leftcenterrightdel
Nhờ chủ động trong việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người lao động từ sớm, thêm vào đó là chuẩn bị trước các chính sách chăm lo, hỗ trợ cho lao động nghỉ không lương, lao động đang mang thai, nuôi con nhỏ, lao động là các F0, F1… nênCông ty cổ phần dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công đã ‘"giữ chân” được người lao động ở lại Công ty, sẵn sàng bắt tay vào sản xuất khi Thành phố mở cửa.

Từ 1/10, TP Hồ Chí Minh áp dụng Chỉ thị 18 với việc nới lỏng giãn cách, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đang dần phục hồi trở lại song khó khăn và cũng là thách thức lớn nhất với doanh nghiệp hiện nay chính nằm ở nguồn cung lao động đang thiếu trầm trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp đang tái khởi động khá trơn tru với lượng lao động tương đối ổn định, công suất vận hành đã đạt gần 100%.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công ở Khu công nghiệp Tân Bình cho biết, Công ty có 4.400 lao động. Từ ngày 17/7, theo yêu cầu của chính quyền Thành phố, doanh nghiệp tổ chức cho 2.200 công nhân ăn ở và làm việc tại chỗ, giảm quy mô sản xuất còn 50%.

Nhờ chủ động trong việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người lao động từ sớm, thêm vào đó là chuẩn bị trước các chính sách chăm lo, hỗ trợ cho lao động nghỉ không lương, lao động đang mang thai, nuôi con nhỏ, lao động là các F0, F1… nên Công ty đã "giữ chân” được người lao động ở lại công ty, sẵn sàng bắt tay vào sản xuất khi Thành phố mở cửa. Hiện, 96% người lao động của Công ty đã có thẻ xanh để đi làm, trong số đó 90% (chiếm 86% tổng số lao động toàn công ty) đã bắt đầu quay trở lại làm việc. Công suất của nhà máy ở khu công nghiệp Tân Bình đảm bảo năng lực chính của Công ty thì tới thời điểm này đã đạt 100%. Ông Tuấn cho hay, trên thực tế, ngay cả khi không có dịch bệnh, thì lượng công nhân cũng không đạt 100% do người lao động hưởng chế độ thai sản. Do đó, hiện nay, con số đang nghỉ cũng có một phần là nghỉ sinh, một số đang chờ tiêm mũi 2, một số ít đang ở quê… “Chúng tôi hi vọng, một thời gian nữa, người lao động sẽ trở lại như bình thường”, ông Tuấn nói.

Còn về các đơn hàng, tới nay, Công ty này đã nhận đơn hàng cho năm 2022. Trong thời gian dịch bệnh căng thẳng, nhà máy chỉ hoạt động 50% công suất nên đơn hàng bị dồn lại. Hiện, Công ty đang thương lượng với đối tác hỗ trợ lùi thời gian giao hàng, đồng thời linh hoạt tăng sản lượng thông qua việc tìm kiếm các cơ sở gia công tại khu vực miền Trung, miền Bắc. Hiện, Công ty cũng đang đẩy mạnh tiến độ xây dựng nhà máy thứ 2 ở Vĩnh Long, hi vọng thời gian tới khi đi vào hoạt động, cùng với việc dịch bệnh tại các tỉnh kiểm soát tốt hơn, lưu thông thuận lợi hơn thì sản lượng sẽ ổn định, đáp ứng được kế hoạch đề ra.

Có thể thấy, việc linh hoạt trong sản xuất phù hợp với tình hình dịch bệnh và điều kiện thực tế tại từng đơn vị đang đem lại hiệu quả rõ nét cho các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh hiện nay. Tùy thuộc vào mỗi lĩnh vực kinh doanh, điều kiện đặc thù, mà doanh nghiệp lựa chọn cho mình giải pháp riêng.

leftcenterrightdel
Do công việc đang triển khai hiệu quả, đảm bảo tiến độ sản xuất, thêm vào đó, tình hình dịch bệnh dù đã được kiểm soát khá tốt song vẫn tiềm ẩn nguy cơ, do đó, chủ trương của Công ty Cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng là sẽ tiếp tục triển khai làm việc 3 tại chỗ tới 15/10.

Công ty Cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng (xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh) là doanh nghiệp có khoảng 1.100 cán bộ, nhân viên, người lao động làm việc tại khu vực TP Hồ Chí Minh. Để đảm bảo sản xuất, Công ty đã áp dụng “3 tại chỗ” với khoảng 700 người trong thời gian Thành phố triển khai giãn cách xã hội. Gần 300 lao động khối văn phòng làm việc online, số còn lại là công nhân trực tiếp sản xuất nghỉ do nằm trong khu vực phong toả, hoặc điều kiện gia đình không cho phép ở lại công ty làm việc. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, năm 2020 khi xảy ra dịch bệnh, do chưa có sự chuẩn bị, chưa thích ứng kịp thời nên Công ty bị ảnh hưởng khá lớn. Đợt dịch thứ 4 này, Công ty đã có kinh nghiệm hơn, chủ động xây dựng kế hoạch nên hoạt động sản xuất kinh doanh được đảm bảo an toàn, nhân sự cũng không có sự biến động nhiều, các đơn hàng đáp ứng tương đối so với tiến độ yêu cầu của đối tác.

