Trong ngày làm việc thứ 2, nhiều nội dung liên quan tới kinh tế,
dân sinh được đưa ra trao đổi, làm rõ.
Rà soát, phân tích kỹ thực trạng để có giải pháp thiết thực
Nền kinh tế chịu tác động mạnh từ tình hình dịch bệnh COVID-19 đã thấy quá rõ trên thực tế. Không ít doanh nghiệp phải chấp nhận cắt giảm lao động, thậm chí không còn cách nào buộc phải giải thể, phá sản. Làm sao để giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, làm sao để nền kinh tế “hồi sinh” chính là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm và trao đổi tại Kỳ họp.
Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy đề xuất, 6 tháng cuối năm 2020, cần có gói kích cầu chung của TP cho doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực; trong đó tập trung vào ngành có tính lan tỏa như dịch vụ, du lịch, từ đó sẽ kéo theo sản xuất phát triển. TP cần kích cầu từng ngành và đẩy mạnh liên kết vùng để giải quyết bài toán về tiêu thụ nội địa, thương mại, du lịch…
Cũng với nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị, TP cần phân loại ngành nghề nào cần hỗ trợ; loại ngành nghề nào có thể vực dậy nhanh được và cần hỗ trợ vài điểm, còn ngành nào khó khăn và cần hỗ trợ dài. Đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ thì cần hỗ trợ ra sao? Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng đề nghị các ngành và UBND TP cần rà lại một cách rất chi tiết, xem dư địa phát triển của TP đang ở đâu? Từ đó mới đưa ra được giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả.
“Đây là vấn đề khó, nhưng hãy nghĩ đến vai trò đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh, phải làm gì để góp phần cho đất nước trong giai đoạn khó khăn này, tạo nhiều việc làm cho người lao động, để cho người dân TP sống được”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị.
Giải trình những vấn đề các đại biểu đặt ra, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Lê Thị Huỳnh Mai thông tin: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế TP chịu ảnh hưởng nhiều. Hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu TP những giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp khắc phục hậu quả của dịch COVID-19, phát triển bền vững hơn; tập trung phát triển thị trường trong nước, đặc biệt là du lịch và các ngành dịch vụ mà TP có lợi thế; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cũng như nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong vấn đề điều hành hoạt động của từng cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính được đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh hơn, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Đại biểu kiến nghị tại Kỳ họp.
Đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm
Cũng tại Kỳ họp, các đại biểu đánh giá cao TP thời gian qua đã đưa ra nhiều dự án hạ tầng phục vụ cho sự phát triển của TP. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị UBND TP, các sở, ngành, quận, huyện có những giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn hiện nay ở các dự án để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình đưa vào sử dụng.
Đại biểu Nguyễn Minh Nhựt cho biết: Qua quá trình giám sát, tồn tại một số vấn đề. Đó là hiện nay số lượng công trình giao thông trọng điểm đề ra rất nhiều, nhưng so với tình hình thực hiện, tính khả thi không cao. Đồng thời, nhiều dự án được khởi công mới, trong khi đó nhiều dự án triển khai kéo dài chưa được tập trung giải quyết dứt điểm. Do đó, trong thời gian tới, TP cần có giải pháp quyết liệt. Đó là có nguồn lực bao nhiêu thì nên đầu tư theo hình thức cuốn chiếu; có thứ tự ưu tiên để sắp xếp công trình trọng điểm, tránh tình trạng đầu tư dàn trải; tháo gỡ nút thắt về đơn giá bồi thường.
Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Trần Quang Lâm cho biết: Về thứ tự ưu tiên, tất cả dự án trong danh mục ưu tiên đầu tư để giải quyết giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông đều thực hiện theo quy hoạch và xuất phát từ nhu cầu phát triển của các quận, huyện. Trước đây, có dự án do quận, huyện chủ động đề xuất, có dự án do Sở chủ động đề xuất. Sắp tới, theo Luật Đầu tư công mới thì quận, huyện cùng Sở lập đề xuất đầu tư và trên cơ sở đó trình HĐND TP thông qua. Hiện nay, Sở đang phối hợp với các sở, ngành để tham mưu UBND TP phân cấp rõ.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP cũng thông tin thêm, hiện nay, Sở đã có Trung tâm mô phỏng giao thông, căn cứ vào mức độ ùn tắc giao thông dự báo để xây dựng thang điểm ưu tiên cho từng dự án.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Trần Quang Lâm cho biết, hiện nay, hàng tuần, Sở Giao thông vận tải TP tổ chức họp với doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan trao đổi về các kiến nghị của đại biểu tại Kỳ họp.
Đồng chí Trần Quang Lâm cũng cho rằng, trong thời gian qua, vai trò của người đứng đầu các quận, huyện rất quan trọng trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong thời gian tới mong nhận được sự chia sẻ của các địa phương, sớm đưa vào khai thác các dự án để phát huy hiệu quả trên thực tế.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, UBND TP sẽ tập hợp các vướng mắc của các dự án công trình giao thông trọng điểm mà đoàn giám sát HĐND TP đề xuất để nghe các cơ quan, đơn vị báo cáo và giải quyết các vướng mắc./.
Tại Kỳ họp, các đại biểu cũng quan tâm tới việc giảm gần 2.300 cán bộ không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn.Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Trương Văn Lắm cho biết, Sở cũng rất lo lắng và thấu hiểu khi phải giảm số lượng lớn cán bộ không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn. Trong quá trình chuẩn bị tờ trình, Sở đã nhiều lần lấy ý kiến các sở, ngành, quận, huyện và đặc biệt là xin ý kiến các cơ quan Trung ương.Theo UBND TP, cán bộ không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn trên địa bàn có cường độ làm việc và đảm nhiệm khối lượng công việc không khác biệt so với cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn. Do đó, UBND TP đề xuất cán bộ không chuyên trách dôi dư khi nghỉ việc, được hỗ trợ mỗi năm công tác là 1,5 tháng tiền lương theo trình độ chuyên môn tại thời điểm thôi việc. Tính bình quân số năm công tác của gần 2.300 người là 10 năm thì kinh phí dự kiến để chi hỗ trợ là khoảng 120 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách TP.Việc hỗ trợ của TP nhằm đảm bảo quyền lợi, ổn định tinh thần và tạo điều kiện cho người hoạt động không chuyên trách an tâm tìm công việc mới.
|