cho phép Thành phố xây dựng đề án không tổ chức HĐND cấp quận, phường trên địa bàn; kiến nghị cho phép Thành phố xây dựng Đề án thành lập Thành phố trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Thành phố Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Thành phố sẽ sớm phục hồi hoạt động các ngành sản xuất, dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân trong nước. Ngành dịch vụ du lịch Thành phố sẽ “mở cửa” có chọn lọc dựa trên cơ sở phân tích tình hình phục hồi, kiểm soát dịch bệnh của các nước khác.
Trong quý II/2020, Thành phố có thể phục hồi hoạt động sản xuất của các nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng. Riêng ngành hàng xuất khẩu, Thành phố cần làm việc với từng thị trường đối tác để bàn bạc cụ thể về lộ trình mở cửa.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời đề nghị và mong muốn Thành phố nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong phát triển kinh tế xã hội, xứng đáng với tiềm năng và lợi thế của mình; phải trở lại vị thế là cực tăng trưởng đầu tàu kinh tế của cả nước. Việc đạt chỉ tiêu tăng trưởng trên 6% của Thành phố không chỉ là lời cam kết mà còn là trách nhiệm của Thành phố với đất nước.
Thủ tướng cho rằng, giải pháp đầu tiên quan trọng nhất lúc này là mỗi người dân Thành phố phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; khắc phục "vi rút trì trệ" đang tồn tại. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp Thành phố phải cùng chung sức, đồng lòng chủ động, sáng tạo vượt khó.
"Mỗi công dân Thành phố, mỗi doanh nghiệp là một chiến sỹ", cần coi đây là dịp thử thách bản lĩnh, trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam tại một trung tâm năng động, trung tâm kinh thế thị trường lớn nhất cả nước, Thủ tướng nói.
Toàn cảnh buổi làm việc tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTBCTP
Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý Thành phố chú trọng và quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công; làm tốt công tác an sinh xã hội; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; phát huy lợi thế “điểm đến an toàn về đầu tư". Thành phố cần rà soát lại những Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII của Thành phố đã đề ra để phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành cùng hỗ trợ, cùng gỡ từng khó khăn cho Thành phố.
Về các giải pháp lâu dài căn cơ, theo Thủ tướng là phát triển không gian đô thị phải đi trước một bước, phát triển nhiều đô thị vệ tinh có quy mô hợp lý, phù hợp. Nhanh chóng hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh; công nghiệp phải ứng dụng công nghệ cao; triển khai có hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 27/NQ-CP cho phép Thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn./..