Chia sẻ về việc đảm bảo ổn định sản xuất trong thời điểm dịch bệnh khó khăn như hiện nay, ông Hùng cho rằng, đó là những bước tính chắc chắn của Ban lãnh đạo Công ty. Trước hết, khi có dịch, lao động phải nghỉ làm, Công ty vẫn có chính sách chăm lo cho người lao động, tùy từng khu vực người lao động sinh sống, trong đó, tại khu vực bị phong tỏa là 200 nghìn đồng/ngày. Đối với những lao động có hoàn cảnh khó khăn, Công ty còn hỗ trợ thêm nhu yếu phẩm. Đối với khu vực bình thường thì hỗ trợ có ít hơn một chút. Đối với anh em khối văn phòng, làm việc online vẫn hưởng chế độ như bình thường.

Riêng đối với người lao động làm việc 3 tại chỗ, hiểu được hoàn cảnh, tâm lý nên Ban Giám đốc luôn quan tâm chăm lo đảm bảo các bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, thuốc men, bổ sung vitamin, trái cây, sữa bánh hàng ngày cũng như tạo điều kiện cho anh em trong các hoạt động thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe. Ông Hùng cho biết, dù điều kiện sinh hoạt tại Công ty không thể bằng ở nhà song Công ty cũng cố gắng hết sức để người lao động an tâm, thoải mái nhất có thể.

Thị trường của Công ty hiện nay chủ yếu là các nước châu Âu và Mỹ. Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh song tín hiệu đáng mừng là các đơn hàng ngày một tăng. Những tháng gần đây, Công ty đã phải tăng ca để kịp giao hàng. Mặc dù Thành phố đã nới lỏng giãn cách, song theo kế hoạch và được sự thống nhất của người lao động, hiện tại đơn vị vẫn duy trì làm việc 3 tại chỗ thêm một thời gian nữa.

“Chúng tôi nhận thấy, công việc đang triển khai hiệu quả, đảm bảo tiến độ sản xuất, do đó, chủ trương của Công ty không nên vội vàng, chưa mở cửa ồ ạt. Thêm vào đó, tình hình dịch bệnh dù đã dần được kiểm soát trên địa bàn Thành phố song vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao, vì vậy, Công ty dự kiến sẽ tiếp tục triển khai làm việc 3 tại chỗ tới 15/10”, ông Hùng cho biết.

Để duy trì được kết quả như thời điểm này là cả sự nỗ lực của Ban lãnh đạo Công ty cũng như người lao động. Nhằm đáp ứng yêu cầu gia tăng các đơn hàng, trong thời gian tới, Công ty sẽ phải cần thêm khoảng 200-300 lao động trực tiếp sản xuất, do đó doanh nghiệp này đang lên kế hoạch để tuyển thêm lao động đồng thời liên hệ với công nhân đã nghỉ trong thời gian giãn cách quay trở lại làm việc.

Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong lúc khó khăn ấy, “doanh nghiệp mà biết nghĩ cho người lao động, hết lòng chăm lo, có chính sách hỗ trợ kịp thời giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống thì khi dịch bệnh ổn định, công nhân họ cũng quay lại hết lòng vì doanh nghiệp”, chị Lê Thị Thủy, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH may thêu Hà Giang (Quận Gò Vấp) chia sẻ.

Công ty này đang có tổng cộng 150 lao động. Chị Thủy cho biết, qua khảo sát, 100% người lao động ở lại TP Hồ Chí Minh trong đó tới thời điểm này khoảng trên 85% lao động đồng ý quay trở lại làm việc. Số còn lại do gia đình cũng có người vừa qua bị nhiễm COVID-19 nên xin tạm nghỉ để có thời gian chăm sóc cho gia đình.

Khi mới trở lại sản xuất, chị Thủy cho biết, doanh nghiệp chỉ dám nhận khoảng 50% đơn hàng mặc dù phía đối tác rất muốn tăng thêm. Lý do, trong giai đoạn đầu chưa rõ các quy định nới lỏng của Thành phố sẽ như thế nào, trong khi đối tác của Công ty là người Nhật Bản lại có những quy định rất nghiêm ngặt, nên nếu không đảm bảo đơn hàng sẽ ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
Công ty TNHH may thêu Hà Giang bố trí làm việc luân phiên, đồng thời tạo điều kiện cho người lao động mang hàng về nhà làm để đảm bảo tiến độ cũng như đảm bảo thu nhập cho người lao động

“Trước giờ, sản phẩm của Công ty may thêu Hà Giang được xuất khẩu sang Nhật Bản và có mặt ở trung tâm lớn của nước này. Do đó, chúng tôi muốn giữ chữ tín mà mình đã xây dựng được bấy lâu nay. Phải chắc chắn hoàn thành chúng tôi mới dám nhận đơn hàng. Thêm vào đó, công ty cũng không tạo áp lực cho người lao động, mà muốn mọi người có tâm lý thoải mái, đảm bảo sức khỏe tốt nhất, sẵn sàng nhất có thể khi quay trở lại công việc. Tôi nghĩ, để đưa ra kế hoạch này, Ban Giám đốc Công ty cũng xác định rõ trách nhiệm của mình đối với người lao động chứ không phải chỉ lo nghĩ về lợi nhuận của doanh nghiệp”, chị Thủy chia sẻ.

Có lẽ cũng xuất phát từ quan điểm ấy, mà trong thời gian TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách, Công ty đã luôn quan tâm, động viên kịp thời người lao động, chi hỗ trợ mỗi lao động 1 triệu/tháng trong suốt 4 tháng từ tháng 6-9/2021.

Hiện nay, khi hoạt động sản xuất kinh doanh dần hồi phục, nhưng dịch bệnh còn khá phức tạp do đó, công ty áp dụng làm việc luân phiên, đảm bảo giãn cách, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Mỗi khâu, tổ sản xuất sẽ bố trí 50% lao động làm việc tại xưởng, số còn lại mang sản phẩm về nhà làm. Công ty cấp thêm kinh phí tiền điện phụ thêm cho công nhân khi làm việc tại nhà. Như vậy, vừa đáp ứng được yêu cầu về phòng dịch, vừa đảm bảo đơn hàng, đảm bảo thu nhập cho người lao động. Đối với công nhân tại đây, khi công việc ổn định, thu nhập hàng tháng cũng trên chục triệu đồng/người.

Chị Thủy cho biết, theo dự kiến, sau 11/10, Công ty sẽ trở lại hoạt động như bình thường, với kế hoạch đơn hàng đảm bảo 100% công suất.

“Trước giờ, Công ty luôn đảm bảo điều kiện làm việc tốt cho người lao động, nên ai cũng xác định gắn bó lâu dài. Chúng tôi cũng không quá lo lắng nhiều về việc thiếu hụt lao động trong giai đoạn này và hiện cũng chưa có nhu cầu tuyển dụng thêm”, chị Thủy nói.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đại diện của 3 doanh nghiệp trên đều cho rằng, dịch bệnh mặc dù bước đầu được Thành phố kiểm soát tương đối tốt, việc nới lỏng giãn cách xã hội đã giúp phục hồi sản xuất, kinh doanh, “hồi sinh” các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế của Thành phố song thời điểm này, các doanh nghiệp cũng không chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh. Các quy định, bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại do UBND TP Hồ Chí Minh ban hành đều được các đơn vị tuân thủ nghiêm ngặt, đảm bảo đầy đủ các yêu cầu, đúng theo tinh thần “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”.

Có thể thấy chính sự chủ động, thích ứng an toàn và linh hoạt trong mọi tình huống, có lộ trình rõ ràng đã giúp cho doanh nghiệp vững vàng đi qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng may mắn tái khởi động ổn định, thuận lợi như các doanh nghiệp trên. Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết toàn Thành phố có hơn 470.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó trên 15.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với trên 3,2 triệu công nhân.

Tác động của dịch COVID-19 trong 5 tháng gần đây đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp cũng như việc làm của người lao động, khiến cho hơn 1,7 triệu lao động trên địa bàn Thành phố phải tạm nghỉ việc, giãn việc không hưởng lương. Bên cạnh đó hàng trăm nghìn lao động tự do cũng đã thất nghiệp. Thực tế, đã có rất nhiều người không thể trụ lại được ở Thành phố, buộc phải lựa chọn phương án về quê nên xảy ra sự thiếu hụt lao động như hiện nay.

Tại cuộc họp báo chiều 4/10, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải cũng chia sẻ, hiện nay, các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Thành phố đang rất thiếu lao động. Trước thời điểm 1/10, tại đây có khoảng 288.000 lao động, trong đó có hơn 70.000 lao động làm việc "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường - 2 điểm đến". Hiện nay, cả số lao động đăng ký mới, tổng cộng lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ có khoảng 135.000, bằng 46% so với trước đây.

Thiếu hụt lao động đang khiến nhiều doanh nghiệp “đau đầu” tìm giải pháp. Và để giải được bài toán này, trước hết, bản thân doanh nghiệp cũng cần phải tăng cường công tác tuyên truyền để người lao động nắm được thông tin về kế hoạch sản xuất, công tác chăm lo, các chế độ chính sách, phúc lợi… từ đó giúp họ yên tâm quay lại làm việc. Thế nhưng, để phục hồi sản xuất, sự nỗ lực của doanh nghiệp có lẽ vẫn là chưa đủ mà ở đây còn rất cần sự hỗ trợ đắc lực của Trung ương, chính quyền địa phương, tổ chức xã hội, đặc biệt là các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước như: chính sách ưu đãi tín dụng, thuế.../..








V.Lê